Người Việt đã sẵn sàng trước làn sóng công nghệ mới trong fintech?
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:16, 09/08/2022
Đại dịch là động lực tăng tốc cho ngành fintech
Đại dịch COVID-19 như một cơn bão hoàn hảo làm thay đổi kỳ vọng và hành vi của người tiêu dùng toàn cầu cũng như thúc đẩy sự đổi mới không ngừng trong cách mọi người tương tác với các dịch vụ tài chính, do đó đẩy nhanh việc áp dụng các giải pháp tài chính kỹ thuật số sáng tạo.
Theo báo cáo State of Fintech của CB Insights, quý 3 năm 2021 ghi nhận mức tăng 147%, mức tăng kỷ lục của ngành fintech so với cùng kỳ năm ngoái. Khi thế giới đã quen với nhịp sống bình thường mới, ngành fintech tại Việt Nam cũng có những biến đổi và hình thành các xu hướng mới.
Giai đoạn từ năm 2021 - 2025 được cho rằng sẽ là giai đoạn tăng tốc của tất cả các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) và công ty công nghệ tài chính ưu tiên việc chuyển đổi số (CĐS) (digital first).
Theo báo cáo Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở do BambuUP và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thực hiện, lĩnh vực tài chính ở Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi và dự kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo dựa vào đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật số.
Điều này thể hiện qua những con số như: Giao dịch bằng thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng hơn 400% trước năm 2025; 25% ngân hàng tại Việt Nam sẽ "tích cực theo đuổi hiện đại hóa các nền tảng lõi kỹ thuật số"; Số tài khoản được tạo mới của top 8 ngân hàng hàng đầu tăng 50%, sử dụng tự động hóa thông minh trong việc xác minh nguồn gốc tài khoản; Ngân hàng lõi và hiện đại hóa thanh toán hệ thống là hai ưu tiên hàng đầu dành cho top 8 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.
Báo cáo cũng khẳng định, sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của các xu hướng công nghệ tài chính hiện nay dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ đến ba nhóm đối tượng chính: Ngân hàng - nhóm sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai; Khách hàng cá nhân - nhóm sẽ thay đổi nhanh chóng về hành vi, tư duy và cách tiếp cận công nghệ; Khách hàng DN - nhóm sẽ ứng dụng công nghệ để tạo thêm giá trị và tối ưu trải nghiệm khách hàng.
Ông Nam Nguyễn, Giám đốc khu vực của Paretix khẳng định, dữ liệu (data) được ví như dầu mỏ trong kỷ nguyên số. Điều này thúc đẩy và tạo ra nhưng xu hướng mới trong việc khai thác và tận dung các nguồn dữ liệu. Do đó, ông Nam cho rằng, thởi gian tới, tại Việt Nam, mảng ngân hàng và fintech sẽ có những xu hướng sau, hoà mình cùng với xu hướng chung trên toàn cầu.
Đầu tiên là các dịch vụ tài chính cá nhân hoá và quyết định thông minh (personalized FS & intelligent decisioning), nhờ vào ứng dụng AI trong việc phân tích dữ liệu (data analytics), các nhà cung cấp sẽ cá nhân hoá các sản phẩm/dịch vụ tài chính/ngân hàng dựa trên sự phân tích dữ liệu và dự đoán hành vi liên quan đến người dùng. Điều này sẽ đem lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Cũng chính nhờ các kết quả phân tích mà các nhà cung cấp dịch vụ sẽ có các quyết định thông minh cho các hoạt động kinh doanh của mình.
Xu hướng 2 là tài chính nhúng (embedded finance), tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn dữ liệu (data sources) và tăng trải nghiệm thông qua việc cung ứng các sản phẩm/dịch vụ tài chính nhúng vào trong một hoạt động/quá trình có liên quan đến hoạt động tài chính như mua hàng, bán hàng.
Tiếp theo là các không gian API mở (open API) để các fintech cũng như ngân hàng/ngân hàng số kết nối liên thông các dich vụ của nhau, tạo ra một cuộc chơi gắn kết khai thác hiệu quả thế mạnh của nhau để phục vụ người dùng tốt hơn.
Sau đó là xu hướng đám mây (cloud), thông qua việc dich chuyển hạ tầng/hệ thống lên nền tảng đám mây. Xu hướng này thấy rõ nhất là ở các ngân hàng số.
Cuối cùng, khi liên quan đến việc khai thác, chia sẻ dữ liệu và dich chuyển lên cloud thì việc bảo đảm bảo mật, ATTT là một vấn đề tất yếu.
Cùng quan điểm, bà Lâm Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc kinh doanh FinVolution Group khẳng định, tài chính nhúng sẽ là mỏ vàng mới của DN và hứa hẹn trở thành bước phát triển tiếp theo của ngành fintech đang hết sức sôi động tại Việt Nam. Công nghệ này ra đời như một cầu nối giữa các DN dịch vụ tài chính với các DN dịch vụ phi tài chính, nhằm nâng cao trải nghiệm và mở rộng hệ sinh thái dịch vụ cho người dùng.
"Có thể thấy, tài chính nhúng đang góp phần định hình lại ngành fintech với khả năng liên kết bất tận mà nó mang lại", bà Dung bày tỏ.
Nhiều rào cản cho "người chơi mới" là các nền tảng huy động vốn cộng đồng
Các công ty như Kickstarter, Patreon, GoFundMe… đang là những ứng dụng fintech tiêu biểu cho xu hướng huy động vốn cộng đồng. Các nền tảng này cho phép người dùng Internet gửi hoặc nhận tiền tới những người khác trên ứng dụng. Đây là hình thức huy động tiền vốn thông qua những đóng góp cá nhân nhỏ từ số đông và được thực hiện chủ yếu qua Internet. Thay vì phải đến một ngân hàng truyền thống để vay, giờ đây những người khởi nghiệp có thể "đến" thẳng nhà đầu tư để được hỗ trợ về tài chính.
Theo Kickstarter, kể từ khi thành lập, gần 9,8 triệu người đã ủng hộ dự án, kêu gọi được hơn 2 tỷ USD và 95.000 dự án đã được tài trợ thành công. Trong năm 2012, Kickstarter đã kêu gọi được 319,8 triệu USD cho nhiều dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các dự án gọi vốn cộng đồng được gửi tới KickStarter phải thuộc các lĩnh vực từ phim ảnh, games, âm nhạc đến nghệ thuật, thiết kế, và công nghệ. Những dự án cho mục đích cá nhân, từ thiện hoặc tài trợ cho chính bản thân chủ dự án hay không thỏa các điều kiện của KickStarter sẽ không được chấp nhận.
Không nằm ngoài xu hướng sử dụng các nền tảng huy động vốn cộng đồng tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc, Việt Nam với một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động cũng được đánh giá cao về khả năng "gia nhập" của hình thức gọi vốn này thông qua các yếu tố. Đầu tiên là yếu tố văn hoá, trong bối cảnh Việt Nam có một hệ sinh thái có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, sẵn sàng chịu rủi ro, sẵn sàng hợp tác và chia sẻ là những yếu tố cần thiết để thúc đẩy hoạt động huy động vốn cộng đòng phát triển phát triển. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là sự tin cậy đối với những ý tưởng hay mô hình kinh doanh mới.
Một lợi thế khác của Việt Nam là tỷ lệ tiếp cận Internet cao, với hơn 64 triệu người dùng Internet. Mức độ phủ sóng và sử dụng di động cao, với 143,3 triệu thuê bao di động. Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cũng rất lớn, tập trung vào các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram... Đây là điều kiện thuận lợi giúp nhóm dân số trẻ dễ dàng tiếp cận với các ý tưởng, mô hình kinh doanh, mô hình huy động vốn mới.
Hơn nữa, tiềm năng nhân lực về công nghệ thông tin tại Việt Nam là rất lớn, với lợi thế nhân lực chất lượng cao và chi phí nhân công thấp. Mặc dù vậy, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là nguy cơ về an ninh mạng và bảo mật thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử cũng chưa trở thành phương tiện thanh toán phổ biến tại Việt Nam.
Rào cản về khuôn khổ pháp lý chính là trở ngại lớn nhất để ứng dụng hình thức gọi vốn mới này. Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng khuôn khổ pháp lý chuyên biệt cho hoạt động gọi vốn cộng đồng. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy xu hướng này cũng chưa có, từ đó làm cản trở quá trình xây dựng hệ sinh thái gọi vốn cộng đồng./.