Indonesia đưa ra 4 khuyến nghị về chiến lược số hóa toàn diện
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:51, 19/07/2022
Diễn đàn đối thoại B20 - G20 được thiết kế trở thành một diễn đàn tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa cộng đồng và doanh nghiệp (DN) để chia sẻ mối quan tâm và đề xuất các giải pháp của họ.
Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm số hóa B20 Indonesia, đồng thời là Giám đốc của PT Telkom Indonesia (Persero) Tbk (Telkom) - Ririek Adrianyah cho biết: "Bản chất công việc của Lực lượng đặc nhiệm số hóa B20 Indonesia là đảm bảo rằng số hóa có thể thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai, đồng thời thu hẹp khoảng cách số, và cuối cùng là thực hiện chuyển đổi số (CĐS) một cách toàn diện".
Từ thực tế đó, Nhóm đặc nhiệm số hóa B20 Indonesia đã đưa ra 4 khuyến nghị về chiến lược số hóa nhằm hướng tới chiến lược CĐS toàn diện, được rút sau một loạt các cuộc thảo luận diễn ra trong 6 tháng vừa qua.
Thứ nhất, thúc đẩy kết nối toàn cầu bằng cách đảm bảo hỗ trợ khả năng tiếp cận toàn cầu để tham gia vào nền kinh tế số và các dịch vụ của chính phủ, đảm bảo các dịch vụ của chính phủ bao trùm và xóa bỏ khoảng cách số.
Thứ hai, xây dựng nền tảng cho nền kinh tế số bền vững và có khả năng phục hồi, với mục tiêu tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng số.
Thứ ba, đảm bảo tư duy sẵn sàng số hóa cho các cá nhân và DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và cho phép các MSME quyền truy cập vào các nền tảng số.
Cuối cùng, thúc đẩy các tiêu chuẩn an ninh mạng dựa trên rủi ro và bằng chứng, có thể tương tác, trung lập với công nghệ và các phương pháp hay nhất hỗ trợ nỗ lực của các công ty trong việc bảo vệ hệ thống mạng của họ.
Theo Ririek, 4 khuyến nghị này, dự kiến sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho giới doanh nhân, đặc biệt là ở các nước thành viên G20 cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.
"Telkom Indonesia với tư cách là một DN nhà nước tiếp tục đóng góp trong ba lĩnh vực để hỗ trợ khuyến nghị thông qua việc tăng tốc hình thành kết nối kỹ thuật số, nền tảng và dịch vụ của Indonesia. Thông qua ba trọng tâm kinh doanh này và các khoản đầu tư liên tục, hy vọng Telkom có thể trở thành động lực CĐS toàn diện của quốc gia", Ririek chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Johnny G. Plate cũng đánh giá cao các khuyến nghị mà Nhóm đặc nhiệm số hóa B20 đề xuất và cho biết nó sẽ giúp ích rất nhiều cho chính phủ, vì các khuyến nghị phù hợp với tầm nhìn chính của Chủ tịch G20 Indonesia là tạo ra một hệ sinh thái số toàn diện, trao quyền và bền vững.
Thế giới ngày nay là thế giới số hóa, và nền kinh tế số sẽ lớn mạnh hơn trên thị trường toàn cầu. "Mặc dù chúng ta có thể đánh giá được tiềm năng kinh tế to lớn, nhưng có nhiều thách thức trước mắt mà chúng ta phải cùng nhau đối mặt và vượt qua, tất nhiên là với sự hợp tác công tư. Một trong số đó là khoảng cách số, đặc biệt là ở các nước đang phát triển", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia nhận định.
Trong khi đó, bà Mira Tayyiba, Chủ tịch Nhóm Công tác kinh tế số G20 Indonesia cũng cho biết chính phủ sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự hợp tác giữa các DN và ngành, góp phần đảm bảo rằng các chính sách công, bao gồm các chính sách liên quan đến kỹ thuật số, có thể mang lại lợi ích cho tất cả các cấp của xã hội Indonesia.
"Chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ cho phép chính phủ xác định các chính sách công bằng và thiết thực, đồng thời tạo ra một không gian chính sách tốt hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nhóm Công tác kinh tế số G20 Indonesia cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các bên đổi mới như các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn và chính phủ để hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số", bà nói.
Nhận thức được vai trò quan trọng của nền kinh tế số đối với nhiều khía cạnh của cuộc sống, Nhóm Công tác Kinh tế số G20 Indonesia cũng cam kết đẩy mạnh số hóa để đạt được nhiều lợi ích kinh tế hơn, từ đó thúc đẩy sự phục hồi bền bỉ./.