Nam Định hướng đến trong top 20 tỉnh dẫn đầu về CĐS

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:06, 02/08/2022

Ngày 02/08/2022, UBND tỉnh Nam Định và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số (CQS), kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Nam Định.

Thỏa thuận hợp tác hướng đến mục tiêu Nam Định luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước về CĐS và đến năm 2030 tỉnh cơ bản hoàn thành CĐS và xây dựng ĐTTM.

Theo đó, FPT sẽ đồng hành cùng tỉnh Nam Định xây dựng các văn bản, chương trình hành động, kế hoạch CĐS đảm bảo phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Đồng thời, FPT hỗ trợ tỉnh Nam Định xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, nền tảng số; phát triển các nền tảng dữ liệu số đáp ứng yêu cầu của thực hiện CĐS, xây dụng CQĐT, chính quyền số; triển khai các ứng dụng, dịch vụ số mới góp phần giúp Nam Định sớm hoàn thiện CQĐT hướng tới CQS. 

Hai bên sẽ xem xét thí điểm triển khai thực hiện CĐS, xây dựng, hoàn thiện CQS đối với 01 đô thị trên địa bàn tỉnh từng bước hướng tới hoàn thiện mô hình ĐTTM, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của tỉnh và nguồn lực hai bên.

Ở khía cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế số, FPT sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển các hệ thống nền tảng phổ cập, tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ thúc đẩy các doanh nghiệp (DN), các DN nhỏ và vừa, các DN khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận và thực hiện CĐS. Đồng thời, FPT cũng sẽ xây dựng các giải pháp công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế số ở một số ngành, lĩnh vực trọng tâm tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh, như: du lịch, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, …

Để tạo hình thành thói quen số, văn hóa số trong cộng đồng dân cư, hai bên cũng sẽ hợp tác phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ số nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số thiết yếu, thông minh, dễ sử dụng cho người dân, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu về giáo dục, y tế; đào tạo kỹ năng số trực tuyến cho người dân, ….

Cũng theo thỏa thuận, tỉnh Nam Định và FPT cũng sẽ xem xét việc đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực từ bậc trung học phổ thông đến cao đẳng và hướng tới mục tiêu hình thành Trường Đại học đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, an toàn thông tin bậc đại học.

Phát biểu tại Lễ ký ký, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài bày tỏ mong muốn với ưu thế tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu Việt Nam, FPT sẽ hỗ trợ tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp toàn diện đẩy nhanh tiến trình CĐS của tỉnh hướng tới xây dựng CQS, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cũng nhấn mạnh, tỉnh cam kết ưu tiên dành nguồn lực, tạo điều kiện cũng như thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới để FPT thực hiện có hiệu quả và chất lượng các nội dung hợp tác.

Nam Định là địa phương thứ 21 ký kết hợp tác chuyển đổi số với FPT - Ảnh 1.

Ông Trần Lê Đoài: tỉnh cam kết ưu tiên dành nguồn lực, tạo điều kiện để FPT thực hiện có hiệu quả và chất lượng các nội dung hợp tác.

Đại diện FPT, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc đề xuất, hai bên lấy người dân trung tâm trong các hoạt động, chương trình CĐS - CĐSố để phục vụ người dân tốt nhất. 

Ông Khoa cũng đề xuất, hai bên lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên, tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT như y tế, giáo dục để người dân sớm cảm nhận được những giá trị thay đổi từ CĐS. Đồng thời, thay mặt Tập đoàn FPT ông Khoa cũng cam kết, "FPT sẽ làm tốt nhất, nhanh nhất đáp lại khát vọng phát triển của tỉnh Nam Định trong hai lĩnh vực CĐS và đào tạo nhân lực chất lượng cao".

Trong năm qua, FPT đã xúc tiến ký kết thoả thuận hợp tác CĐS với 21 địa phương và đào tạo nhận thức CĐS cho gần hàng vạn cán bộ lãnh đạo các cấp của các địa phương trên toàn quốc. Dựa trên thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm CĐS của Tập đoàn và đặc thù kinh tế xã hội, lợi thế cạnh tranh của từng tỉnh, thành, FPT sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên cả ba trụ cột kinh tế số, chính phủ số, xã hội số hướng đến mô hình quốc gia số, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới thông qua việc tư vấn lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, chiến lược CĐS, đào tạo thay đổi nhận thức CĐS trên quy mô lớn, …./.

PV