Để các làng nghề Hà Nội phát triển bền vững trong thời đại 4.0

Truyền thông - Ngày đăng : 07:00, 09/07/2022

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với 1.350 làng có nghề, trong đó 272 làng nghề được UBND TP cấp bằng công nhận làng nghề. Do đó, để các làng nghề phát triển một cách bền vững, thành phố cần có nhiều giải pháp căn cơ trong thời đại 4.0, nhất là tập trung vào các vấn đề bảo vệ môi trường.

Làng nghề trong thời đại 4.0

Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố Hà Nội, làng nghề không chỉ có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của thủ đô. Trong thời đại 4,0, các làng nghề vẫn có những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đó, các làng nghề góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa kinh tế nông thôn đồng thời góp phần vào công cuộc bảo tồn các giá trị truyền thống.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, trong những năm qua, sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các Hiệp hội ngành nghề cùng với sự năng động sáng tạo của người dân nên nghề và làng nghề được khôi phục, củng cố và ngày càng phát triển. Nhiều nghề, làng nghề được khôi phục và phát triển nhanh, bền vững, như nghề thêu, dệt lụa, gốm sứ, sơn mài, khảm trai, mây tre đan...

Sự chuyển biến tích cực đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, thu hẹp sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đồng thời, củng cố, giữ vững trật tự an ninh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hạn chế di dân tự do và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Hiện nay, các làng nghề Hà Nội định hình và phát triển theo 5 xu thế cơ bản: Phát triển thành các cụm công nghiệp làng nghề; Phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Phát triển, bảo tồn và khôi phục các làng nghề truyền thống phục vụ nhu cầu trong nước; Phát triển và bảo tồn các làng nghề truyền thống hướng tới thị trường quốc tế và Phát triển làng nghề mới gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng vào bảo vệ môi trường

Có thể nói trong thời đại 4.0 các làng nghề vẫn có những chỗ đứng nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Thế nhưng, một trong những "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay cần giải quyết để phát triển bền vững làng nghề đó là công tác đảm bảo môi trường.

Để các làng nghề Hà Nội phát triển bền vững trong thời đại 4.0 - Ảnh 2.

Cần chú trọng môi trường làng nghề để phát triển bền vững

Theo Thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội, ngay từ 2017, Sở đã tham mưu, trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Hiện nay Sở đã tiến hành đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động. Kết quả cho thấy: Có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm tỷ lệ 31%), còn lại 21,5% làng nghề được phân loại không ô nhiễm (tương đương 63 làng nghề).

Kết quả đánh giá, phân loại làng nghề là cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý môi trường làng nghề, đồng thời là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội; phục vụ cho công tác công bố thông tin về hiện trạng môi trường làng nghề, lập danh mục các làng nghề cần xử lý ô nhiễm và phục vụ cho báo cáo về hiện trạng hoạt động, tình hình phát sinh và quản lý, xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn thành phố theo đúng quy định. 

Đồng thời, Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ quan thông tin để thực hiện đăng tải thông tin phân loại làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái nhấn mạnh, từ nay đến 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục phân loại làng nghề và thực hiện xử lý ô nhiễm tại những làng nghề truyền thống chưa có phương án bảo vệ môi trường; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong cuối năm 2022; hoàn thiện thủ tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức), cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh)...

Cũng trong giai đoạn này, thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên…, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

Để làm tốt các vấn đề này, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai phương án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030 để trình UBND thành phố phê duyệt; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Sở ngành đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp làng nghề...

Song song với nhiệm vụ trên, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới nhân dân; khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc để bảo vệ môi trường các làng nghề./.

Đỗ Thêu