Thừa Thiên - Huế tăng cường khả năng tiếp cận DVCTT cho người yếu thế
Chính phủ số - Ngày đăng : 08:57, 05/07/2022
Nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhóm người yếu thế
Từ tháng 11/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện Dự án "Sáng kiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 của người dân qua Cổng DVC tỉnh". Đây là một trong những dự án tiên phong tại Việt Nam áp dụng thử nghiệm phương pháp đổi mới sáng tạo, lấy người dùng làm trung tâm, với mục đích tăng cường sự tiếp cận của người dân với các DVCTT trên cổng DVC của tỉnh, đặc biệt là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các nhóm yếu thế.
Dự án đã lựa chọn nghiên cứu, khảo sát và thực nghiệm thí điểm tại Trung tâm phục vụ hành chính công 2 huyện Phong Điền, Phú Lộc và 4 xã: Phong Hòa, Điền Hải, Lộc Bổn, Vinh Hưng. Dự án cũng đã đề xuất đơn giản hóa 4 TTHC: hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội; liên thông TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng; xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật, đồng thời đề xuất nâng cấp cổng DVCTT thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế.
Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ chuyển đổi số dịch vụ y tế và hành chính công để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn từ COVID-19 tại Việt Nam" do Chính phủ Nhật Bản, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và UNDP đồng tài trợ.
Sau hơn 7 tháng triển khai, nhóm chuyên gia cùng đội ngũ kỹ thuật CNTT tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành thử nghiệm, vận hành thành công phiên bản nâng cấp cổng DVCTT với nhiều tính năng vượt trội theo hướng thuận tiện, dễ sử dụng và dễ tiếp cận hơn. Các TTHC được thực hiện thí điểm đã được rút ngắn thời gian giải quyết.
Đặc biệt, Cổng DVC còn tích hợp chức năng chuyển đổi chữ sang giọng nói trên chức năng tra cứu TTHC hỗ trợ người khiếm thị; tích hợp điều khiển giọng nói đơn giản để ra lệnh; tích hợp điều khiển giọng nói đơn giản để tìm kiếm TTHC; nâng cấp chức năng "Tìm kiếm…", giúp người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có thể dễ dàng thao tác, sử dụng để tìm kiếm/khai báo TTHC. Mặt khác, hệ thống có thể sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu và nộp hồ sơ nên thông dụng hơn; từ khóa đơn giản và không sử dụng dấu nên khi tìm dễ có kết quả hơn. Người dùng có thể sử dụng tài khoản quốc gia hoặc tài khoản Hue S. Hệ thống cũng hỗ trợ phương tiện thanh toán bằng logo các tổ chức tín dụng quen thuộc.
Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Hành chính công tỉnh, giao diện cổng DVC đã được cải tiến về giao diện với thiết kế theo hướng đơn giản hoá, hướng tới người dùng, với các thông tin được sắp xếp theo nhu cầu người dùng thay vì các loại thủ tục như trước đây, giúp người dân thuận tiện và dễ sử dụng hơn. Mặt khác, nhóm dự án cũng đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phát hiện và nhập liệu, ra lệnh bằng giọng nói để người dùng hạn chế tối đa thao tác và nhập liệu trên hệ thống. Đồng thời nghiên cứu phần mềm dành cho người khiếm thị, từ đó tối ưu các dòng code để tương thích tốt nhất với các phần mềm dành cho người khiếm thị.
Giao diện mới của cổng DVC tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 06/2022 và bước đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Phát biểu tại hội thảo "Chia sẻ kết quả Dự án Sáng kiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 của người dân" diễn ra mới đây, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, cho biết sau gần 7 tháng thực hiện, dự án đã hỗ trợ chiến lược, góp phần CCHC để hướng đến quá trình chuyển đổi số. Trong khoảng thời gian ngắn, dự án đã thành công khi lấy người dân làm trung tâm. Các TTHC thực hiện trực tuyến, không cần nhiều giấy tờ như trước.
Đánh giá về hiệu quả dự án, chuyên gia TTHC công, TS. Đặng Quang Vinh cho rằng, đây là dự án đa mục tiêu, tập trung vào cải cách TTHC để phục vụ người dân. Các hoạt động có tính bao trùm, hướng tới các đối tượng yếu thế và dịch vụ mà họ cần. Cách tiếp cận cũng thực chất, xuất phát từ người dùng.
Những nỗ lực từ chính quyền
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của CQNN và thực hiện CCHC, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh cung cấp DVCTT, tăng cường mức độ, phạm vi cung cấp DVCTT của các cơ quan, đơn vị trên bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2.247 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đều ở mức độ 2 trở lên; trong đó: cấp tỉnh: 1.735 TTHC (425 thủ tục liên thông); cấp huyện: 382 TTHC (trong đó có 61 TTHC ngành dọc, 35 thủ tục liên thông); cấp xã: 130 TTHC (17 thủ tục liên thông). Về cung cấp DVCTT, toàn tỉnh có 1790 TTHC thực hiện trực tuyến ở mức độ 3,4 (đạt 80%), trong đó: mức độ 3 là 1.295 TTHC (cấp tỉnh 686, huyện 179, xã 34, khác 2); mức độ 4 là 913 TTHC (cấp tỉnh 701, huyện 123, xã 57, khác 8).
Cấp | Tổng số | Mức độ 2 | Mức độ 3 | Mức độ 4 |
Tỉnh | 1.735 | 348 | 686 | 701 |
Huyện | 382 | 80 | 179 | 123 |
Xã | 130 | 38 | 34 | 57 |
Tình hình cung cấp DVCTT của tỉnh Thừa Thiên - Huế (Nguồn: Cổng thông tin TTHC tthc.thuathienhue.gov.vn)
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 379.398 hồ sơ TTHC (trực tuyến 85.763, chiếm tỉ lệ 22.6%; trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính 293.635). Số hồ sơ đã giải quyết 361.047 (đạt 95.2%); trong đó giải quyết trước và đúng hạn 332.299 (đạt 92 %), giải quyết quá hạn 28.748 (chiếm 8%), đang giải quyết 6.439 (trong hạn 4.082, quá hạn 2.357).
Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đã thực hiện kết nối các DVCTT với Cổng DVC quốc gia, hoàn thành cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 với tổng số 741 dịch vụ.
Với những nỗ lực trong thời gian qua, công tác CCHC của Tỉnh đã đạt được nhiều thành quả. Năm 2021, Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Tỉnh xếp thứ 4/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Chỉ số Quản trị và hành chính công cấp cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 1/63; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 8/63; Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 17/63.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những rào cản trong việc cung cấp DVCTT. Mặc dù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thu hút người dân, DN tham gia sử dụng DVCTT nhưng tỉ lệ số lượng sử dụng DVCTT vẫn còn thấp, nhiều người dân, DN chưa mặn mà với việc sử dụng DCVTT. Bên cạnh đó, phần mềm chưa đảm bảo tính chặt chẽ và sự thông suốt trong quy trình liên thông giữa các đơn vị liên quan trong phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; điều này ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các TTHC liên thông, ví dụ như: thời gian thực hiện TTHC chưa đúng theo quy định, các đơn vị chưa tham gia đầy đủ vào quy trình liên thông, chưa thể hiện đúng bản chất TTHC liên thông…)
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, để thực hiện tốt hơn nữa công tác CCHC cần nhiều giải pháp phù hợp, từ tuyên truyền, tổ chức, đến hoàn thiện hạ tầng và sự tham gia trực tiếp của chính quyền, người dân./.