Đề nghị Quỹ Temasek mở rộng đầu tư lĩnh vực công nghệ, logistics, khởi nghiệp
Bản tin ICT - Ngày đăng : 09:37, 03/08/2022
Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số…
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore đang phát triển mạnh mẽ. Bất chấp dịch bệnh COVID-19, thương mại hai chiều giữa hai bên vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng trên 23%; trong 6 tháng năm 2022 đạt 4,75 tỷ USD.
Singapore đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với 2.959 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 69,86 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn FDI, đứng thứ 2/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đang hoạt động là biểu tượng hợp tác thành công giữa hai nước...
Thủ tướng đánh giá cao mô hình hoạt động của Temasek và việc Quỹ Temasek đã triển khai 27 chương trình hợp tác, hỗ trợ Việt Nam từ năm 2008 với tổng giá trị khoảng 10 triệu USD và sự tham gia trực tiếp của khoảng 3.000 cán bộ Việt Nam...
Thủ tướng đề nghị hai bên triển khai các dự án, hoạt động thiết thực đánh dấu sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023, đặc biệt là thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực mới là ưu tiên của Việt Nam và Singapore có thế mạnh như kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số, kinh tế xanh, sáng tạo…; tiếp tục phát triển các khu VSIP.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý - những trọng tâm hoạt động của Quỹ Temasek - cũng là trụ cột rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia; đồng thời đánh giá cao và đề nghị Temasek tăng cường hợp tác, tư vấn chính sách, hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lãnh đạo, quản trị, mở rộng các lĩnh vực hợp tác.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) Singapore đầu tư, hoạt động tại Việt Nam; đề nghị các DN Singapore nói chung và Temasek nói riêng tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, phát triển hạ tầng chiến lược, logistics, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Quỹ Temasek là tổ chức từ thiện phi lợi nhuận lớn và có uy tín, thuộc Temasek Holdings-Tập đoàn đầu tư toàn cầu thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore, với giá trị ròng của danh mục đầu tư đạt 400 tỷ SGD. Tại Việt Nam, Temasek đầu tư từ năm 2004 và đến năm 2021 đã giải ngân trực tiếp hơn 1 tỷ USD.
Đại sứ Singapore Jaya Ratnam đánh giá cao những chia sẻ của Thủ tướng về đường lối đối ngoại, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, huy động và sử dụng các nguồn lực, dựa vào nguồn lực con người là chính của Việt Nam, cho rằng những kết quả thu hút đầu tư thời gian qua cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư với Việt Nam.
Đại sứ và Giám đốc điều hành Quỹ Temasek nhất trí với những nhận định của Thủ tướng về quan hệ hai nước và các đề xuất hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi năng lượng, hợp tác công tư…, qua đó tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đưa kết nối hai nền kinh tế hướng tới tầm cao mới là "kết nối trên nền tảng số"
Trước đó, hồi tháng 5, tại buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Singapore luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên đẩy mạnh triển khai hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận hợp tác song phương, nhất là Hội nghị Bộ trưởng về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực Singapore có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh, kinh tế số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu…
Cùng với đó, đưa kết nối hai nền kinh tế hướng tới tầm cao mới là "kết nối trên nền tảng số" thông qua việc triển khai hiệu quả "Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số" được ký trong chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 2/2022; phát triển các khu VSIP tại một số tỉnh thành theo hướng khu công nghiệp thông minh, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng; tận dụng hiệu quả lợi thế từ quá trình triển khai các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, RCEP.
Thủ tướng cũng đề nghị Singapore chia sẻ kinh nghiệm CĐS, ví dụ trong lĩnh vực thu thuế, ngân hàng, quản lý dân cư..., đồng thời tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao, tăng thêm học bổng đào tạo cho cán bộ quản lý các cấp ở Việt Nam…./.