Dịch vụ tài chính di động tăng trưởng nhờ smartphone và các công nghệ mới
Kinh tế số - Ngày đăng : 06:28, 02/07/2022
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến số lượng người dùng mới đăng ký sử dụng ví di động gia tăng. Công nghệ tiện lợi này hiện đã vượt xa công nghệ thẻ tín dụng ở các thị trường mới nổi trong khu vực, hồi sinh hệ sinh thái thanh toán.
Khái niệm về ví số đã thay đổi. Ví không còn đơn giản là một nơi lưu trữ giá trị, mà đó là phương tiện cho mọi loại hình thanh toán - và hơn thế nữa. Công nghệ ví số đã tích hợp phương thức BNPL (mua ngay trả sau), tích hợp tiền điện tử và thanh toán xuyên biên giới. Ngoài ra, ví số cũng trở thành điểm đến của các trò chơi, mua sắm và lòng trung thành, trong một số trường hợp, ví số còn là "siêu ứng dụng" hoặc siêu cửa hàng tài chính - một trung tâm kết nối tài chính.
Dù vậy, vẫn còn phải xem liệu ngành công nghiệp này có thể vượt qua những thách thức về kiếm tiền, lợi nhuận và một thị trường đông đúc đối thủ cạnh tranh hay không.
Mckinsey đã có những cuộc trò chuyện với ba nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực này là Martha Sazon của Mynt, Anthony Thomas của MoMo và Chris Yeo của Grab Financial Group. Kinh nghiệm của họ trải dài ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Dịch vụ tài chính di động tăng trưởng nhờ smartphone và các công nghệ mới
Martha Sazon, lãnh đạo của dịch vụ ví điện tử Mynt, cho biết ở Philippines, Internet đã phổ cập nhanh chóng nhờ điện thoại thông minh (smartphone). Nghĩa là, trong câu chuyện truy cập Internet, người dân Philippines đã bỏ qua máy tính và chuyển thẳng sang thiết bị di động. Điều tương tự cũng đang xảy ra với ví điện tử, vai trò của ví đã phát triển mạnh mẽ, từ mục tiêu ban đầu là chỉ để thanh toán. Mọi người đã trở nên rất sáng tạo và cá nhân hóa trong cách họ sử dụng ứng dụng. Ví điện tử được người dân sử dụng để thanh toán các loại hàng hóa, thanh toán hóa đơn và có quyền truy cập vào tín dụng hoặc khoản vay, đặc biệt là trong COVID-19.
Trong khi đó, Chris Yeo của Grab Financial Group cho biết tương lai ví điện tử rất lạc quan tại khu vực Đông Nam Á - nơi có hơn 600 triệu người tiêu dùng trẻ mới nổi, song nơi đây đang gặp những vấn đề về cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Hơn 6/10 người dân Đông Nam Á vẫn không có ngân hàng và chỉ có khoảng 17% giao dịch không dùng tiền mặt. Vì vậy, ví điện tử có rất nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
Thanh toán số được cho là đóng vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa các dịch vụ tài chính, đặc biệt là ở khu vực ưu tiên thiết bị di động như Đông Nam Á. Bằng cách tích cực hợp tác với các chính phủ, cơ quan quản lý và các đối tác cùng chí hướng khác, Chris Yeo cho biết Grab Financial Group có thể đẩy nhanh việc chấp nhận thanh toán trên toàn khu vực và sẽ tiếp tục phương pháp này để cung cấp các tùy chọn thanh toán liền mạch, linh hoạt và bổ ích cho tất cả mọi người.
Sự phổ biến của smartphone và các công nghệ mới như AI, IoT, dữ liệu lớn … đã thúc đẩy các dịch vụ tài chính di động (MFS) mở rộng ra ngoài ví điện tử (eWallet) cơ bản, chuyển sang xây dựng một hệ sinh thái và tài chính vi mô.
MFS đang mở rộng nhanh hơn nhiều trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), ngành công nghiệp này mất 10 năm (từ 2006 - 2016) để đạt được 100 triệu người dùng hoạt động, tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, nó đã đạt 346 triệu người dùng hoạt động. Quy mô thị trường sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2025. Thời điểm hiện tại được xem là cơ hội vàng mà các nhà khai thác MFS có thể nắm bắt để mở rộng quy mô kinh doanh fintech của họ.
Mua ngay, trả sau: dịch vụ nhiều tiềm năng phát triển
Nhiều người xem xu hướng “Mua ngay, trả sau”, là một công cụ tiềm năng sẽ thay đổi cuộc chơi đối với tài chính tiêu dùng. Anthony Thomas cho biết BNPL đang tăng lên đáng kể ở khắp mọi nơi. Các công ty thương mại điện tử và ngân hàng đều đang đón nhận xu hướng này. Ông dự đoán sẽ có 20 - 30% giao dịch thanh toán được thực hiện trên cơ sở BNPL.
Martha Sazon của dịch vụ Mynt cho rằng BNPL sẽ đẩy nhanh các dịch vụ tài chính và tiêu dùng. Nó rất phù hợp với nhiều nhu cầu vay của người dân và cung cấp một giải pháp dễ dàng, linh hoạt, dễ tiếp cận cho nhu cầu sử dụng tiền mặt, đặc biệt là đối với những người yếu thế, thường không tiếp cận các dịch vụ tín dụng. Chẳng hạn nhiều người Philippines buộc phải vay từ những người cho vay không chính thức - còn gọi là những kẻ cho vay nặng lãi - và có quá nhiều rào cản nếu họ muốn vay vốn từ các ngân hàng truyền thống. Vì thế, trong xu thế thanh toán không tiền mặt, BNPL sẽ là người thay đổi cuộc chơi.
Chris Yeo, lãnh đạo của tập đoàn tài chính Grab cũng cho rằng BNPL là một cách thuận tiện để tăng khả năng chi tiêu và là một công cụ tuyệt vời để người tiêu dùng đi trước thẻ tín dụng. 9/10 khách hàng ở Đông Nam Á không có thẻ tín dụng. BNPL mang đến cho họ khả năng quản lý rủi ro.
“Điều quan trọng là đảm bảo sự phát triển để nó mang lại lợi ích cho mọi người theo cách có trách nhiệm, cân bằng giữa đổi mới và bảo vệ. Tất cả những phần này phải kết hợp với nhau để khai mở không gian BNPL và chúng tôi nghĩ rằng BNPL sẽ ngày càng phát triển”, Chris Yeo nói.
Đại dịch COVID-19 thúc đẩy thanh toán số trên toàn cầu
Trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng thanh toán số mạnh mẽ, trong bối cảnh các dịch vụ tài chính mở rộng. Theo cơ sở dữ liệu Global Findex 2021, tính đến năm 2021, 76% người trưởng thành trên toàn cầu hiện có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tài chính khác hoặc với nhà cung cấp tiền di động, tăng từ 68% vào năm 2017 và 51% vào năm 2011. Điều quan trọng là, tốc độ tăng sở hữu tài khoản được phân bổ đồng đều trên nhiều quốc gia. Trong khi trong các cuộc khảo sát trước của Findex trong thập kỷ qua, phần lớn sự tăng trưởng tập trung ở Ấn Độ và Trung Quốc, cuộc khảo sát năm nay cho thấy tỷ lệ sở hữu tài khoản đã tăng hai con số ở 34 quốc gia kể từ năm 2017.
Đại dịch cũng đã thúc đẩy xu hướng thanh toán số. Ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, hơn 40% người trưởng thành đã thực hiện thanh toán tại cửa hàng hoặc thanh toán trực tuyến bằng thẻ, điện thoại hoặc Internet. Điều này cũng đúng với hơn 1/3 số người trưởng thành ở tất cả các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, những người thanh toán hóa đơn điện nước trực tiếp từ một tài khoản ví điện tử. Tại Ấn Độ, hơn 80 triệu người trưởng thành đã thực hiện thanh toán số đầu tiên sau khi bắt đầu đại dịch, trong khi ở Trung Quốc, con số đó là hơn 100 triệu người.
Chủ tịch World Bank Group David Malpass cho biết: “Cuộc cách mạng số đã thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính trên toàn thế giới, thay đổi cách thức mọi người thực hiện và nhận thanh toán, đi vay và tiết kiệm”. Theo lãnh đạo World Bank Group, tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi, thúc đẩy số hóa thanh toán và mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận các tài khoản chính thức và dịch vụ tài chính là những chính sách ưu tiên nhằm giảm khoảng cách số trong tài chính./.