Triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, cung cấp dịch vụ trực tuyến và an toàn

Bản tin ICT - Ngày đăng : 18:14, 12/07/2022

Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử CT sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần tăng năng suất lao động và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.

Hồ sơ giải pháp hóa đơn điện tử (Hóa đơn CT - hoadonct.gov.vn) do Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Trung tâm Tin học và Công nghệ số), Bộ Công Thương vận hành mới đây đã được Tổng Cục Thuế cho phép cung cấp dịch vụ và được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2022, các DN, cơ sở kinh doanh, trừ một số trường hợp ngoại lệ, phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Hóa đơn CT của Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương được xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng triển khai hệ thống dữ liệu lớn, phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.

Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số, việc triển khai hệ thống hóa đơn CT sẽ góp phần thúc đẩy việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, DN.

Cùng với Trục phát triển Hợp đồng điện tử Việt Nam mà Bộ Công Thương đã công bố vào tháng 6, hệ thống hóa đơn điện tử CT sẽ giúp các DN trong lĩnh vực Công Thương có thêm giải pháp và động lực để CĐS hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ.

Hiện đã có hơn 90 tổ chức, trong đó có Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương được Tổng Cục thuế công khai thông tin tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định.

Cải cách hệ thống thuế là một mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Ngày 21/4, Bộ Tài chính đã chính thức triển khai chương trình hóa đơn điện tử trên toàn quốc, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng, với các quy trình hành chính được sắp xếp hợp lý và năng suất cao hơn. Dự án hóa đơn điện tử của Bộ Công Thương đã góp phần cải thiện đáng kể mức độ minh bạch và hiệu quả, đồng thời giúp cắt giảm chi phí và cải thiện môi trường kinh doanh.

Với sự ra đời của cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế và ứng dụng eTax Mobile, Tổng cục thuế đã cải thiện khả năng giám sát và quản lý các hoạt động thương mại trực tuyến cũng như thủ tục đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Sau một chương trình thí điểm ngắn nhưng thành công về hóa đơn điện tử, Bộ Công Thương cũng đã nhận thấy rằng các ứng dụng này đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các DN chuyển sang các phương thức số. Theo Tổng cục Thuế, đến ngày 24/5, cả nước đã có 764.314 DN tương đương 92,6% tổng số DN và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử. Cũng đến thời điểm trên, số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý là 318.401.123 hóa đơn; trong đó, hóa đơn có mã là 106.414.378 hóa đơn.

Thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm xây dựng nền kinh tế số và xã hội số, đồng thời duy trì đảm bảo an toàn, an ninh mạng là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cơ sở hạ tầng này. Thống kê trên thế giới cho thấy, có 900 cuộc tấn công mạng và 5 mã độc mới sinh ra trong mỗi giây. Mỗi ngày phát hiện thêm 40 điểm yếu lỗ hổng an ninh mạng. 

Trong bối cảnh đó, cả nước đang phải đối mặt với các mối đe dọa mạng nghiêm trọng. Bởi vậy, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là tăng cường an ninh mạng cho các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân để cùng nhau hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Theo Ban Cơ yếu Chính phủ, trong năm 2021, hơn 45.000 trong số 76.977 vụ tấn công tại một số hệ thống mạng trọng yếu được thực hiện theo hình thức khai thác lỗ hổng. Có khoảng 14.000 vụ tấn công dò quét mạng, hơn 12.000 vụ tấn công có chủ đích (APT), hơn 7.300 vụ tấn công xác thực, gần 7.000 vụ tấn công mã độc và khoảng 650 vụ tấn công từ chối dịch vụ,.../.

TH