Học viện Viettel xây dựng mô hình đào tạo đạt chuẩn quốc tế
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:24, 02/07/2022
Học viện Viettel: Nơi "Hội tụ tinh hoa - lan tỏa tri thức" của Viettel
Nguồn nhân lực luôn được nhìn nhận là yếu tố then chốt quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức, doanh nghiệp (DN). Hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực thường được các tổ chức, DN quan tâm hàng đầu, đặc biệt trong thời kinh tế số - khi mà mỗi tổ chức, DN phải đối mặt với nhiều thay đổi nhanh chóng, biến động bất thường, nhằm đáp ứng mục tiêu, chiến lược phát triển của mình.
Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS), sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sức mạnh cạnh tranh cốt lõi và khác biệt của mỗi tổ chức, DN sẽ phụ thuộc vào năng lực đội ngũ nhân viên để tồn tại và thích nghi hơn trên hành trình kiến tạo giá trị mới.
Theo Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2020, đến năm 2030 sẽ có khoảng 1 tỷ việc làm cần phải thay đổi về kỹ năng, có 72% công ty lựa chọn phải thay đổi kỹ năng để thích ứng với thời đại mới, nhưng chỉ có 17% công ty sẵn sàng để tạo ra các thay đổi đáp ứng được với nhu cầu. Như vậy, các tổ chức, DN phải liên tục duy trì hoạt động học tập, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ mới có thể đáp ứng sự thay đổi nêu trên.
Là đơn vị tiên phong, chủ lực làm chủ các nền tảng số để đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Chương trình CĐS quốc gia trên cả 03 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, Ban lãnh đạo Tập đoàn Viettel hiểu rõ vấn đề này và đã đầu tư rất nhiều vào đội ngũ cán bộ cũng như thế hệ lãnh đạo kế cận. Được thành lập năm 2006, Học viện Viettel được kỳ vọng sẽ góp phần không nhỏ vào những bước chuyển mình quan trọng của Tập đoàn.
Viettel có lịch sử phát triển 33 năm, từ một công ty nhỏ bé trở thành một trong những DN đóng thuế nhiều nhất Việt Nam. Trải qua những khó khăn, thành công và thất bại, văn hóa đặc biệt đã được tạo ra trong Tập đoàn mà được gọi là "Viettel gene". Viettel tin rằng văn hóa này là yếu tố chính đưa Viettel trở thành một DN thành công như ngày hôm nay. Là một cơ sở đào tạo, Học viện Viettel có trách nhiệm xây dựng, duy trì và phát triển các giá trị dựa trên ý thức cộng đồng và ý thức cộng đồng trong tổ chức. Trách nhiệm của Học viện Viettel là nâng cao thương hiệu và thương hiệu tuyển dụng của Viettel. Mặt khác, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên được Viettel coi là một ưu tiên hàng đầu và Học viện Viettel đã và đang đóng vai trò lớn trong quá trình này.
Với lịch sử 16 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ nhân sự, giảng viên/chuyên gia tại Học viện Viettel có năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các ứng dụng công nghệ trong học tập, đào tạo và phát triển (L&D) các kiến thức, kinh nghiệm về CĐS gắn với các chuyển dịch chiến lược của Viettel và đồng hành cùng với các đối tác, khách hàng của Viettel trong hành trình "Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số" ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong những năm qua Học viện Viettel đã chủ động nghiên cứu, sáng tạo đưa ra nhiều mô hình, phương pháp, cách thức, công cụ, nội dung đào tạo mang tính ứng dụng cao,... và đưa vào thực tiễn như: Mô hình tổ chức học tập trong thời kinh tế số, ứng dụng học tập By Day Learning trên di động, công cụ quản lý áp dụng kiến thức sau đào tạo (ATM), cách thức số hóa bài giảng ngắn với thời lượng dưới 10 phút,... nhằm tạo môi trường học tập, đào tạo hiệu quả đã được đánh giá tích cực bởi nhiều nhà khoa học, chủ DN thông qua nhiều hội thảo, hội nghị khoa học.
Đây thực sự là một phương pháp học tập tiện lợi vì tính linh hoạt và khả năng học hỏi mọi lúc, mọi nơi. Phương pháp học "Một ngày một bài học" dễ dàng thực hiện vì tính đơn giản và đầu tư không quá lớn, tạo điều kiện chia sẻ và truyền đạt kiến thức và hiểu biết sâu sắc trong tổ chức. Phương pháp này khuyến khích sự chủ động của người học để họ có thể áp dụng kiến thức đã học vào các hoạt động hàng ngày. Sau hơn 8 tháng triển khai tại Viettel hệ thống By Day Learning đã có gần 50.000 người tham gia học tập với hàng triệu lượt học. Nhiều tổ chức, DN đã tìm đến Học viện Viettel để học hỏi và đề xuất tư vấn, chuyển giao trong thời gian qua.
Ngoài ra, Học viện Viettel cũng đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị trong lĩnh vực L&D và CĐS như: Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai (Đào tạo và học tập trong DN hiện đại); CĐS - Nghĩ, làm, đúc rút; CĐS trong quản trị DN hiện đại; Hành trình tri thức thời kinh tế số...
Vinh danh tại giải thưởng LearningElite Award 2022
Năm 2022, Học viện Viettel lần đầu tham gia giải thưởng LearningElite Award của Tạp chí Chief Learning Officer. Giải thưởng có 17 chủ đề/tiêu chí thuộc 5 khía cạnh đánh giá khắt khe nhằm xác định các tổ chức, DN đạt tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với xu hướng L&D nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của môi trường.
Các khía cạnh đánh giá được đưa ra như: Chiến lược và cách thức thực thi chiến lược đào tạo; cam kết của lãnh đạo với hoạt động L&D; kết quả triển khai hoạt động đào tạo; tác động của các hoạt động đào tạo đến tổ chức; và tác động của các hoạt động đào tạo đến lĩnh vực L&D nói chung, nền công nghiệp và cộng đồng. Đây là những nhân tố cơ bản, bao trùm toàn bộ hoạt động L&D của một tổ chức, DN.
Trải qua 12 năm duy trì hoạt động, LearningElite Award đã nhận diện và vinh danh nhiều đơn vị xuất sắc trong lĩnh vực L&D, đại diện cho các thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu như: IBM, AT&T, Siemens, GM, DHL, Verizon, Accenture, v.v.. trong đó có những thương hiệu nhiều lần tham dự và đoạt giải hàng năm.
Tham gia giải thưởng, Học viện Viettel đã phải cung cấp và minh chứng nhiều thông tin theo 17 chủ đề/tiêu chí khắt khe, đặc biệt là phải thông qua hội đồng đánh giá với hơn 500 chuyên gia đến từ các tổ chức uy tín trên thế giới, trong đó có các Giám đốc đào tạo, các chuyên gia cao cấp với tối thiểu 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực L&D, các nhà cung cấp giải pháp L&D,...
Ngày 22/6/2022, Học viện Viettel được mời tham gia lễ Gala trực tuyến (từ Mỹ) công bố giải thưởng 2022 LearningElite Award cùng với 54 tổ chức L&D hàng đầu thế giới vào chung kết. Tại đây, Học viện Viettel đã vinh dự đoạt giải Đồng cùng các tổ chức, DN uy tín như: New York Life, DHL, Sysco Corporation, Davenport University, Acquisition Academy,… Đại diện các tổ chức đoạt giải Bạc có IBM, KPMG, Siemens,… và giải Vàng là Accenture, ADP, EcoLab,…
TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel cho biết: "Việc đăng ký tham dự giải thưởng LearningElite Award năm 2022 không chỉ là cơ hội để Học viện Viettel kiểm chứng phương thức, mô hình hoạt động, công cụ triển khai và hoạt động học tập, đào tạo tại Viettel liên quan đến chiến lược đào tạo, cam kết của tổ chức, đóng góp của hoạt động đào tạo theo chuẩn quốc tế, mà còn tạo nên sự tự tin, khích lệ cho cán bộ, nhân viên Học viện Viettel tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đến các tổ chức, DN".
Học viện Viettel đoạt giải thưởng LearningElite Award 2022 của Tạp chí Chief Learning Officer với tư cách là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đoạt giải. Điều này khẳng định hoạt động L&D của Viettel phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế mà các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đang theo đuổi, qua đó tạo sức lan tỏa tới các tổ chức, DN Việt Nam cùng học hỏi, phát triển.
Đây là lần đầu tiên sau 16 năm hoạt động và phát triển, Học viện Viettel đã tự tin tham dự một giải thưởng uy tín quốc tế về lĩnh vực L&D. Đây cũng là cơ hội để Học viện Viettel kiểm chứng mô hình, cách thức tổ chức hoạt động đào tạo của Viettel theo tiêu chuẩn thế giới và là cơ sở để lan tỏa mô hình, cách thức tổ chức đào tạo đến các tổ chức, DN trong nước và nước ngoài.
Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá giải thưởng LearningElite Award, về hoạt động L&D của Học viện Viettel, Viettel đã có chiến lược, mục tiêu đào tạo dài hạn rõ ràng về xây dựng Viettel trở thành tổ chức học tập và được lãnh đạo cam kết đồng hành, thể hiện qua việc phê duyệt các kế hoạch đào tạo hàng năm, hiện diện trong các hoạt động đào tạo và đặc biệt trực tiếp tham gia sâu vào các hoạt động đào tạo nội bộ. Chiến lược nổi bật giúp tạo ra sự khác biệt của tổ chức này là: Phát triển ứng dụng di động "Một ngày một bài học ODOL" cho phép nhân viên tạo các bài học video ngắn trên điện thoại theo lĩnh vực chuyên môn của họ và xuất bản chúng lên nền tảng di động để chia sẻ với những nhân viên khác.
Về triển khai hoạt động đào tạo, Hội đồng đánh giá cho biết các hoạt động đào tạo của Học viện Viettel được triển khai theo quy trình đảm bảo chất lượng đào tạo, từ việc đánh giá nhu cầu, tổ chức đào tạo, đến đánh giá kết quả đào tạo. Quá trình triển khai đào tạo đều được lập kế hoạch cụ thể bởi đội ngũ nhân sự làm L&D có năng lực chuyên môn cao. Trực thuộc một Tập đoàn công nghệ, Học viện Viettel đã sử dụng rất hiệu quả hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System) và ứng dụng học tập ODOL một cách triệt để nhằm hỗ trợ triển khai, theo dõi, đánh giá hiệu quả đào tạo.
Về tác động của hoạt động đào tạo, các hoạt động đào tạo của Học viện Viettel đều hướng tới việc tạo ra những tác động, đóng góp tích cực tới năng lực của đội ngũ nhân sự Viettel, hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng tổ chức học tập Viettel. Học viện Viettel đã nghiên cứu, đưa vào áp dụng một số tiêu chí đánh giá cơ bản về hiệu quả của hoạt động L&D mà nhiều nhà lãnh đạo, quản lý tổ chức, DN có thể học hỏi.
Về kết quả hoạt động đào tạo, Học viện Viettel đảm bảo bám sát mục tiêu chiến lược đào tạo đã đề ra. Các hoạt động này được triển khai linh hoạt với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị của Viettel. Đây chính là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Viettel trở thành tổ chức học tập. Yếu tố cốt lõi đã mang lại những giá trị thiết thực trong việc nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự của Tập đoàn Viettel chính là năng lực của đội ngũ làm L&D tại Học viện Viettel. Cam kết học tập tại Viettel thể hiện ở việc đảm bảo sự tham gia và gắn kết của người học tại các chương trình đào tạo được tổ chức theo quy trình rất bài bản, khoa học./.