CNTT dọn đường cho nông sản phát triển

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:03, 07/08/2022

Làm nông nghiệp trong thời đại 4.0, người dân, doanh nghiệp (DN), chính quyền trên địa bàn Hà Nội không chỉ áp dụng các biện pháp truyền thống. Theo đó, các đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), qua đó giúp cho khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Tích cực áp dụng

Thời gian qua, người dân, DN trên địa bàn Hà Nội rất tích cực trong việc ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Sỹ Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nấm Nghĩa Minh (huyện Đan Phượng) cho biết, HTX đã ứng dụng CNTT trong quá trình sản xuất, đóng gói, sơ chế…; đăng ký QRcode trên tem, túi đựng sản phẩm... để người tiêu dùng có thể nắm bắt quy trình sản xuất. Trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường 30 - 40 tấn nấm các loại và các thành viên có thu nhập 500 - 600 triệu đồng.

Còn Giám đốc HTX nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) Doãn Văn Thắng cho biết, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, sản phẩm của HTX đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì và logo nhãn hiệu tập thể "Chuối Vân Nam" tại website http://chuoivannam.com để người tiêu dùng nhận biết và yên tâm về chất lượng khi mua hàng.

Công nghệ thông tin dọn đường cho nông sản phát triển - Ảnh 1.

Người dân thuận tiện check mã vạch nông sản

Nói về việc ứng dụng CNTT trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm DN hội nhập và phát triển Quận Thanh Xuân Phạm Thị Lý cho biết, Trung tâm đã phối hợp với ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ các HTX, DN ứng dụng công nghệ Check VN để thiết lập dữ liệu, số hóa, theo dõi, kiểm soát, bảo mật, xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý với người tiêu dùng thông qua mã phản hồi nhanh QRcode và phần mềm ứng dụng trên Check VN.

Trợ lực từ Nhà nước

Không chỉ người dân, DN tích cực áp dụng CNTT trong sản xuất nông sản. Ở góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan đơn vị cũng đẩy mạnh áp dụng CNTT trong tiêu thụ nông sản.

Tiêu biểu, tháng 7 mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022, trong đó nhấn mạnh nội dung đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh phát triển bán hàng online; tăng cường liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh khai thác hàng hóa, chủ động nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân; mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Thành phố sẽ mở rộng đối tượng tham gia là các DN ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để bảo đảm được nguồn cung ứng từ bên ngoài thành phố; thu hút nhiều DN có uy tín, có năng lực quy mô sản xuất lớn, có chất lượng sản phẩm tốt; hỗ trợ cung cấp thông tin các điều kiện của sản phẩm, của cơ sở sản xuất để đưa hàng hóa vào kênh phân phối.

Đồng thời, thông tin tới các DN phân phối, siêu thị, DN chế biến xuất khẩu có uy tín danh sách chi tiết sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội, từ đó nghiên cứu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lâu dài cho nông dân để chủ động kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, UBND thành phố đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ 4.0 trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản…

Công nghệ thông tin dọn đường cho nông sản phát triển - Ảnh 2.

Nông nghiệp 4.0 tại Hà Nội

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT truy xuất nguồn gốc thực phẩm; khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thực phẩm ưu tiên kinh doanh các mặt hàng có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… Các siêu thị nên có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua ứng dụng CNTT như điện thoại thông minh...

Các địa phương sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời tư vấn hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, QR code cho các doanh nghiệp, HTX… Qua đó, tăng cường ứng dụng CNTT trong các khâu sản xuất để người tiêu dùng có thể nhận biết và yên tâm sử dụng các sản phẩm nông nghiệp./.

Đỗ Thêu