CĐS Ngân hàng Nhà nước đưa dịch vụ đến gần người dân hơn
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:51, 17/07/2022
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang thúc đẩy quá trình CĐS diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn cầu. Trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng đã phê duyệt kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng với mục tiêu hiện đại hóa toàn diện hoạt động quản lý của NHNN và hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0.
Tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Chiến lược CĐS quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng cũng được xác định có mức độ sẵn sàng cao trong các ngành, lĩnh vực, có ảnh hưởng hằng ngày tới người dân, cần ưu tiên CĐS trước.
Chia sẻ về CĐS ngành Ngân hàng tại Hội thảo "CĐS để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán (NHNN) mới đây, Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán - NHNN, cho biết: NHNN cũng đã xác định một số quan điểm lớn trong CĐS của ngành. Cụ thể, NHNN luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong CĐS của ngành nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh an toàn lợi ích cho người dân.
Từ những nỗ lực của toàn ngành, thực tế thời gian qua hoạt động CĐS ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể sử dụng hoàn toàn trên kênh số
Đối với ngành Ngân hàng, hoạt động thanh toán thường được NHNN, các TCTD ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung CĐS trước do giao dịch thanh toán vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng. Các giao dịch thanh toán thường liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò "cửa ngõ" để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác, từ tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân đến cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng, tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
Theo số liệu công bố tại Hội thảo "CĐS để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt", tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị, giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015 - 2021; có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ mobile money, có đến gần 660.000 là khách hàng ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt, hiện nay ứng dụng ví điện tử không đơn thuần được sử dụng chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dùng còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hóa đơn, mua vé xem phim, thương mại điện tử, vé máy bay, đặt tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…
Đến nay tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; và nhiều ngân hàng Việt Nam đã có trên 90% giao dịch trên kênh số.
Mục tiêu năm 2022 có 65 - 70% người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng
Với mục tiêu đẩy nhanh hơn nữa quá trình CĐS, mới đây NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1097/QĐ-NHNN về Kế hoạch CĐS năm 2022.
Theo đó, NNHN đặt mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 của NHNN đáp ứng yêu cầu trên Cổng DVC quốc gia. Tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 phát sinh hồ sơ đạt 80%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) xử lý trực tuyến đạt 100%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100% (đối với TTHC tiếp nhận tại Bộ phận một cửa của NHNN). Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 65 - 70%.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra, NHNN đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể như hoàn thiện, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Rà soát, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) phiên bản 2.0 của NHNN phù hợp với Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0 được ban hành tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Về phát triển chính phủ số (CPS), NHNN sẽ tiếp tục thúc đẩy sử dụng DVCTT mức độ cao, trong đó chú trọng rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí khi thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% DVCTT mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng DVC quốc gia.
Đồng thời, thực hiện kết nối Cổng Thông tin điện tử, Cổng DVCTT và Hệ thống một cửa điện tử với Hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân, DN của Cổng DVC quốc gia; Ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để cung cấp DVCTT; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa của NHNN.
Hệ thống thông tin báo cáo của NHNN bảo đảm kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong văn bản điện tử, DVCTT, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện TTHC, chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng; cùng với đó là thí điểm triển khai trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.
NHNN cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số.
Song song với đó, kế hoạch CĐS cũng yêu cầu 4 giải pháp bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng phải được tổ chức triển khai đầy đủ; Tổ chức phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ các hệ thống thông tin đang vận hành.
Đồng thời, NHNN phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT chuẩn bị hạ tầng, các điều kiện đáp ứng yêu cầu về ATTT, an ninh mạng để kết nối các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC với CSDL quốc gia về dân cư…
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu ngành Ngân hàng xây dựng và ban hành Kế hoạch thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển CPS, kinh tế số và xã hội số; Xây dựng và ban hành Kế hoạch sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây; Thực hiện việc chuyển đổi IPv6…
Cùng với đó là rà soát, công bố danh mục dữ liệu mở, dữ liệu chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định; đăng ký dịch vụ chia sẻ dữ liệu với Bộ TT&TT; công bố công khai danh mục CSDL dùng chung để hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng.
Ngoài ra, NHNN cũng đặt mục tiêu xây dựng và ban hành Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN và Hỗ trợ DN CĐS của ngành Ngân hàng để triển khai Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng TT&TT phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN và hỗ trợ thúc đẩy DN CĐS…
Đặc biệt, đối với giải pháp về nhân lực số, kỹ năng số, công dân số và văn hóa số, Kế hoạch yêu cầu xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, trong đó bao gồm các nội dung về CĐS, phát triển CPS, kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, mới đây, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1033/QĐ-NHNN về kế hoạch triển khai Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Kế hoạch bao gồm các nội dung cụ thể như xây dựng và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách và trực tiếp triển khai CĐS trong ngành Ngân hàng; xây dựng kế hoạch nâng cao nhận thức CĐS; Thực hiện nâng cao nhận thức CĐS; Phổ cập kỹ năng CĐS; Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CĐS; Thực hiện phát triển nguồn nhân lực CĐS;.../.