Ban hành Đề án CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:43, 03/08/2022

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là nhu cầu tất yếu, là cơ hội tận dụng các công nghệ số của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định số 1929/QĐ-UBND về Ban hành Đề án CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án nhằm giúp tỉnh Cà Mau cải thiện thứ hạng Chỉ số đánh giá CĐS (DTI), đồng thời quyết tâm đưa tỉnh Cà Mau thành một trong những tỉnh bắt kịp, đi cùng, hướng đến xếp vào nhóm các tỉnh, thành đi đầu và triển khai có hiệu quả về CĐS trong thời gian tới.

Đề án cũng nhằm phản ánh quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp CĐS của tỉnh trong thời gian tới. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030, phấn đấu chính quyền số có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 80% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) xử lý trực tuyến; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 

Đồng thời, hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng IoT, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thời gian giải quyết TTHC; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN), tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, DN. 70% hoạt động kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Về kinh tế số, phấn đấu tỷ lệ DN nhỏ và vừa (SME) tiếp cận nền tảng CĐS đạt 90%; Số lượng DN công nghệ số đạt 20 DN; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 20%; Kinh tế số chiếm 20% GRDP; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%.

Về xã hội số, phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% hộ gia đình có nhu cầu; Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản 80%; Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 95%; Tăng cường ứng dụng dịch vụ thông tin di động, phấn đấu tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh 95%; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản và thường xuyên giao dịch thanh toán điện tử 95%.

Về nhiệm vụ, giải pháp tập trung chuyển đổi nhận thức, thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số, dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực số; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số và hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trên môi trường số.

Trong đó, nhóm lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế số bao gồm: nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, thương mại, du lịch, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng. Nhóm lĩnh vực ưu tiên phát triển xã hội số bao gồm: y tế, giáo dục, lao động, việc làm và an sinh xã hội./.

Đỗ Thêu