Nền tảng kết nối BambuUP và tham vọng trở thành Amazon về ĐMST
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:16, 21/07/2022
Từ giám đốc người Việt đầu tiên tại Nielsen đến nền tảng kết nối ĐMST BambuUP
Trước đây, bà Nguyễn Hương Quỳnh thường được biết đến với vai trò Tổng giám đốc người Việt đầu tiên tại Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, phụ trách toàn bộ khu vực Đông Dương. Tuy nhiên, bà Quỳnh đã quyết định nghỉ Nielsen để thành lập BambuUP - Nền tảng kết nối ĐMST đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2020.
Lý giải về quyết định này của mình vào thời điểm đó, trong quá trình làm việc ở tập đoàn đa quốc gia Nielsen, bà Quỳnh thấy rằng, mặc dù công nghệ đang thay đổi rất nhanh nhưng lại không dễ dàng trong việc tìm ý tưởng để làm mới hoạt động kinh doanh, cũng như các ý tưởng ĐMST. Để rồi, khi quyết định rời Nielsen và tiếp xúc với startup, bà thấy rằng họ có rất nhiều ý tưởng hay nhưng không có "đầu ra", không kết nối được với khách hàng, với các nhàu đầu tư.
Do đó, nếu các công ty khởi nghiệp và DN có thể kết hợp được với nhau thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị có ích cho xã hội và người tiêu dùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thị trường đang thiếu một cầu nối để startup có quyền giới thiệu rộng rãi đến khách hàng tiềm năng của mình. Ngược lại, DN cũng thiếu thông tin, thiếu nơi để cập nhật những ý tưởng, giải pháp mới, nhất là khi ĐMST đang ngày càng trở nên quan trọng, mang tính chất sống còn với các đơn vị.
"Cuối cùng, với đam mê kết nối, tôi và đội ngũ sáng lập quyết định thành lập Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP để giải quyết bài toán này của thị trường, kết hợp 2 từ "bamboo" - cây tre và UP - đi lên". Việc ra đời BambuUP nhằm mong muốn tạo ra một cầu nối để hỗ trợ hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam nhanh hơn cũng như mang tinh thần Việt, nền tự tôn dân tộc, đi ra giới thiệu với quốc tế", bà Quỳnh chia sẻ thêm.
Mặc dù thành lập cuối năm 2020, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh, kết nối… cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, BambuUP hiện vẫn trong top 5 đơn vị tích cực nhất trong việc hỗ trợ hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam. Đồng thời là đối tác chiến lược của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC - National Startup Support Centre of Vietnam), Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC - Vietnam National Innovation Center)…với mạng lưới hàng nghìn startup, chuyên gia ở Việt Nam. BambuUP cũng kết nối với các quỹ đầu tư ở Việt Nam và nước ngoài, và đã có hơn 100 kết nối thành công cho startup với các quỹ đầu tư/DN ở Việt Nam.
Về kế hoạch tương lai, sau khi đã tạo ra nhận thức cho DN/startup về ĐMST, BambuUP sẽ cần phải đi sâu hơn nữa, từ ý tưởng (concept) cho đến thực hành với các bài học thực tế, ví dụ điển hình (case study), thông qua việc kết hợp với các đối tác.
Khi được hỏi về mục tiêu khi xây dựng BambuUP, bà Quỳnh cho rằng giống như câu chuyện mua sắm, trước kia mọi người quen với việc đi chợ, các cửa hàng tạp hoá gần nhà thì hiện nay là các sàn thương mại điện tử (TMĐT), với rất nhiều mặt hàng được bày bán trực tuyến. Tương tự, trên thế giới chưa có bất kì một nền tảng nào mang tính chất như vậy về mặt ĐMST, có thể kết nối liên tục không giới hạn về mặt thời gian, không gian theo yêu cầu. Mặc dù cũng có những nền tảng kết nối nhưng chỉ với một quy mô giới hạn, bị hạn chế và không tinh chỉnh (customized) theo nhu cầu cụ thể.
Vì vậy, tham vọng của BambuUP muốn trở thành Amazon của ĐMST (innovation) hay nói cách khác là một siêu thị (marketplace) về ĐMST. Để từ đó có thể tạo cơ hội cho nhiều startup, chuyên gia có cơ hội giới thiệu về giải pháp của mình. Còn các nhà đầu tư có thể lên nền tảng này để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho mình hay DN được cập nhật các xu hướng, giải pháp, cùng nhau tạo ra các giải pháp sáng tạo mới.
Từng gặp khó vì thị trường chưa sẵn sàng với mô hình mới
Cũng theo bà Quỳnh, trong 2 năm thành lập, nền tảng này đã gặp rất nhiều khó khăn. Như thời gian đầu, công ty có rất nhiều tham vọng nhưng sau vài tháng vận hành, đội ngũ lãnh đạo đã phải ngồi lại, khi thị trường chưa thực sự sẵn sàng với mô hình mới này. Do đó, BambuUP đã phải kết hợp giữa cách thức truyền thống và đổi mới, bắt đầu từ các hoạt động "mai mối" kinh doanh (business matchmaking) để các đơn vị biết đến nhau nhiều hơn, trước khi có thể kết nối thông qua nền tảng.
Chưa kể đến, BambuUP còn gặp phải một vấn đề rất lớn không chỉ riêng lĩnh vực ĐMST mà còn trong cả các ngành khác ở Việt Nam, đó là việc thiếu dữ liệu. Vì vậy, để tăng nhận thức của thị trường về ĐMST, việc đầu tiên mà BambuUP cần thực hiện là phải cho DN nắm được bức tranh tổng quan về hệ sinh thái, thông qua báo cáo toàn cảnh ĐMST đầu tiên ở Việt Nam. Để từ đó thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ được phân chia theo các lĩnh vực, tạo sự nhận biết cho toàn bộ giới kinh doanh tại Việt Nam
Bên cạnh đó, BambuUP cũng tập trung việc hỗ trợ startup trong quá trình gọi vốn hay giới thiệu các giải pháp ĐMST cho DN quan tâm. Sắp tới, BambuUP sẽ làm việc chặt chẽ với các tỉnh thành, để từ đó hình thành, lan toả các mô hình hợp tác thành công giữa DN và startup. "Lộ trình phát triển của BambuUP được tính toán rất kỹ để phù hợp với thị trường. Bởi vì, BambuUP là một mô hình rất mới trên thị trường nên vừa đi vừa phải giới thiệu và chỉ cần đi nhanh hơn một chút cũng sẽ khiến nền tảng gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển", bà Quỳnh nói.
Thời gian qua, BambuUP đã ra mắt tính năng Innovation marketplace - nơi xuất hiện các giải pháp ĐMST của các startup tại Việt Nam và trên thế giới, cho phép các startup giới thiệu các giải pháp của mình. Dù nền tảng đã nhận được rất nhiều đơn đăng ký nhưng công ty xác định "chậm mà chắc" nên tiến hành kiểm tra lại thông tin, cũng như giúp startup có nội dung giới thiệu hấp dẫn, chỉnh chu hơn. Thời gian tới, BambuUP cũng sẽ phải hoàn chính việc xây dựng nền tảng kết nối của mình. Dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ đưa ra phiên bản tiếp theo của nền tảng BambuUP, kết nối tự động giữa nhà đầu tư/doanh nghiệp với startup, ứng dụng trí tuệ để cá nhân hoá nhu cầu cho người sử dụng.
Về sự khác biệt so với các mô hình kết nối khác, theo CEO BambuUP, mục tiêu của đơn vị này là thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST, thay vì chỉ kết nối đầu tư và giúp startup gọi vốn. 3 trụ cốt chính của BambuUP bao gồm, đầu tiên là DN, những đơn vị tìm kiếm giải pháp ĐMST, muốn hợp tác với startup để sáng tạo ra các giải pháp mới. Tiếp theo mới đến startup và quỹ đầu tư. "Việc kết nối giữa startup và DN là sự khác biệt đầu tiên so với các mô hình khác trên thị trường", bà Quỳnh bày tỏ.
Điểm khác biệt tiếp theo BambuUP xây dựng mô hình kết nối thông qua nền tảng công nghệ. Đó là lý do tại sao nền tảng này muốn trở thành Amazon của ĐMST, nơi các startup được giới thiệu bản thân một cách tự động, tìm kiếm cơ hội được đầu tư hay kết nối doanh nghiệp vào bất cứ lúc nào.
Chia sẻ về case study kết nối thành công gần đây giữa startup PrimeData và quỹ VIISA, bà Quỳnh cho biết, khi lựa chọn công ty để hỗ trợ, BambuUP luôn phải chắn chắc đó là những đơn vị khởi nghiệp có tâm, có tầm, tham vọng chinh phục, cũng như kế hoạch kinh doanh rõ ràng. PrimeData được BambuUP đánh giá cao về những yếu tố đó và cùng đồng hành trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư.
Với các nhà đầu tư, BambuUP cũng sẽ tìm đến những quỹ không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn đem lại những giá trị mới cho startup có thể phát triển như thị trường, mối quan hệ, công nghệ…"Vì vậy, việc kết nối thành công giữa 2 bên nhờ sự tương đồng về hệ tư tưởng, giá trị… Đồng thời, trong thương vụ này, BambuUP cũng đã hỗ trợ PrimeData về pháp lý, tài chính…", bà Quỳnh chia sẻ thêm.
Các chính sách ĐMST cần được hoàn thiện nhanh hơn
Đánh giá về sức khoẻ của DN ĐMST sau COVID-19, theo bà Quỳnh, mặc dù trong giai đoạn dịch, rất nhiều startup phải đóng cửa nhưng hiện nay đã dần có sự hồi phục lại. Điều này thể hiện ở việc năm 2021, các startup Việt Nam nhận tổng cộng 1,4 tỷ USD vốn đầu tư từ quỹ trong và ngoài nước, cao gấp 1,5 lần mức kỷ lục ghi nhận trước đó.
Trước câu hỏi, trong giai đoạn bình thường mới, nhiều đơn vị đã chậm lại quá trình ĐMST của mình, theo bà Quỳnh, đây là một suy nghĩ sai lầm của DN. Bởi vì, thị trường hiện nay đã bước sang giai đoạn mới, nếu DN không thay đổi thì sẽ không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Nhất là trong bối cành, chưa ai biết được sau COVID-19 sẽ còn dịch bệnh nào tương tự nữa hay không. Vì vậy, khi trao đổi với DN, BambuUP nhấn mạnh việc mọi người cần chuẩn bị tâm thế, nếu một dịch bệnh mới diễn ra, liệu công ty có bị ảnh hưởng hay không.
"Nếu DN nói rằng họ vẫn ổn thì tức là đã có sự chuẩn bị tốt. Còn nếu câu trả lời là tiếp tục bị ảnh hưởng thì DN cần phải có sự thay đổi. Bởi vì, thị trường thay đổi, các đối thủ mới, dịch bệnh sẽ luôn là những rủi ro tiềm tàng với DN", bà Quỳnh khẳng định.
Chính vì vậy, theo bà Quỳnh, việc DN cho phép mình chậm lại quá trình chuyển đổi số, ĐMST cũng đồng nghĩa với việc tự tạo những rủi ro lớn hơn cho mình, và chỉ sau 6 tháng đến 1 năm thì hậu quả của việc này sẽ rất rõ ràng.
Đánh giá về các quy định hiện nay đối với ĐMST, theo CEO BambuUP, do các công nghệ mới diễn ra quá trinh nên một số chính sách hiện tại vẫn chưa theo kịp và trong giai đoạn hoàn thiện, nhất là với những xu hướng mới như huy động vốn cộng đồng, blockchain… Đây là một điều đáng tiếc, trong bối cảnh có một số lĩnh vực, Việt Nam đang đi nhanh trên thế giới như blockchain, nhưng lại chưa có các chính sách hỗ trợ, khiến startup phải mở công ty ở nước ngoài. Do đó, chính sách cần hỗ trợ tốt hơn để startup muốn mở công ty ở Việt Nam thay vì ra nước ngoài như hiện nay.
Tiếp theo, các hoạt động từ cơ quan quản lý mới chỉ dừng ở bước nhận biết và tạo phong trào, nên cần phải đi sâu hơn nữa. Như tại Singapore, để xuất khẩu tài nguyên chất xám, họ đã hình thành những Uỷ ban, phòng thương mại để hỗ trợ startup của Singapore tại Việt Nam thông qua các hoạt động làm việc với Chính phủ, bộ ban ngành để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất để startup phát triển.
"Việt Nam cũng cần phải có những hoạt động sâu sát để hỗ trợ startup Việt phát triển mạnh hơn, thay vì đơn thuần chỉ vinh danh", bà Quỳnh bày tỏ.
Trên cơ sở đó, bà Quỳnh đề xuất, chính sách đối với startup, ĐMST cần phải được hoàn thiện nhanh hơn, cập nhật hơn các xu hướng mới để có thể khuyến khích các công ty khởi nghiệp muốn mở công ty ở Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ cũng cần phải thiết thực và trực tiếp hơn cho các DN khởi nghệp. Ví dụ, như câu chuyện DN và công ty khởi nghiệp hợp tác với nhau, Việt Nam cần tác động chính sách để các tập đoàn, đơn vị lớn cởi mở hơn, làm việc với startup nhiều hơn./.