Câu chuyện sống động về sự chuyển mình của vỉa hè Sài Gòn

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 09:35, 12/07/2022

Cuốn sách "Đời sống vỉa hè Sài Gòn" viết về vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân...

Lịch sử kiên cường của vỉa hè Sài Gòn

Các đô thị đều có những đặc trưng riêng biệt. Để kiến tạo và phát triển một đô thị hài hòa và bền vững, bắt buộc phải nắm được cái hồn cốt của nó. Với Sài Gòn, giá trị tinh túy của đời sống nơi đây được thể hiện ở một không gian xã hội độc đáo và không hề xa lạ: trên vỉa hè.

Cuốn sách "Đời sống vỉa hè Sài Gòn" là một nghiên cứu đặt đời sống vỉa hè dưới một ánh sáng khác, nơi đó vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân, chứ không chỉ là một khoảng không gian vô hình luôn câm lặng.

Tác giả cuốn sách, GS. Annette M. Kim và nhóm nghiên cứu không gian đô thị (SLAB) của bà nhờ sống ở Sài Gòn nhiều năm mà đã vỡ lẽ được rằng cái căn cốt của vỉa hè không nằm ở lớp bê tông tạo ra nó mà ở chính những hàng quán, sinh hoạt, và câu chuyện mưu sinh đời thường.

GS. Kim cùng phòng phân tích không gian đô thị (SLAB) của mình đã dày công thu thập các ghi chép lịch sử về vỉa hè từ văn khố, số liệu thống kê, quy hoạch đô thị, ảnh chụp, cũng như xem xét tài liệu học thuật của các nhà sử học về các giai đoạn khác nhau trong lịch sử để kể cho người đọc một câu chuyện sống động tươi nguyên về sự chuyển mình của vỉa hè Sài Gòn.

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, đời sống vỉa hè Sài Gòn di chuyển cùng với các chế độ khác nhau, từ thành lũy thời đế quốc, đô thị thuộc địa Pháp, thủ đô thời hậu thuộc địa và đến nay là thành phố xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1980 đến nay, vỉa hè Sài Gòn vẫn bền bỉ níu giữ cái không khí hấp dẫn đặc trưng của nó. Dù những người phụ thuộc vào vỉa hè ngày càng chịu nhiều áp lực do thay đổi có phần cứng nhắc ở đô thị và mật độ dân số đông, nhưng không thể phủ nhận không gian vỉa hè chính là nền móng cho đời sống văn hóa và dân sự tại Sài Gòn.

Vỉa hè - không gian của lòng nhân ái hay tấm bản đồ cho những điều bị bỏ sót

Do làn sóng di dân ồ ạt, hiện nay người dân đổ dồn về khu vực thành thị. Hệ quả của sự đông đúc này là xã hội đang tranh chấp gay gắt trong việc sử dụng từng tấc đất, trong đó có vỉa hè. Phần đông các nước trên thế giới như Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã xảy ra xung đột về lợi ích khi sử dụng vỉa hè. Riêng đối với Sài Gòn, GS. Kim cho rằng, thành phố dù đang phải đối mặt với thách thức của đô thị hóa nhưng người dân vẫn luôn hào hiệp và sẵn sàng chia sẻ khoảng không gian này với nhau.

GS. Kim đã len lỏi giữa những vỉa hè Sài Gòn, quan sát và nhận ra rằng, khoảng không gian nhỏ nơi đây khác biệt và đáng nhớ đến thế bởi nó truyền tải những câu chuyện vừa gai góc vừa nhân ái về thân phận con người.

Ở Sài Gòn, phần đông mọi người tỏ thái độ đồng cảm với những người bán hàng ở vỉa hè. Những câu dàn xếp bâng quơ, điều chỉnh và giả đò làm lơ của hàng xóm về vấn đề sử dụng vỉa hè đã phản ánh sự khác biệt của con người Sài Gòn, cho thấy tình nghĩa dành cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Annette M. Kim đã nghiên cứu những không gian của vỉa hè Sài Gòn bằng tư duy của một học giả chính sách công, nhưng chuyển tải chúng dưới góc nhìn của một chuyên gia về nghệ thuật thị giác. Với "Đời sống vỉa hè Sài Gòn", bà đã giúp ta nhận ra những biểu tượng và thứ ngôn ngữ độc đáo của vỉa hè.

Liệu vỉa hè có đánh mất sức hấp dẫn trong quá trình đô thị hóa?

GS. Kim chỉ ra rằng ở Sài Gòn, thiết kế đô thị quy chuẩn không hề phù hợp với thực tiễn đô thị. Lấy lý do buôn bán trên vỉa hè gây cản trở giao thông, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và làm xấu mỹ quan thành phố, ngày càng nhiều chiến dịch giải tỏa vỉa hè được chỉ đạo sát sao và gay gắt. Nhưng mục tiêu biến Sài Gòn thành Singapore thứ hai không phải là chuyện đơn giản, không chỉ do thiếu nhân lực hay kinh phí, mà vì nét độc đáo của Sài Gòn được cả người dân lẫn khách du lịch đánh giá là nằm trên không gian này. Mất đi vỉa hè nhộn nhịp hàng quán và những nụ cười thân thiện, Sài Gòn có gì khác biệt với những đô thị khác?

Dựa trên định hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch của Việt Nam, Kim khảo sát khách du lịch để trả lời cho câu hỏi tại sao họ lại chọn đến Việt Nam. Kết quả thu về cho thấy phần đông du khách cảm nhận Sài Gòn sôi động, thú vị và khác biệt với những thành phố khác không chỉ bởi những địa điểm tham quan mang tính lịch sử mà còn bởi chính những món ăn đường phố, sự tương tác thân tình và nhộn nhịp trên vỉa hè.

Nhờ những nghiên cứu và đề xuất đơn giản nhưng hiện quả được đề cập, "Đời sống vỉa hè Sài Gòn" cũng đã chỉ ra những thách thức trong các mô hình quy hoạch đô thị và quản lý thích ứng mà Sài Gòn sẽ cần và còn gợi ý cách chúng ta có thể định hướng lối đi trong một thế giới toàn cầu hóa./.

N.N