Bắc Ninh nỗ lực CĐS, ứng dụng CNTT phát triển kinh tế số
Truyền thông - Ngày đăng : 16:36, 25/07/2022
Phát triển mạnh hạ tầng để sẵn sàng cho CĐS
Thực tế cho thấy CĐS đã đem lại những thành quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế và mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong hơn 2 năm chống dịch COVID-19 vừa qua.
Bắc Ninh đặt mục tiêu CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030 Bắc Ninh sẽ là một trong những tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong nhóm dẫn đầu cả nước về CĐS. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh và chiếm 30% vào năm 2030.
Hiện nay, hạ tầng viễn thông Bắc Ninh đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại; 100% các thôn, khu phố được cáp quang hóa; mạng 4G được phủ sóng toàn tỉnh. Các DN công nghệ số đang nỗ lực hợp lực cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái số giúp CĐS cho các cơ quan tổ chức, DN nhanh hơn.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh cũng đã được vận hành, khai thác hiệu quả, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc diễn ra minh bạch, nhanh chóng. Qua đó, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử và đô thị thông minh phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Theo Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 8/6/2022 của tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình CĐS tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng mạng di động 5G, phát triển hạ tầng số băng rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, thương mại dịch vụ…
Đặc biệt, Sở TT&TT Bắc Ninh sẽ triển khai nâng cấp Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh, mạng truyền số liệu chuyên dùng theo hướng dẫn của Bộ TT&TT phục vụ CĐS. Sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, DN; triển khai ứng dụng các nền tảng số quốc gia trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.
CĐS bước đầu đã có đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, đưa tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước và đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát triển TMĐT, ứng dụng CNTT tạo đầu ra chất lượng cho nông sản
Việc ứng dụng CNTT đang từng bước tạo đột phá trong cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân và DN, nâng cao chỉ số xếp hạng năng lực quản trị, điều hành cấp tỉnh.
Theo báo cáo kết quả triển khai CĐS 06 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 30/6/2022, đã có 13.350 DN, tổ chức đang hoạt động tại Bắc Ninh đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 100%. 1.089 hộ kê khai thuế đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 100%. Số lượng hóa đơn điện tử đã được tạo lập là 2.274.202 hóa đơn.
Tại huyện Quế Võ, thống kê của Chi cục Thuế khu vực Tiên Du - Quế Võ cho thấy đến nay, số hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn huyện Quế Võ đạt 100%, tương ứng 138 hộ, chủ yếu là các hộ nộp thuế theo hình thức kê khai. Để hỗ trợ các hộ kinh doanh, Chi cục Thuế khu vực Tiên Du - Quế Võ và các tổ chức cung cấp hóa đơn điện tử đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, khởi tạo và sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử thành thạo, kịp thời xử lý các vướng mắc.
Bắc Ninh đang triển khai thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT), sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, doanh thu TMĐT B2C trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 1.363,9 tỷ đồng; đạt 4,10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh (33.373,9 tỷ đồng), tăng 40,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Mục tiêu doanh thu TMĐT B2C sẽ chiếm từ 10 - 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh, tăng trưởng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 25%. Để đạt mục tiêu, tỉnh đã triển khai đào tạo cho 200 hộ tham gia sàn TMĐT Postmart với 118 sản phẩm; tổng số giao dịch phát sinh trên sàn là 12 giao dịch.
Sở TT&TT sẽ là đơn vị chủ trì triển khai các biện pháp nhằm hiện đại hóa mạng lưới và dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát theo hướng bưu chính sẽ phát triển thành hạ tầng cho TMĐT.
Để phát triển hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, Bắc Ninh sẽ tăng cường ứng dụng CNTT, liên kết để thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP... nhằm đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị tiêu thụ sản phẩm và định hướng xuất khẩu.
Tháng 9/2022, Bắc Ninh dự kiến sẽ tổ chức họp Ban Chỉ đạo CĐS và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh về các sản phẩm công nghệ số. Tỉnh đặt mục tiêu trong quý 3/2022 sẽ triển khai cơ bản đạt 90-95% mục tiêu được giao trong năm 2022 về CĐS trên địa bàn tỉnh (đối với các mục tiêu chưa đạt) và phấn đấu trong quý IV/2022 hoàn thành 100% mục tiêu./.