Bảo mật đám mây và những điều cần lưu ý

An toàn thông tin - Ngày đăng : 05:31, 06/07/2022

Sự phổ biến của các ứng dụng và phần mềm đám mây đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trong khi việc sử dụng các dịch vụ đám mây mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN) và nhân viên, nó cũng đem đến những rủi ro về an ninh mạng mới.

Khả năng đăng nhập vào các ứng dụng đám mây từ mọi địa điểm đã tạo điều kiện thuận tiện cho nhân viên cũng như cho hoạt động của các DN, tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để tội phạm mạng khai thác lỗ hổng tấn công.

Theo đó, để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của các ứng dụng và dịch vụ đám mây, các tổ chức, DN cần phải lưu ý và tránh một số sai lầm cơ bản nhằm đảm bảo chiến lược bảo mật đám mây có thể hoạt động hiệu quả, đồng thời cũng đảm bảo cho người dùng và hệ thống mạng của DN an toàn trước các cuộc tấn công mạng.

Cần có biện pháp quản lý và kiểm soát tài khoản đăng nhập

Các ứng dụng và dịch vụ đám mây cho phép người dùng truy cập tệp và dữ liệu từ mọi nơi - điều khiến chúng dễ dàng trở thành mục tiêu hàng đầu của tin tặc.

Trong nhiều trường hợp, các DN không hề nhận ra rằng tài khoản đám mây của họ đã bị tội phạm mạng xâm nhập cho đến khi quá muộn và dữ liệu đã bị đánh cắp.

Trên thực tế, việc ghi nhớ mật khẩu đối với nhiều người dùng là khá khó khăn, đó là lý do tại sao nhiều người sử dụng mật khẩu đơn giản, phổ biến hoặc sử dụng lại mật khẩu cũ. Mặc dù cách tiếp cận này làm giảm khả năng người dùng bị khóa tài khoản của họ, nhưng nó lại tạo ra một mục tiêu mở cho tin tặc xâm nhập.

Vì vậy, một trong những điều quan trọng khi sử dụng các dịch vụ đám mây là bất kỳ tài khoản đám mây nào cũng cần được bảo mật đúng cách, sử dụng mật khẩu phức tạp, duy nhất và được trang bị xác thực đa yếu tố, để trong trường hợp mật khẩu bị đánh cắp, rò rỉ hoặc bị đoán, vẫn có một rào cản bổ sung giúp ngăn chặn và hạn chế việc tài khoản bị chiếm đoạt và lạm dụng.

Ngoài ra, các tổ chức cũng nên cân nhắc việc cung cấp cho nhân viên của mình một phần mềm quản lý mật khẩu. Với phần mềm này, người dùng sẽ không còn gặp khó khăn trong việc phải nhớ mật khẩu, từ đó họ có thể tạo mật khẩu dài hơn, phức tạp hơn và ít có khả năng bị xâm phạm hơn.

Không cấp quá nhiều quyền truy cập

Các ứng dụng và dịch vụ đám mây rất tiện lợi, cung cấp cho người dùng nhiều công cụ khác nhau mà họ cần để làm việc hiệu quả và trên cùng một hệ thống.

Tuy nhiên, những người dùng khác nhau sẽ có nhu cầu truy cập khác nhau và tài khoản của một nhân viên bình thường thì không nên có quá nhiều đặc quyền truy cập. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm khi tài khoản bị đánh cắp và chiếm quyền quản trị.

Do đó, nhóm CNTT và bảo mật thông tin cần phải đảm bảo rằng các đặc quyền của quản trị viên chỉ được cài đặt sẵn cho những người thực sự cần - và bất kỳ tài khoản nào có đặc quyền của quản trị viên đều được bảo mật đúng cách; đồng thời người dùng thông thường sẽ không có quyền nâng cấp các đặc quyền của riêng họ hoặc tạo tài khoản mới. Có như vậy, tin tặc sẽ không thể truy cập và lạm dụng các tài khoản cấp cao - chẳng hạn như tạo các tài khoản bổ sung mà họ có thể sử dụng để thực hiện các hành vi xâm nhập khác.

Bảo mật đám mây và những điều cần lưu ý - Ảnh 1.

(Hình minh họa)

Không để tình trạng các ứng dụng đám mây không được giám sát, quản lý

Các tổ chức, DN có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ đám mây khác nhau, nhưng sử dụng càng nhiều ứng dụng thì càng khó quản lý. Và điều đó có thể tạo điều kiện cho tin tặc xâm nhập vào hệ thống của tổ chức một cách dễ dàng mà không bị phát hiện.

Để giải quyết vấn đề này, các DN phải có các công cụ cần thiết để theo dõi, quản lý những dịch vụ đám mây nào đang được sử dụng và ai có quyền truy cập vào chúng. Các dịch vụ đám mây dành cho DN chỉ được cung cấp cho những người dùng đang làm việc cho tổ chức. Nếu ai đó rời khỏi công ty, quyền truy cập cũng sẽ bị xóa.

Đồng thời, DN cũng cần phải đảm bảo rằng các ứng dụng đám mây không bị định cấu hình sai theo hướng các dịch vụ được mở cho tất cả mọi người và không yêu cầu đăng nhập, nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể có quyền truy cập. Quyền truy cập mở này có thể dẫn đến các cuộc tấn công brute force (sử dụng phần mềm tự động để xoay vòng các ký tự khác nhau và tìm ra mật khẩu đúng) truy cập các ứng dụng đám mây.

Theo đó, các tổ chức cần nhận thức được cách các dịch vụ đám mây của họ tương tác với web mở và chỉ những người cần các dịch vụ này mới có thể truy cập chúng.

Không bỏ qua các bản cập nhật và vá lỗi bảo mật

Tin tặc thường xuyên tìm cách khai thác các lỗ hổng đã biết trong các ứng dụng để xâm nhập và tạo nền tảng cho các cuộc tấn công mạng. Vì vậy, một trong những điều quan trọng nhất để cải thiện hệ thống an ninh mạng cho tổ chức là áp dụng các bản cập nhật và bản vá bảo mật càng sớm càng tốt.

Các DN có thể nghĩ rằng bảo mật sẽ do nhà cung cấp dịch vụ hoặc ứng dụng đám mây mà họ sử dụng đảm nhận, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Các tổ chức cần chủ động hơn trong việc cập nhật vá lỗi bảo mật cho những dịch vụ mà họ sử dụng và việc này phải được thực hiện kịp thời để đảm bảo hệ thống của họ có khả năng phòng thủ và chống lại tin tặc đang luôn sẵn sàng khai thác lỗ hổng.

Không nên dựa hoàn toàn vào đám mây để lưu trữ dữ liệu

Một trong những lợi ích chính của các ứng dụng, dịch vụ đám mây là tính sẵn có, người dùng có thể truy cập dữ liệu được lưu trữ trên đám mây từ bất cứ đâu và từ bất kỳ thiết bị nào họ đang sử dụng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa dữ liệu được lưu trữ trên đám mây là có thể truy cập được bất cứ khi nào. Trong nhiều trường hợp, hệ thống có thể gặp sự cố dẫn đến ngừng hoạt động và dữ liệu cũng có khả năng bị giả mạo bởi tin tặc.

Nếu hệ thống đám mây của DN bị tin tặc xâm nhập, dữ liệu có thể bị xóa hoặc được các băng đảng ransomware dùng để tống tiền bằng cách xóa các bản sao lưu được lưu trữ trên đám mây và yêu cầu DN trả tiền chuộc để lấy lại dữ liệu.

Cho dù một tổ chức các biện pháp kiểm soát an ninh mạng mạnh mẽ, dữ liệu cũng nên được sao lưu và lưu trữ ngoại tuyến để đề phòng những trường hợp xấu nhất xảy ra và dữ liệu trên đám mây bị mất hoặc không thể truy cập được, thì vẫn có khả năng khôi phục từ các bản sao lưu bên ngoài của DN.

Ngoài ra, DN cũng nên thực hiện việc sao lưu và kiểm tra bản sao lưu dữ liệu một cách thường xuyên để đảm bảo rằng dữ liệu luôn được an toàn và cập nhật mới nhất./.

Ánh Dương