Công nghệ blockchain mang lại những lợi ích gì cho CPĐT?
Chính phủ số - Ngày đăng : 06:25, 28/07/2022
Blockchain là một công nghệ đang thay đổi thế giới và cách thức mọi người trao đổi tiền, hàng hóa và ý tưởng. Blockchain cũng có thể cách mạng hóa chính phủ.
Blockchain tạo ra sự tin tưởng giữa hai bên không quen biết nhau bằng cách cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu đối với tài sản số dưới dạng khóa mật mã. Hệ thống chống giả mạo này trở nên lý tưởng khi muốn quản lý những dữ liệu nhạy cảm.
Chính phủ điện tử (CPĐT) là việc sử dụng các phương tiện liên lạc điện tử để cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hệ thống CPĐT thường phức tạp, dẫn đến các dịch vụ chậm và cồng kềnh. Ngoài ra, hệ thống có thể bị tấn công và vi phạm dữ liệu. Blockchain có thể giúp các hệ thống chính phủ điện tử giải quyết những vấn đề này, làm cho mọi thứ hiệu quả và an toàn hơn.
Blockchain có thể giúp CPĐT hiệu quả hơn theo một số cách như:
Tự động hóa các quy trình
Hợp đồng thông minh có thể tự động hóa các quy trình của CPĐT. Hợp đồng thông minh là các hợp đồng tự thực hiện sử dụng công nghệ blockchain để hoạt động. Điều này có nghĩa là các điều khoản hợp đồng có thể tự động xác minh và thực thi.
Quá trình này giúp các cơ quan chính phủ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc nhờ loại bỏ được nhiều khâu xử lý theo cách thủ công, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc lỗi của con người.
Cải thiện bảo mật
Blockchain có thể giúp cải thiện tính bảo mật của các hệ thống CPĐT theo một số cách. Nó có thể giúp dữ liệu chống giả mạo tốt hơn và giúp bảo mật thông tin liên lạc giữa các cơ quan chính phủ và công dân.
Ngoài ra, công nghệ có thể được sử dụng để tạo danh tính số không thể giả mạo. Điều này đặc biệt hữu ích cho các dịch vụ của chính phủ yêu cầu xác minh danh tính, chẳng hạn như đơn xin hộ chiếu hoặc bỏ phiếu.
Giảm chi phí
Blockchain cũng có thể giảm chi phí của CPĐT. Ví dụ, công nghệ này có thể được sử dụng để tạo một cơ sở dữ liệu (CSDL) duy nhất, chống giả mạo cho tất cả các hồ sơ của chính phủ, loại bỏ các hồ sơ trùng lặp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Blockchain cũng có thể hợp lý hóa quá trình cấp hộ chiếu. Hiện tại, mỗi quốc gia đều có hệ thống cấp hộ chiếu riêng, gây tốn kém và không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu mọi quốc gia đều sử dụng hệ thống dựa trên blockchain, thì việc cấp hộ chiếu sẽ rẻ hơn và dễ dàng hơn nhiều.
Tăng tính minh bạch
Blockchain cũng có thể giúp tăng tính minh bạch. Ví dụ, công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tạo sổ đăng ký công khai tất cả các giao dịch của chính phủ, giúp công dân dễ dàng hơn trong việc quy trách nhiệm cho từng đơn vị chính phủ.
Công nghệ cũng có thể theo dõi cách chi tiêu tiền của chính phủ, giúp phát hiện và ngăn chặn tham nhũng.
Trao quyền cho công dân
Blockchain có thể trao quyền cho công dân bằng cách trao cho họ nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu cá nhân của họ. Ví dụ, người dân có thể sử dụng blockchain để tạo danh tính số, sau đó sử dụng danh tính số để truy cập các dịch vụ của chính phủ.
Họ cũng có thể sử dụng blockchain để lưu trữ và quản lý dữ liệu cá nhân của mình (ví dụ: hồ sơ sức khỏe và tờ khai thuế), tạo ra một hệ thống bỏ phiếu trực tuyến an toàn.
Cải thiện sự tương tác giữa các cơ quan chính phủ
Blockchain cũng có thể cải thiện sự tương tác giữa các cơ quan chính phủ. Ví dụ, nếu sử dụng blockchain để tạo CSDL dùng chung về tất cả các hợp đồng của chính phủ, các cơ quan sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc tìm kiếm và quản lý các hợp đồng.
Sử dụng blockchain để tạo CSDL hồ sơ chính phủ được chia sẻ sẽ giúp các cơ quan khác nhau dễ dàng truy cập và chia sẻ dữ liệu hơn.
Cải thiện an ninh mạng
Blockchain có thể đóng vai trò trong việc cải thiện an ninh mạng cho CPĐT. Sẽ khó hơn nhiều cho tin tặc khi thay đổi hoặc xóa hợp đồng nhờ vào sổ đăng ký chống giả mạo của blockchain đối với tất cả các hợp đồng chính phủ.
Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để tạo ra một hệ thống nhận dạng kỹ thuật số cho các nhân viên chính phủ, khiến tin tặc khó mạo danh hơn nhiều.
Blockchain có tiềm năng chuyển đổi CPĐT về mặt hiệu quả, minh bạch và bảo mật. Nó cũng có thể trao quyền cho người dân và cải thiện sự tương tác giữa các cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là công nghệ blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu và có nhiều thách thức cần giải quyết trước khi được áp dụng rộng rãi./.