85% người Việt sẵn sàng học các kỹ năng số mới
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:36, 02/08/2022
Các dịch vụ chính phủ số đang ngày càng trở nên phổ biến và có nhu cầu ở hầu hết các quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Đại dịch COVID-19 đã chứng minh tầm quan trọng của việc số hóa và khiến việc cung cấp dịch vụ số trở nên bắt buộc đối với nhiều dịch vụ.
Theo một nghiên cứu mới có tên "Digital Smart: Advancing digital government for citizens in the Asia-Pacific" được thực hiện bởi Deloitte, người dân APAC đang tham gia vào lĩnh vực kỹ thuật số cao hơn bao giờ hết, với 77% sử dụng nền tảng số để truy cập dịch vụ chính phủ. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn còn chậm trễ trong việc cung cấp các dịch vụ số.
Nhìn chung, báo cáo nhấn mạnh rằng 73% người dân APAC tin rằng các dịch vụ của chính phủ đã trở nên kỹ thuật số hơn kể từ khi đại dịch bùng phát. 46% mong đợi được tiếp cận các dịch vụ của chính phủ thường xuyên hơn trong tương lai.
Cụ thể, tại Singapore, báo cáo cho biết 84% người Singapore được hỏi mong đợi được tiếp cận các dịch vụ của chính phủ tương tự hoặc thường xuyên hơn trong 5 năm tới và 76% đồng ý hoặc đồng ý mạnh mẽ rằng chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Tại Indonesia, 81% số người được hỏi cảm thấy thoải mái khi sử dụng dịch vụ của chính phủ với sự hỗ trợ của các công nghệ số, đáng chú ý là các trang web của chính phủ hiện trở thành một phương tiện phổ biến nhất khi truy cập các dịch vụ của chính phủ hiện nay.
Đồng thời, 67% người được hỏi mong đợi chất lượng dịch vụ của chính phủ ngang bằng với chất lượng dịch vụ mà khu vực tư nhân cung cấp với 41% người đang gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ số do thiếu các kỹ năng số cơ bản và cơ sở hạ tầng số.
Mặc dù vậy, tại Việt Nam, 85% người được hỏi sẵn sàng học các kỹ năng số mới hoặc sử dụng nền tảng mới và 80% mong đợi được tiếp cận các dịch vụ của chính phủ tương tự hoặc thường xuyên hơn trong 5 năm tới.
Với 900 triệu người dùng Internet mới dự kiến sẽ được bổ sung thêm vào khu vực (Úc, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc) vào năm 2025, nhu cầu đầu tư vào các dịch vụ số của các chính phủ sẽ tiếp tục tăng.
Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, 90% số người được hỏi ở cả hai quốc gia đều mong đợi được tiếp cận các dịch vụ của chính phủ thường xuyên hơn trong 5 năm tới.
Tại Ấn Độ, những người tham gia khảo sát cũng cho biết trải nghiệm tích cực khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến của chính phủ sẽ cải thiện lòng tin của họ đối với chính phủ và 89% cho biết sẵn sàng học các kỹ năng số mới hoặc sử dụng nền tảng mới hơn.
Các dịch vụ chính phủ số cũng đang được tăng cường tại Úc với 82% người được hỏi mong đợi sử dụng dịch vụ trực tuyến trong 5 năm tới để có trải nghiệm tích hợp hơn. 55% người Úc cũng sẵn sàng cung cấp dữ liệu cá nhân nếu điều đó giúp việc truy cập dịch vụ dễ dàng hơn. Bảo mật dữ liệu cũng được người Úc quan tâm hàng đầu khi truy cập các dịch vụ của chính phủ.
Sylvain Cazard, Phó chủ tịch và Tổng giám đốc cấp cao, khu vực APAC và Nhật Bản tại VMware, cho biết nghiên cứu của Deloitte chỉ ra rằng người dân mong đợi cùng một mức độ dịch vụ và chất lượng như những dịch vụ được cung cấp bởi các công ty hoặc tổ chức tư nhân.
Cazard nhận xét: "Việc cung cấp dịch vụ trong điều kiện cơ sở hạ tầng đa đám mây cũng như các ứng dụng và dịch vụ đóng gói hiện đại đang là xu hướng sắp tới, vì vậy các chính phủ cũng cần điều chỉnh tư duy và nguồn lực theo những xu hướng chính này để đáp ứng nhu cầu của người dân".
Tác giả chính của báo cáo, John O'Mahony, bổ sung thêm: "Lợi tức đầu tư cho các dịch vụ số của chính phủ là rất đáng kể. Nó có thể bao gồm trải nghiệm tích cực của người dân đối với các dịch vụ số, cải thiện nhận thức và niềm tin vào chính phủ, đảm bảo công đẳng xã hội và tính toàn diện hơn, giảm lượng khí thải carbon, khả năng tiết kiệm tài chính và giúp các chính phủ phản ứng nhanh hơn khi chính sách cần thay đổi".
Hiện tại, chi tiêu cho CNTT của các chính phủ được dự báo sẽ tăng trung bình 8%/ năm và lên tới 151 tỷ USD vào năm 2025, vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình 6% về tổng chi tiêu của chính phủ ở APAC. Điều này đưa khu vực công lọt vào 5 lĩnh vực hàng đầu về chi tiêu cho CNTT và đứng thứ hai sau lĩnh vực năng lượng và tiện ích về mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong chi tiêu cho CNTT trên toàn APAC vào năm 2025.
Trong khi chi tiêu cho CNTT tăng lên, các chính phủ cũng nên nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn. Việc tăng cường sử dụng các sản phẩm số cũng sẽ đòi hỏi khung bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng được lập kế hoạch tốt. Bởi cuối cùng trọng tâm không chỉ là cung cấp các dịch vụ chính phủ số một cách thuận tiện mà còn đảm bảo các dịch vụ an toàn cho tất cả người dân./.