Nâng cao nhận thức của người dân về “tín dụng đen”

Truyền thông - Ngày đăng : 09:30, 08/07/2022

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Cần nâng cao nhận thức của người dân về loại hình tín dụng này góp phần ngăn chặn các tiêu cực xã hội.

Thực trạng "tín dụng đen" nhiều bất cập

Trong thời gian qua, do tác động, ảnh hưởng bởi những biến động chính trị, kinh tế thế giới nói chung, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta gặp nhiều khó khăn: Lạm phát tăng cao; thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản và chứng khoán cũng có nhiều biến động bất thường. Thêm vào đó là những tác động từ đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội...

Tình trạng huy động vốn cho vay với lãi suất cao do người dân tự huy động không thuộc các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp "tín dụng đen" đang phát triển mạnh.

Công tác quản lý trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, từ đó kéo theo những vi phạm như: Bắt giữ người trái pháp luật, huỷ hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.

"Tín dụng đen" là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà nhà nước hoặc luật pháp quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ thuê...

Hiện nay, hoạt động "Tín dụng đen" đang diễn biến phức tạp, phát triển ở hầu khắp các tỉnh thành phố lớn của nước ta. Đặc biệt là ở các địa phương có nền kinh tế phát triển mạnh, địa bàn có đông công nhân, người lao động và sinh viên sinh sống, "tín dụng đen" còn đang len lỏi đến tận nông thôn miền núi, các vùng quê hẻo lánh gây ra nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội.

Có một số loại vay "tín dụng đen" phổ biến như: Vay tiền gộp (hay còn gọi là vay "Bát"), nghĩa là vay ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày. "Vay nóng", trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, sau đó có thể thỏa thuận gia hạn thêm. Một loại cho vay khác là cho vay mua xổ số (hay "đề đóm"), khi con nợ không có khả năng trả thì ép viết giấy nợ, tính lãi cao, sau đó ép phải chuyển nhượng nhà cửa, tài sản để trừ nợ...

Nâng cao nhận thức của người dân về “tín dụng đen” - Ảnh 1.

Các hình thức hoạt động của "tín dụng đen" càng ngày càng tinh vi, phức tạp

Hiện nay cũng xuất hiện một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động với cách tính lãi và lãi suất tương tự như các hình thức đã nêu. Lãi suất trong các trường hợp này được tính trung bình từ 146%/năm đến 547,5%/năm, cá biệt có vụ lãi suất được tính tới 1095%/năm, cao gấp nhiều lần mức lãi suất tối đa 20%/năm theo quy định của Bộ Luật dân sự.

Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như: Các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính; các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) và thường đưa ra các hình thức để thu hút vốn từ người dân như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao.

Trước sự phát triển của "tín dụng đen", sẽ đe doạ đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia; là nguyên nhân, điều kiện thúc đẩy các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tình hình an ninh, trật tự của đất nước.

Sở dĩ "tín dụng đen" phát triển mạnh là do nhu cầu khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh của nhiều cá nhân và tổ chức những năm gần đây tăng cao. Nhiều cá nhân và tổ chức cần có vốn đầu tư kinh doanh nhưng không muốn thực hiện các thủ tục cho vay khắt khe, rườm rà của hệ thống ngân hàng nhà nước. Thêm vào đó, hiểu biết của người dân về "tín dụng đen" vẫn còn nhiều hạn chế.

Làm gì để ngăn chặn những tiêu cực từ "tín dụng đen"

Thứ nhất, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, cơ quan thông tin đại chúng: Báo chí, đài phát thanh, truyền hình ... đặc biệt cần làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức như: Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng hợp pháp khác trên địa bàn quản lý tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân về các quy định, thủ tục, trình tự vay vốn tại ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng hợp pháp khác. Từ đây sẽ giúp người dân hiểu biết và nắm vững quy trình vay vốn. Nhờ đó họ có thể tự tin tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng này một cách nhanh chóng khi có nhu cầu về vốn trong đầu tư kinh doanh, không để cho họ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các khoản vay với lãi suất cao của các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng đen".

Thứ hai, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tích cực, chủ động phát hiện tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn. Trên thực tế, hoạt động vay và cho vay giữa các đối tượng "tín dụng đen" với người vay thường diễn ra nhanh chóng, kín đáo và thường chỉ bị phát hiện khi người vay đã bị mất khả năng trả nợ, các đối tượng cho vay thực hiện các hành vi để gây áp lực lên con nợ như: Gọi điện đe dọa; đổ chất bẩn, chất thải vào nhà con nợ...

Chính vì vậy, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các hành vi trên xảy ra thì quần chúng nhân dân là những người trực tiếp, thường xuyên và liên tục có mặt tại địa bàn thì mới có thể bao quát hết tình hình địa bàn và kịp thời cung cấp thông tin một cách sớm nhất giúp cho các cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng nòng cốt trên địa bàn như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, tổ dân phố... trong công tác phòng ngừa các loại tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn. Thông qua các buổi họp của các tổ chức quần chúng nói trên, tiến hành lồng ghép các nội dung tuyền truyền về tác hại của tín dụng đen trên địa bàn.

Thứ tư là cần tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người có dòng tiền nhàn rỗi lớn, có tâm lý hám lợi biết về những hệ lụy của việc huy động vốn và cho vay với lãi suất cao có thể dẫn đến các rủi ro, từ đó họ có cách quản lý và sử dụng dòng tiền hợp lý. Đồng thời, khuyên họ không giao tiền cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng đen" để chúng có thêm điều kiện thuận lợi hoạt động. Cùng với đó, đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có chính sách phát triển kinh tế phù hợp, giải quyết công ăn việc làm cho quần chúng nhân dân thất nghiệp, tránh tình trạng thiếu công ăn việc làm dẫn đến họ đi vào con đường phạm pháp trong đó có hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"./.

P.V