CĐS tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:50, 04/08/2022
Ngày 04/8/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sự kiện "Chuyển đổi số (CĐS) ngành ngân hàng". Sự kiện có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, ngân hàng.
CĐS cần thực hiện đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn
Phát biểu, chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một hoạt động quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của NHNN Việt Nam, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Cũng theo Thủ tướng, hiện nay CĐS là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế.
"Do đó, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động CĐS phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi; chỉ có như vậy thì CĐS mới thành công", Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng khẳng định thêm, với tinh thần là CĐS một cách toàn diện, mạnh mẽ với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp (DN) và sự đồng hành, quan tâm của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.
"Ngành ngân hàng đang hội tụ nhiều yếu tố để tiên phong trong tiến trình này và đã chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, DN, góp phần quan trọng vào công cuộc CĐS quốc gia.", Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng, quá trình CĐS số quốc gia và CĐS ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để CĐS ngành ngân hàng bền vững, ngành ngân hàng cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, DN và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh CĐS, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
Đồng thời, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản luật của ngành (thử nghiệm, áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính); tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành (hạ tầng thanh toán, thông tin tín dụng); chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng CNTT, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của CĐS trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, DN; quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ…
Thủ tướng tin tưởng NHNN và ngành ngân hàng sẽ phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong CĐS, nỗ lực triển khai vượt tiến độ tiến trình CĐS ngành ngân hàng, góp phần đẩy mạnh CĐS quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ngân hàng CĐS nhanh sẽ thúc đẩy cả nước CĐS nhanh
Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ngành ngân hàng đang đi đầu về ứng dụng CNTT, sự đi đầu này vừa có nguyên nhân khách quan là áp lực của hội nhập quốc tế vừa có nguyên nhân chủ quan là sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo ngành ngân hàng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vì ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, do đó, ngành ngân hàng CĐS nhanh sẽ thúc đẩy cả nước CĐS nhanh. Chuyển đổi hướng dùng CNTT sang CĐS là sự chuyển đổi mang tính cách mạng. Tìm hiểu sự khác biệt này sẽ giúp chúng ta làm chuyển đổi số tốt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn cho rằng, CĐS ngành ngân hàng hiểu đơn giản chính là sự thay đổi cách làm ngân hàng. CĐS là ngân hàng số, kỹ thuật số, di dộng.
"Ngành ngân hàng cần đi đầu thử nghiệm các mô hình mới, chuyển đổi cách làm toàn phần và chuyển lâu dài chuyển cách làm từng phần sang cách làm toàn diện", Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS là phải chuyển đổi cách làm, thay đổi các loại hình tổ chức nên người đứng đầu nắm vai trò quyết định và nếu người đứng đầu không thay đổi cách làm sẽ không có CĐS, đồng thời, người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho các phó thì cũng sẽ không có CĐS.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn khẳng định, môi trường số là môi trường sống và làm việc, CĐS là xây dựng môi trường sống và làm việc, do đó môi trường phải rộng hơn rất nhiều so với trước đó.
"Để tạo ra các giá trị, lợi ích to lớn CĐS mang lại cho ngành ngân hàng, việc cần tập trung lúc này chính là cần làm tốt các vấn đề: Đầu tư CNTT, số hóa dữ liệu, đổi mới sáng tạo, công nghệ số… Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng ngành ngân hàng trong hành hành trình CĐS bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Ghi nhận, đánh giá cao các quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người đứng đầu ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết thêm, ngành ngân hàng phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 đạt: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...
"Tại sự kiện hôm nay, tập thể, cán bộ ngành ngân hàng rất vinh dự nhận được những định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng đối với công tác CĐS ngành ngân hàng. Với sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ ngành, sự quyết tâm của toàn Ngành, quá trình CĐS ngành ngân hàng sẽ ngày càng hoàn thiện, đóng góp tích cực và ý nghĩa hơn nữa vào công cuộc CĐS quốc gia, đem lại tiện ích cho người dân, DN", Thống đốc Hồng nhấn mạnh./.