Áp dụng KHCN vào vấn đề xử lý môi trường ở Hà Nội

Truyền thông - Ngày đăng : 07:56, 05/08/2022

Với tốc độ phát triển kinh tế xã hội như hiện nay ở Hà Nội, việc áp dụng các công nghệ truyền thống rất khó đáp ứng được vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó, thời gian qua, Hà Nội đã và đang nghiên cứu ứng dụng KHCN vào vấn đề này.

Tích cực triển khai

Nhằm đảm bảo công tác môi trường, Hà Nội tích cực triển khai các đề án, công trình dụng KHCN, tiêu biểu như Dự án "Nghiên cứu xử lý vi khuẩn, nấm mốc trong môi trường không khí bằng ozone ứng dụng tại cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội". Dự án do Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực hiện. Thành công của đề án này là phát minh ra hạt polyme siêu hấp thụ nước AMS-1. "Hạt nước" này có khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, cải tạo đất giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất tăng, không gây độc hại và an toàn với môi trường.

Hay như việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ cũng đã được áp dụng thành công. Cụ thể, Hà Nội đã xử lý tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Áp dụng khoa học, công nghệ vào vấn đề xử lý môi trường ở Hà Nội - Ảnh 1.

Hà Nội chú trọng xử lý môi trường từ hệ thống sông hồ

Cùng với đó, Hà Nội đã điều tra, khảo sát sơ bộ và lập danh sách 25 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; khảo sát chi tiết, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại 6 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu... Việc ứng dụng công nghệ sinh học cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn thành phố. Hiện, các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố Hà Nội đang sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy và xử lý thành mùn hữu cơ...

Trong những năm qua, hàng chục chế phẩm vi sinh do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, chế tạo đã được ứng dụng vào thực tế đời sống. Có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm chế phẩm vi sinh xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm phân bón, chất cải tạo đất, giá thể nền hữu cơ để ươm rau giống, giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, trồng rau an toàn; Nhóm vật liệu, chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nước hồ, nước thải sinh hoạt; xử lý nước và nền đáy ao nuôi trồng thủy sản và Nhóm chế phẩm vi sinh xử lý đất bị ô nhiễm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật.

Rất cần sự chung tay của người dân

Có thể nói, thông qua việc áp dụng KHCN đã giúp cho Hà Nội xử lý nhiều vấn đề môi trường. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, vấn đề môi trường vẫn tồn tại nhiều khó khăn thách thức.

Ví dụ như mô hình thùng rác công nghệ đã và đang tiếp tục được triển khai. Mặc dù dự án hướng tới mục đích tốt đẹp, tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, thùng rác công nghệ chưa được sử dụng hiệu quả. Cụ thể, trên một số tuyến phố như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, tại các thùng rác công nghệ, dù đã được thiết kế tách biệt hai ngăn, nhưng một số người dân vẫn bỏ rác chưa theo đúng thiết kế. 

Tại một số thùng rác, người dân bỏ giấy cứng, vỏ lon, bao bì vào ngăn rác thải không tái chế được (chú thích màu đỏ), trong khi đó rác thải sinh hoạt lại bỏ vào ngăn tái chế được (chú thích màu xanh) làm giảm hiệu quả của thùng rác công nghệ. Không những vậy, trên một số tuyến phố khác, như Xã Đàn, Hồ Đắc Di…, xuất hiện tình trạng là dù mới lắp đặt nhưng đã có nhiều thùng rác bị một số người vô ý thức dán quảng cáo lên bề mặt, che mất phần phát sáng. Tại một số tuyến phố khác, một số đã bị bong tróc cửa, sứt mẻ, không còn nguyên vẹn.

Hay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội đã thành lập các tổ thu gom rác thải trong thôn, xóm và chở đến đổ tại địa điểm quy định. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bãi chứa rác tạm thời và luôn trong tình trạng quá tải.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt 99% - 100%, tại các huyện ngoại thành đạt 87% - 88%. Như vậy, có ít nhất hơn 10% rác thải sinh hoạt ở ngoại thành,... vẫn còn nằm ở lề đường, bờ đê, kênh mương. Với thực trạng rác thải nông thôn Hà Nội thì không thể mang rác đi chôn khi các bãi chôn lấp đã kín và nhà máy thì quá tải. 

Có thể nói, quản lý chất thải rắn là trách nhiệm chung của cộng đồng, doanh nghiệp (DN) và chính quyền địa phương. Việc xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư các công trình xử lý và quản lý chất thải rắn là nhiệm vụ cần thiết. Hiện nay, các DN cũng tích cực tham gia nghiên cứu triển khai mạnh mẽ các công nghệ mới giúp bảo vệ môi trường. 

Trong thời gian tới, Hà Nội cần nhanh chóng cải tiến công nghệ xử lý rác; rác thải phải được xử lý tập trung, xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, như công nghệ đốt phát điện, phế thải, sau đó dùng san lấp, bởi khi rác được đốt, lượng chất thải tro xỉ chỉ còn 10% - 15%, sẽ không tốn quỹ đất cho việc xử lý chất thải.

Áp dụng khoa học, công nghệ vào vấn đề xử lý môi trường ở Hà Nội - Ảnh 2.

Hà Nội áp dụng công nghệ hiện đại vào xử lý rác

Như vậy có thể thấy, việc áp dụng KHCN trong xử lý môi trường là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để mô hình này thưc sự phát huy hiệu quả rất cần sự chung tay, góp sức từ chính người dân. Để góp phần giải quyết vấn đề này, giải pháp trước mắt là giáo dục, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự giác trong việc giảm thiểu chất thải phát sinh tại nguồn, phân loại tốt để hạn chế tối đa các chất thải cần phải đưa đi tập trung xử lý.../.

Đỗ Thêu