Việt Nam đặt mục tiêu giữ vị trí top đầu toàn cầu về triển khai IPv6
Bản tin ICT - Ngày đăng : 09:25, 17/07/2022
Ngày 15/7/2022, Bộ TT&TT đã thông báo kết luận của Thứ trưởng Phạm Đức Long tại Hội nghị sơ kết công tác IPv6 và Chương trình IPv6 For Gov. Thông báo kết luận đánh giá việc triển khai chuyển đổi IPv6 là tất yếu, cách làm, nội dung, tiến độ công tác thúc đẩy triển khai IPv6 Việt Nam và Chương trình IPv6 for Gov đã được triển khai hiệu quả.
Chuyển đổi IPv6 trong khối CQNN đã thay đổi rất tích cực trong 2 năm vừa qua
Hội nghị sơ kết công tác IPv6 và Chương trình IPv6 for Gov được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện VNNIC Internet Conference 2022 tại TP Đà Nẵng ngày 24/6/2022.
Đến nay, Việt Nam đi cùng nhịp với các nước phát triển trong quá trình chuyển đổi Internet sang thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6. Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 50%. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 10 toàn cầu. Dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng với hơn 50 triệu người dùng, truy cập Internet với IPv6 qua FTTH, 3G, 4G.
Đối với các DN ISP, di động, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel là các đơn vị tiên phong, đi đầu trong công tác triển khai IPv6. Mặc dù có những khó khăn ví dụ về thiết bị đầu cuối, các DN đã xây dựng lộ trình thay thế thiết bị, có kế hoạch triển khai đúng mục tiêu công tác chuyển đổi IPv6, đảm bảo tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam; chủ động cung cấp dịch vụ hỗ trợ IPv6 cho khối CQNN.
Trong đó, tính đến năm 2022, toàn bộ kết nối Internet VNPT cung cấp cho các CQNN trên toàn quốc đều hỗ trợ dual-stack IPv4/IPv6; các dịch vụ Chính phủ điện tử (CPĐT) đều hỗ trợ IPv6 ngay từ đầu (cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia, hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia,…). Đến tháng 6/2022, VNPT đã triển khai dịch vụ IPv6 cho 86% thuê bao FTTH và 75% thuê bao di động của mình. Trong khi đó, Tập đoàn Viettel là đơn vị đóng góp cho tỷ lệ người dùng IPv6 lớn nhất Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng IPv6 của Viettel đạt trung bình 60%.
Đối với mạng, dịch vụ của CQNN, chuyển đổi IPv6 theo mục tiêu Chương trình IPv6 for Gov là cơ hội để quy hoạch, hiện đại hóa hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT theo hướng hiện đại. Kết quả chuyển đổi IPv6 trong khối CQNN đã thay đổi rất tích cực trong 2 năm vừa qua, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022. Đã có 14/22 bộ, ngành; 62/63 địa phương ban hành và thực hiện kế hoạch chuyển đổi IPv6 (tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước; tăng 7% so với 2021); 08/22 bộ, ngành và 33/63 địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, cổng DVC (tăng 141% so với cùng kỳ năm trước; tăng 86% so với hết năm 2021).
Chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang IPv6.
Việc chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang thế hệ mới hoạt động an toàn, ổn định với IPv6 còn nhiều nhiệm vụ phải thực hiện. Thứ trưởng Phạm Đức Long giao nhiệm vụ công tác IPv6 cho các DN, CQNN, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần xác định dẫn dắt công nghệ IPv6 trong khu vực ASEAN và giữ vị trí trong top các quốc gia đi đầu ở phạm vi toàn cầu. Mục tiêu giai đoạn tới thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang IPv6.
Cụ thể các nhiệm vụ được giao cho từng đơn vị như sau:
Khối DN
Các DN ISP, di động chủ đạo cần giữ nhịp tăng trưởng tỷ lệ sử dụng IPv6, kích hoạt hỗ trợ IPv6 cho 100% thuê bao. Triển khai IPv6 cho 5G, đámmây (cloud); nghiên cứu, triển khai IPv6 cho dịch vụ IoT. Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel phải là đơn vị tiên phong, đi đầu trong công tác IPv6.
Các DN cung cấp dịch vụ cho CQNN chủ động triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 cho CQNN. Các DN cung cấp dịch vụ nền tảng, nội dung xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi IPv6.
Khối CQNN
Năm 2022, khối CQNN cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ công tác IPv6 tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy CĐS quốc gia, cụ thể: "Thực hiện việc chuyển đổi IPv6; trong đó, ưu tiên tập trung chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, DVC trực tuyến để phục vụ cho người dân, DN truy cập, sử dụng dịch vụ của CQNN qua IPv6. Thời hạn hoàn thành: tháng 12 năm 2022".
Các bộ, ngành, địa phương phấn đầu hoàn hành sớm các chỉ tiêu của giai đoạn 1 (2021-2022) và sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn 2 (2023-2024) của Chương trình IPv6 for Gov. Chuyển đổi IPv6 song song với quy hoạch, hiện đại hóa hệ thống mạng, dịch vụ CNTT theo hướng hiện đại (sử dụng IP/ASN độc lập; kết nối BGP Multi-home; kết nối với VNIX,....).
Bộ TT&TT
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được giao chủ trì công tác IPv6 Việt Nam; đồng hành, thúc đẩy, hỗ trợ khối bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ IPv6 For Gov. VNNIC cùng với Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel và các DN ISP, Mobile để chuyển đổi toàn diện mạng Internet Việt Nam sang IPv6 và hỗ trợ CQNN trong triển khai IPv6.
Cục Viễn thông nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy triển khai IPv6 trong 5G, phối hợp các đơn vị để xây dựng tiêu chuẩn về IPv6. Cục Bưu điện Trung ương với vai trò chủ trì công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Công tác IPv6 Việt Nam đã thực hiện tốt và cần tiếp tục mở rộng phạm vi. Trong giai đoạn tới, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, các bộ, ngành, DN trong công tác chuyển đổi IPv6; phát triển hạ tầng số, chính phủ số và CĐS quốc gia./.