Hà Nội ứng dụng công nghệ số, CNTT tiết kiệm chống lãng phí
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 14:33, 18/07/2022
Kết quả ấn tượng
Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, 5 năm qua (2016 - 2021), toàn thành phố đã tiết kiệm trong sử dụng và thanh quyết toán ngân sách nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm chi quản lý hành chính hơn 3.000 tỷ đồng; tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức gần 4.000 tỷ đồng…
Trong muôn vàn gian khó của dịch bệnh, các đơn vị luôn nỗ lực từ những việc làm nhỏ nhất. Tại quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND quận Bùi Tuấn Anh cho hay, triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được cấp ủy, chính quyền quận quan tâm chỉ đạo thực hiện với hệ thống văn bản đồng bộ.
UBND quận tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật từ quận đến cơ sở với sự tham gia của các đoàn thể chính trị để phối hợp giám sát, kiểm tra trên tất cả lĩnh vực, nhất là sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập được UBND quận hết sức quan tâm. Số đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm từ 12 còn 5 đơn vị.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (vốn ngân sách), quận tiết kiệm được 27 tỷ đồng thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; tiết kiệm 1,7 tỷ đồng qua kiểm tra giám sát và đánh giá đấu thầu theo quy định; cắt giảm được 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức đoàn đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng…
Cần tiếp tục phát huy
Mặc dù công tác tiết kiệm phòng chống lãng phí của Hà Nội có được những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, đây là công việc cần phải duy trì thường xuyên liên tục, nhất là cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Thủ đô thời gian qua được thực hiện có trách nhiệm. Trong các nhiệm kỳ Đại hội, Thành ủy đều có chương trình riêng về công tác này; HĐND TP thực hiện nhiều cuộc giám sát về các dự án chậm triển khai… TP cũng thường xuyên ban hành các văn bản về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công tác tuyên truyền, phổ biến đến CBCCVC được UBND các địa phương thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức…
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại một số bất cập. Do đó, nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, các cấp, ngành vẫn cần tăng cường tuyên truyền để tạo lan tỏa trong toàn bộ các cơ quan đơn vị. Công tác tuyên truyền cần bắt đầu từ ngay người đứng đầu, từ đó hướng tới cả các DN, thành phần kinh tế, người dân.
"Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đòi hỏi có cách làm khoa học, hiệu quả và những mô hình sáng tạo, trong đó quan tâm áp dụng công nghệ số, CNTT, cải cách hành chính. Phải tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất; kết hợp tuyên truyền sâu rộng, vận động toàn thể cán bộ, Nhân dân cùng thực hiện, đặc biệt nêu cao vai trò người đứng đầu" - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị trong kế hoạch thực hiện công tác này, các địa phương, đơn vị cần chia theo từng năm, để thực hiện có định lượng, có bộ công cụ kiểm tra thực tế tại các cơ quan, các phường; chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát, từ đó biểu dương những nơi làm tốt, vượt kế hoạch, có sáng tạo để nhân rộng trên toàn TP và xử lý nghiêm minh những nơi còn tồn tại hạn chế.
Để tăng cường hiệu quả hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đơn vị chức năng cần làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm, chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền trong việc ban hành chính sách pháp luật, tổ chức, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, các cơ quan cần rà soát ngay để có những giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, làm sâu sắc thêm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả hệ thống tới từng cơ sở./.