Yên Bái thực hiện chuyển đổi số khác biệt

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 12:28, 20/07/2022

Cách làm chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh Yên Bái khá khác biệt là vừa làm từ trên xuống và vừa làm từ dưới lên.

CĐS để đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 ngày 18/7, ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái cho biết theo đánh giá xếp hạng Chỉ số CĐS (DTI) năm 2021 của Bộ TT&TT, Yên Bái xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố và đây không phải là xếp hạng cao.

Yên Bái xác định đẩy nhanh tiến trình CĐS là một trong những giải pháp đột phát để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ hội cho tỉnh Yên Bái đi sau nhưng đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh khác. Vì vậy, ngày 22/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-TU về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Yên Bái thực hiện CĐS khác biệt - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX ban hành Nghị quyết về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Ảnh: www.yenbai.gov.vn)

Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái, trong vòng 1 năm vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành hơn 20 chương trình, kế hoạch để thực hiện triển khai CĐS. "Cách làm CĐS của tỉnh Yên Bái khá khác biệt là vừa làm từ trên xuống và vừa làm từ dưới lên".

Năm 2022 được chọn là năm tổng tiến công về CĐS. Theo đó, vào tháng 3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ CĐS của năm 2022 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tới 100% xã, phường, thị trấn hay nói cách khác là Yên Bái đã đưa toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh vào công cuộc CĐS.

Năm 2022 cũng là năm Tỉnh ủy Yên Bái xác định CĐS là 1 trong 3 nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bên cạnh 2 nhiệm vụ khác là phát triển hạ tầng kinh tế số và thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư hạ tầng số dùng chung cùng các nhiệm vụ CĐS trong toàn tỉnh và đã đưa vào sử dụng như: trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh (DC); mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp III đến 100% các sở ngành, UBND các huyện, xã; Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng (SOC) của tỉnh kết nối với SOC của Bộ TT&TT; hệ thống camera giám sát đô thị thông minh (ĐTTM); hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện với 100% các cơ quan Đảng, sở ngành, UBND xã. Đây là những hệ thống dùng chung của tỉnh giúp thực hiện các nhiệm vụ CĐS của tỉnh.

Về cách làm CĐS từ dưới lên, ông Hoàng Minh Tiến cho biết Yên Bái đưa CĐS từ nhận thức thành hành động theo cách làm từ dưới lên, nghĩa là thông qua việc triển khai chuyển đổi các mô hình CĐS, tập trung vào các công việc, địa điểm tương tác nhiều với người dân, doanh nghiệp (DN) và những việc mang tính chất thay đổi căn bản nhận thức, thói quen trong hoạt động của các tổ chức Đảng, CQNN. Việc xây dựng các mô hình CĐS trong thời gian 6 tháng vừa qua được thực hiện theo nguyên tắc 3 được là: nhìn được, sờ được và nắm được.

8 mô hình CĐS

Trong thời gian qua, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái cho biết tỉnh đã triển khai 8 mô hình CĐS. Đầu tiên là mô hình xã phường CĐS. Trên cơ sở đánh giá mô hình CĐS tại xã Tú Lệ sau 6 tháng triển khai, Sở TT&TT đã đúc rút các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể theo 4 trụ cột là hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo đó, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch CĐS xã phường thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh ở 2 mức là CĐS gồm 17 chỉ tiêu và CĐS nâng cao bổ sung thêm 8 chỉ tiêu với mục tiêu trong năm 2022 là mỗi huyện/thị xã/thành phố tối thiểu 30% các xã/phường/thị trấn sẽ thực hiện CĐS mà theo đăng ký hiện tại có 72/172 xã phường đã thực hiện đăng ký mô hình CĐS trong năm 2022, trong đó 44/72 đơn vị đang thực hiện mô hình nâng cao.

Yên Bái thực hiện CĐS khác biệt - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh kiểm tra mô hình chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Ảnh: baoyenbai.com.vn)

Mô hình thứ hai là mô hình sở, ngành CĐS. Ở cấp tỉnh, Sở TT&TT là cơ quan đầu tiên thực hiện CĐS thông qua việc ban hành Nghị quyết liên tịch CĐS, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Sở TT&TT đưa ra 24 mục tiêu cụ thể để CĐS và trong 3 tháng hoàn thiện thì đã hoàn thành 22/24 mục tiêu và đạt 22%. Trên cơ sở thí điểm, kết quả của giai đoạn thí điểm, Sở TT&TT đã xây dựng nghị quyết liên tịch CĐS nâng cao trong nửa cuối của năm 2022, sẽ ban hành trong tháng 7/2022. Đồng thời trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch CĐS Sở ngành với mục tiêu 100% các sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh Yên Bái sẽ hoàn thành CĐS ở mức cơ bản trong năm 2022.

Mô hình thứ ba là trường học CĐS. Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện thí điểm CĐS tại 2 trường: trường THPT Nguyễn Tất Thành và trường THCS Quang Trung và kết quả là đã hoàn thành 9/10 chỉ tiêu theo kế hoạch, đạt 90%. Sở TT&TT đã trình UBND tỉnh Kế hoạch triển khai mô hình CĐS trường học với mục tiêu đến năm 2025, 100% các trường học hoàn thành CĐS.

Mô hình thứ tư là CĐS cộng đồng, tỉnh đã thành lập tổ CĐS cộng đồng tại 100% xã/phường/thị trấn và cấp thôn/bản/tổ dân phố, tỉnh Yên Bái đã thành lập ở 1260/1356 thôn/bản/tổ dân phố và đạt tỷ lệ là 92,9% với tổng số người tham gia tổ CĐS cộng đồng là 8526, tức là gần 1% dân số của tỉnh Yên Bái. Sở TT&TT trong thời gian vừa qua đã thực hiện các chương trình CĐS cộng đồng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cơ bản CĐS, hướng dẫn, triển khai sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái và trong tháng 7 này sẽ hướng dẫn để nhìn lại VOVBacsi 24, cũng như việc cài đặt các sàn TMĐT vỏ sò, postmart đối với người dân trên sàn TMĐT.

Mô hình thứ năm là mô hình sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái, hiện tại đã hoàn thành thí điểm từ tháng 3 đến tháng 5/2022, triển khai sổ tay điện tử tới 61 chi bộ, cài đặt cho 1736 đảng viên, trực thuộc 3 tổ chức Đảng. Tới nay, 100% các chi bộ đã thực hiện sinh hoạt chi bộ định kỳ, sử dụng nền tảng số tay đảng viên điện tử. 100% các chi bộ đã sử dụng nền tảng này trong việc học tập và quán triệt, kiểm tra, trắc nghiệm nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ.

Vừa qua, Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái trên cơ sở tham mưu của Sở TT&TT đã đồng ý chủ trương mở rộng, triển khai nền tảng sổ tay đảng viên điện tử và 100% chi bộ trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2022. Trong quá trình thí điểm, không chỉ chi bộ nằm trong kế hoạch thí điểm và còn nhiều chi bộ khác nhận thấy rằng nền tảng này thích hợp cho sinh hoạt chi bộ và số chi bộ đăng ký gấp đôi so với kế hoạch.

Mô hình thứ sáu là CĐS cấp huyện. Sở TT&TT đang phối hợp với Huyện Văn Yên triển khai thí điểm mô hình Huyện CĐS với 41 chỉ tiêu cụ thể (dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022). Tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành 38/41 chỉ tiêu, đạt 92,7%. Trên cơ sở kết quả tại Văn Yên, sẽ hoàn thiện mô hình CĐS cấp huyện và đề xuất UBND tỉnh nhân rộng ra các huyện, thị xã, thành phố trong năm 2022.

Mô hình thứ 7 là công dân số. Sở TT&TT đang phối hợp với TP. Yên Bái triển khai thí điểm mô hình công dân số với mục tiêu là trong năm 2022, 70% công dân trưởng thành TP. Yên Bái sẽ trở thành công dân số. Mô hình này đưa ra 6 chỉ tiêu như có thiết bị thông minh kết nối Internet, được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cơ bản sử dụng các nền tảng số, sử dụng Internet an toàn, cài đặt và hỗ trợ sử dụng các nền tảng số như khám chữa bệnh từ xa, mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, nền tảng học và tự học, hệ thống yên Bái ID…

Bên cạnh 7 mô hình trên, Giám đốc Sở TT&TT cho biết Yên Bái cũng đang thực hiện các mô hình khác như DN CĐS, nhà văn hóa số, gia đình số trong năm nay.

Yên Bái thực hiện CĐS khác biệt - Ảnh 3.

Cán bộ bưu điện tỉnh Yên Bái hướng dẫn chú Trần Văn Quý thao tác đưa hình ảnh những quả cam lên sàn TMĐT Postmart

Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái, Yên Bái mong muốn chia sẻ và được chia sẻ với các địa phương về mô hình CĐS mà Yên Bái đang làm để từng bước hoàn thiện hơn, đúng hơn, theo tinh thần CĐS là quá trình, không phải đích đến.

CĐS là việc mới, việc khó; cần được cụ thể hoá, chia sẻ cách làm, con đường đi cho địa phương. Giám đốc Sở TT&TT đề xuất Bộ tiếp tục có các hướng dẫn địa phương thông qua hình thức hội nghị trực tuyến, văn bản hướng dẫn để nắm bắt kịp thời, hiểu và đưa ra được các kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện CĐS. Đồng thời Bộ TT&TT cần chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với các DN viễn thông để: có kế hoạch đầu tư, xóa vùng lõm sóng và nâng cao tốc độ truy cập Internet theo chủ trương của Bộ; có cơ chế, chính sách cho các hộ nghèo, hộ chính sách, tổ CĐS cộng đồng tiếp cận, mua điện thoại thông minh, gói cước Internet với giá ưu đãi./.

Hoàng Linh