“Chia sẻ ý tưởng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nhằm nâng cao năng lực và trình độ nhà báo trong thời đại chuyển đổi số”
Báo chí - Ngày đăng : 16:35, 08/07/2022
Tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng xu thế công nghệ làm báo hiện đại
Theo báo cáo của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Trung tâm), Hội Nhà báo Việt Nam, trong 2 năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng thời gian qua, Trung tâm đã đổi mới các phương thức tổ chức lớp học và hội thảo nên về cơ bản, vẫn đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu học tập của các hội viên – nhà báo trên toàn quốc. Đã có 253 lớp học dành cho 7.563 lượt học viên trên cả nước được bồi dưỡng kiến thức của các loại hình báo chí.
Trung tâm đã chuyển từ hình thức giảng dạy truyền thống sang online, bắt kịp và hội nhập với xu thế đổi mới của giáo dục hiện đại. Trên nền tảng Internet, Trung tâm đã hướng dẫn các giảng viên kiêm nhiệm tham khảo cách thiết kế bài giảng điện tử hấp dẫn và sinh động; tổ chức các hoạt động kết nối, tạo nhóm để tương tác, giúp các học viên thích thú với phương pháp học tập mới.
Đáng chú ý, các khóa học bồi dưỡng từ kỹ năng cơ bản đến kỹ năng nâng cao, với nhiều nội dung mới, cập nhật, đáp ứng xu thế của công nghệ làm báo hiện đại như sản xuất long-form, đồ họa cho báo điện tử, tòa soạn hội tụ, làm báo di động, sử dụng mạng xã hội trong tác nghiệp, livestream trong tác nghiệp báo chí… Bên cạnh các kỹ năng tác nghiệp báo chí, Trung tâm đã tập trung bồi dưỡng các chủ đề chuyên sâu như: Xây dựng Đảng, đưa tin về Đại hội Đảng các cấp, Bình luận quốc tế; Tin giả… đặc biệt là chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức của người làm báo.
Điểm nổi bật khác, Trung tâm đã chủ động sáng kiến tổ chức các khóa học bồi dưỡng kết hợp các hình thức "Online" và "Offline", nghĩa là học viên được học tại chỗ với giảng viên Việt Nam, kết hợp với sự tham gia của giảng viên nước ngoài online, đã được đánh giá cao. Một số hoạt động đáng chú ý trong năm 2020, xuất bản cuốn sách Cẩm nang báo chí điều tra với sự tài trợ của quốc tế (Fojo-Thụy Điển; KAS -–Đức; CFI -–Pháp; Đại sứ quán Úc và Đại sứ quán Mỹ). Trong năm 2022, bên cạnh các đối tác truyền thống, Trung tâm đã phối hợp với Hội Nhà báo người Mỹ gốc Á - Khu vực châu Á tổ chức 5 lớp học về Kỹ năng sử dụng các công cụ trực tuyến dành cho nhà báo trong thời đại số...
Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyển đổi số báo chí, cần làm trước với các "hạt nhân"
Tại Tọa đàm "Chia sẻ ý tưởng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nhằm nâng cao năng lực và trình độ nhà báo trong thời đại chuyển đổi số" diễn ra sáng 8/7, nhiều ý kiến, thảo luận xoay quanh bốn vấn đề chính gồm: Đánh giá, nhận xét về khóa học bồi dưỡng; đề xuất những kỹ năng cần thiết cho phóng viên, biên tập viên; đề xuất hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng hợp lý và mời chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động bồi dưỡng; giới thiệu những nhà báo trẻ có khả năng tham gia giảng dạy.
Tham gia thảo luận với ý kiến của cơ quan báo chí địa phương, lãnh đạo Đài phát thanh – truyền hình Hải Phòng chia sẻ, với số lượng phóng viên, biên tập viên khoảng 150 người thì Đài thường xuyên có nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nhất là trong lĩnh vực báo chí hiện đại gắn với việc đổi mới công nghệ. Ngoài cử phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp bồi dưỡng do Trung tâm tổ chức, đôi khi Đài cũng gặp khó khăn, phải tự "mày mò", tìm kiếm những giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực bồi dưỡng kiến thức báo chí để phù hợp với nhu cầu của đơn vị. Do vậy, đề nghị Trung tâm, Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm hỗ trợ các cơ quan báo chí địa phương trong đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, đào tạo theo chuyên đề để đáp ứng được ngay những kiến thức của chương trình vào với công việc.
Có ý kiến giảng viên kiêm chức của Trung tâm đề xuất, nên mở các khóa bồi dưỡng tại các vùng, miền nhiều hơn, để lãnh đạo cơ quan báo chí có điều kiện tham gia trực tiếp. Cùng với đó, cũng nên tổ chức tọa đàm, tập huấn cho các giảng viên tham gia tập huấn, có ý kiến chia sẻ trực tiếp của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các đối tác nước ngoài. Đây sẽ là dịp để không chỉ phóng viên, biên tập viên được trao đổi, chia sẻ thêm nhiều kiến thức mà lãnh đạo các cơ quan báo chí tại các địa phương, vùng miền cũng tiếp nhận thông tin thuyết phục hơn, từ đó chuẩn bị cho những sự thay đổi, nhất là đối với chuyển đổi số trong báo chí. Thêm nữa, cần lấy thực tế quy mô, mô hình chuyển đổi số cơ quan báo chí cụ thể, kể các mô hình nhỏ để chia sẻ với các cơ quan báo chí khác học tập, làm theo nhanh hơn...
Theo chia sẻ của đại diện Báo Lao Động, vấn đề bồi dưỡng kiến thức báo chí rất được Báo Lao Động quan tâm, chú trọng. Phóng viên, biên tập viên của báo sau mỗi khoá học đều phải làm báo cáo kết quả cụ thể. Tiếp đó, người đã được học sẽ là nhân tố chính chia sẻ những kiến thức, cách làm được học cho các phóng viên, biên tập viên khác để nhân lên.
Đồng tình với ý kiến này, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, quá trình làm việc khoảng 10 năm với Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), cá nhân ông đã từng đưa ra lý thuyết hình nón về bồi dưỡng kiến thức báo chí. Theo đó, trên đầu là Tổng biên tập, dưới cùng là phóng viên trẻ, mới vào nghề, ở giữa là cán bộ cấp trung (phòng, ban). Tổng biên tập thường công việc rất bận, không có nhiều thời gian, chưa kể có một số khó vượt qua được "vùng an toàn" để thay đổi, chuyển đổi công nghệ, cách làm báo hiện đại. Những người dưới cùng có thể học rất tốt nhưng khi học xong rất khó lan tỏa được cho những phóng viên khác. Cho nên cần tập trung vào lãnh đạo cấp phòng, khi đào tạo, bồi dưỡng được lớp cán bộ này có thể lan tỏa thêm ngay cho 5-10 người khác. Cần kiên nhẫn bồi dưỡng đối tượng lãnh đạo cấp phòng 1 năm vài lần, đến 5-10 năm sau, khi phát triển lên được lãnh đạo cấp ban, thì sự lan tỏa và hiệu quả lại tiếp tục lan rộng ra...Do đó, vấn đề bồi dưỡng cần tập trung vào đối tượng khác như lãnh đạo phòng, ban thay vì chỉ bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên hoặc lãnh đạo cơ quan báo chí.
Đưa ra dẫn chứng về hiệu quả của lý thuyết hình nón trên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ mô hình từ Báo Vietnamplus. Việc áp dụng vấn đề bồi dưỡng, đào tạo được diễn ra thường xuyên vào thứ 5 hàng tuần. Ban đầu, có thể có phóng viên, biên tập viên có tinh thần chưa hợp tác nhưng nếu kiên nhẫn, những kiến thức sẽ ngấm dần, làm kiên trì trong 2,5 năm đầu tiên, sau đó, thành quả đã đến. Còn nếu bỏ bê vấn đề đào tạo, bồi dưỡng hoặc thấy "hổng" đâu thì "trám" vào chỗ đó thì không hiệu quả. Vì vậy, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng kiến thức báo chí cho phóng viên, biên tập viên phải có chiến lược, cách làm bài bản, rõ ràng ngay từ đầu. Có thể mô hình toàn soạn nhỏ nhưng nếu kiên trì, làm tốt thì khi thành công nhiều tòa soạn khác sẽ học tập, làm theo.