Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững kinh tế biển
Truyền thông - Ngày đăng : 07:55, 14/07/2022
Biển có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để trở thành quốc gia mạnh về biển vào năm 2045, trong đó, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ biển là một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, một trong ba khâu đột phá chiến lược được Đảng đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Xây dựng cơ sở khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế, dịch vụ môi trường biển
Trong những năm qua, khoa học công nghệ biển đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là: phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển; góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - dân sinh biển, vùng ven biển và đảo; đóng góp cho bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, bảo tồn thiên nhiên biển và ngăn ngừa, phòng tránh thiên tai; góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích biển của nước ta; xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ biển nước nhà.
Theo Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết: Những năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ biển (KHCNB) với nhiều nhiệm vụ đã được triển khai trong các chương trình trọng điểm, các đề tài độc lập cấp Nhà nước, đề tài của các Bộ, ngành, trường Đại học, Viện Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế. Thông qua các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã có đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường, qua đó góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Hiện nay chúng ta đã tạo dựng được hệ thống số liệu về điều kiện tự nhiên như địa hình, địa mạo, địa chất, khí tượng, hải văn, các hệ sinh thái và sinh vật biển đảo. Ðánh giá, dự báo triển vọng và định hướng tìm kiếm khoáng sản biển, nhất là dầu mỏ, khí đốt và hydrate; năng lượng biển (nhiệt độ, gió, thủy triều và sinh khối); tiềm năng sử dụng nước và đất ngập mặn ven bờ. Xây dựng được hệ thống sinh thái biển, vùng bờ biển và hải đảo với hơn 12 nghìn loài, phân bố của các khu hệ sinh thái, những đặc trưng cơ bản về đa dạng sinh học và một số quá trình sinh học, năng suất sinh học các vùng biển... Xây dựng hệ thống phân tích đánh giá môi trường như xây dựng các thông số kỹ thuật, các quy trình giám sát và quan trắc môi trường; ứng phó tràn dầu trên biển; cung cấp cơ sở cho soạn thảo và ban hành các kế hoạch chiến lược, các quy chuẩn quốc gia về tài nguyên môi trường biển...
Các nhà khoa học của Việt Nam còn tham gia trong hợp tác quốc tế nghiên cứu biển dưới các hình thức song phương, đa phương, các chương trình quốc tế, các nhiệm vụ nghị định thư nhà nước; hợp tác nghiên cứu được ký kết giữa cấp Viện và trường Đại học với nhiều hình thức hợp tác khá đa dạng và phong phú. Ðồng thời, tham gia với các tổ chức và mạng lưới nghiên cứu quốc tế như Ủy ban Hải Dương học Liên Chính phủ (IOC); Hội Khoa học Thái Bình Dương, Tiểu ban Môi trường biển Ðông - Nam Á... với nhiều chuyến khảo sát được thực hiện ở vùng biển Việt Nam và Biển Ðông. Thông qua các chương trình hợp tác này, trình độ cán bộ của nước ta đã được nâng lên rõ rệt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu lý luận, phương pháp, kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu KHCNB...
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc xây dựng và phát triển khoa học - công nghệ biển Việt Nam là điều cần thiết, tuy nhiên cần bảo đảm một số yêu cầu trong thời gian tới, như duy trì nguồn vốn tự nhiên biển; bảo tồn biển và các khu bảo tồn biển; bảo vệ môi trường và tài nguyên biển; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực thi chính sách, pháp luật hiệu quả trong khai thác, sử dụng biển; truyền thông môi trường và tài nguyên biển.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ biển
Để khoa học - công nghệ thực sự có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế biển thì trước tiên, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đánh giá tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, như hàng hải, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm... Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc tế. Đầu tư đội tàu nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhằm bảo đảm sự thông suốt trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế biển cũng như vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của kinh tế biển, từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ đến người dân và các doanh nghiệp; các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ; xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, cần cấu trúc lại hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học; đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ biển; tiếp tục đào tạo và xây dựng, phát triển tiềm lực nghiên cứu, triển khai và ứng dụng; xây dựng các quy chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập và áp dụng kinh nghiệm đầu tư, quản lý công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển của các nước tiên tiến; công bố rộng rãi các kết quả điều tra, nghiên cứu để khẳng định với bạn bè quốc tế về chủ quyền các vùng biển của Việt Nam; cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ làm công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và có chính sách đãi ngộ thích hợp theo mô hình các nước tiên tiến; tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các tỉnh, thành phố của cả nước trong các hoạt động phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ cho phát triển bền vững kinh tế biển của vùng.
Đây là những giải pháp quan trọng góp phần tạo ra đột phá và "thương hiệu biển Việt Nam" với các "sản phẩm biển Việt Nam", từng bước bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới trong phát triển khoa học và công nghệ biển và công tác điều tra, nghiên cứu biển, đảo thời gian tới. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò không thể thay thế của khoa học - công nghệ biển trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của nước ta. Với cách xác định đúng mục tiêu, đường lối cũng như nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện, khoa học và công nghệ biển sẽ giúp nâng tầm giá trị của biển Việt Nam, góp phần sớm đưa nước ta trở thành quốc gia giàu từ biển, mạnh về biển.