Nếu tìm đúng "long mạch", cơ hội cho startup OHIO là rất lớn

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:06, 27/06/2022

Với lời hứa tìm được "long mạch", startup OHIO đã "chốt deal" với Shark Bình ở mức 100.000 USD cho 30% cổ phần. Mặc dù startup Propzy vừa mới tuyên bố giải thể nhưng thị trường công nghệ bất động sản (proptech) còn đang rất nóng và tiềm năng do chưa có startup nào dẫn đầu thị trường nên OHIO hoàn toàn có cơ hội trong lĩnh vực này.

Startup "Uber trong ngành bất động sản" chọn vị "cá mập" đọc được "nỗi đau" của mình

Đến với Shark Tank tập mới nhất, theo Đậu Ngọc Hà Dương, đồng sáng lập và điều hành OHIO, đây là "nền tảng Uber" trong ngành bất động sản (BĐS). Hiện OHIO có rất nhiều dự án sơ cấp về BĐS và kết nối với các môi giới tự do (agent) để họ có thể dễ dàng tham gia bán hàng và tạo ra thu nhập. Người dùng là các nhà môi giới có thể truy cập danh sách dự án và xem tất cả thông tin dự án đang có trên OHIO. Khi đó, nếu nhà môi giới có khách hàng quan tâm thì có thể giới thiệu cho khách hàng; nếu khách hàng đồng ý mua thì sẽ đặt cọc trực tuyến trên ứng dụng này.

Hà Dương cũng chia sẻ thêm, mô hình OHIO định vị là B2A (Business to Agents), lấy môi giới làm trung tâm. Anh mong muốn tạo nên một nền tảng số một dành riêng cho môi giới Việt Nam. Vì vậy anh đến với Shark Tank và kêu gọi các Shark cùng đồng hành với con số 100.000 USD đổi lấy 10% cổ phần công ty.

Trả lời các câu hỏi của Shark Hưng về mô hình cũng như số lượng giao dịch trên ứng dụng, Hà Dương cho biết mình bắt đầu làm từ tháng 1/2021 và đã có 60 giao dịch thành công trong năm vừa qua. OHIO định vị mình là nền tảng trung gian cung cấp dịch vụ cho agency và các agent khác. Hiện OHIO có hơn 20 sàn F1 đang làm việc cùng và có số lượng người dùng là gần 2.000 môi giới tự do. Nền tảng này được tạo ra cho môi giới tham gia và không mở ra cho khách hàng tham gia vào. OHIO cũng xây dựng "giỏ hàng" liên kết với rất nhiều đơn vị phân phối chính thức để giúp cho môi giới có được nguồn hàng đa dạng.

Hà Dương cho biết doanh thu năm ngoái của OHIO là 5,9 tỷ tiền hoa hồng môi giới. Cũng trong năm ngoái, OHIO trả cho các agent là 75%-80%, năm nay giảm xuống còn từ 70%-75%. Trước đây doanh nghiệp lỗ khoảng 100 triệu 1 tháng, nhưng tháng 4 vừa rồi đã hòa vốn.

Shark Bình cho biết mô hình liên kết (affiliate) mà startup đang làm có một nguy cơ rất lớn là khi doanh thu bắt đầu tăng, các công ty môi giới sẽ phát triển các ứng dụng tương tự mà không tiếp tục thông qua nền tảng của OHIO. Vì vậy mô hình của OHIO rất khó, có khả năng bị loại bỏ bởi các công ty môi giới. Tuy nhiên Shark Bình đã có ý tưởng cho OHIO có "long mạch" riêng, và để biết được "long mạch" đó là gì, Shark Bình sẽ đồng hành cùng OHIO bằng cách đầu tư 100.000 USD đổi lấy 33% cổ phần.

Đồng tình với nhận định của Shark Bình, Shark Hưng phân tích startup không nắm được các agent vì họ không có lý do để ràng buộc chặt chẽ với nền tảng này. Là Phó chủ tịch của Cen Land và Chủ tịch của nền tảng Cenhomes.vn, Shark Hưng cho biết Cen Land có khoảng gần 700 dự án đang được niêm yết, 3 vạn agent đang làm việc trên hệ thống, mỗi năm có hàng vạn giao dịch BĐS cả trực tuyến và trực tiếp.

Tuy nhiên các giao dịch trực tuyến chỉ chiếm 10% là đã rất tốt rồi. Thế nên với những gì mà Hà Dương chia sẻ, Shark Hưng đánh giá startup gần như rất "ngây thơ" trong lĩnh vực môi giới BĐS. Nhưng là người đi lên từ công nghệ và thích áp dụng công nghệ trong lĩnh vực BĐS, Shark Hưng tin cả hai sẽ có cùng tiếng nói với nhau. Vì vậy ông đề nghị đầu tư 100.000 USD đổi lấy 36% cổ phần của OHIO.

Sau khi phân tích và suy nghĩ, startup xin phép chốt với Shark Bình con số 100.000 USD cho 20% cổ phần, tuy nhiên không nhận được sự đồng ý của vị "cá mập công nghệ". Sau cùng, cả hai đồng ý với mức 100.000 USD cho 30% cổ phần và Shark Bình sẽ tư vấn và bàn bạc thêm với đội ngũ sáng lập về việc thay đổi định hướng để "trở thành một nhà môi giới trên nền công nghệ thực sự khác biệt và có giá trị để tồn tại".

Sau khi nhận được cam kết đầu tư của Shark Bình, Hà Dương hào hứng chia sẻ anh sẽ cùng Shark Bình lên kế hoạch để phát triển đột phá trong năm nay vì "mục tiêu năm nay của mình là phải lên tới 50.000 người dùng và tăng trưởng gấp 5 lần so với 2021".

Nếu tìm đúng

Ra đời, từ tháng 1/2021, OHIO đã có 60 giao dịch thành công trong năm vừa qua.

Thị trường proptech còn rất nhiều tiềm năng và chưa có người chiến thắng

Đánh giá về OHIO, CEO Opla CRM Nam Nguyễn, startup này là nền tảng (platform) giúp kết nối "giỏ hàng" là các chủ đầu tư, sàn F1.. với môi giới tự do. Các môi giới lấy "hàng", bán thành công sẽ chia lại một khoản hoa hồng cho nền tảng OHIO tương tự Uber.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, có một vấn đề lớn khi ngành BĐS này rất phức tạp do mối quan hệ chồng chéo, nhạy cảm và lỏng lẻo giữa các chủ thể như chủ đầu tư, sàn, môi giới, nền tảng, khách hàng nên mô hình của OHIO cần thêm thời gian để hoàn thiện. Mặc dù vậy, khả năng mở rộng quy mô (scale up) của OHIO là tiềm năng, đặc biệt là khi họ chuyển được nhóm môi giới khác nhưng có tập khách hàng rất tiềm năng như bảo hiểm, chứng khoán, xe hơi… cùng hợp tác trên nền tảng này, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi thu nhập.

Nhận xét về thị trường proptech, theo ông Nam, lĩnh vực này còn đang ở giai đoạn mới phát triển, đặc biệt thị trường BĐS ở Việt Nam cũng chưa có nhiều tiêu chuẩn để định hướng. Do đó, các startup proptech phải chuẩn bị nguồn vốn lớn, lâu dài để cùng lúc giải nhiều bài toán của khách hàng (như Propzy) hoặc phải tự tìm một hướng đi ngách (như OHIO).

Bên cạnh đó, các startup trong ngành này cũng gặp những khó khăn nhất định. Do sản phẩm BĐS có giá trị lớn, dẫn đến khâu bán hàng mất rất nhiều thời gian, do việc ra quyết định lâu và có nhiều nhân tố tham gia vào quá trình này như xã hội, chủ đầu tư, môi giới, người thân, bạn bè… Vì vậy, startup proptech vừa phải am hiểu kỹ về cách bán hàng của lĩnh vực BĐS, vừa phải có tư duy công nghệ để hỗ trợ cho quá trình này.

Tuy nhiên, thuận lợi là lợi nhuận thu về của lĩnh vực này là rất lớn, khi mà một giao dịch BĐS thành công có thể mang lại doanh thu hàng chục tỷ cho nhà đầu tư và hoa hồng môi giới hàng trăm triệu. Ngoài ra, do đặc tính của người Việt Nam là thích đầu tư vào BĐS hơn các lĩnh vực khác như chứng khoán, tiền ảo… nên dư địa tăng trưởng của ngành là cực kì lớn.

Thuận lợi khác là việc thị trường proptech có rất nhiều startup tham gia nhưng chưa ai thực sự dẫn đầu nên vẫn còn nhiều "đại dương xanh" cho các startup mới như OHIO nếu công ty đó giải được bài toán ngách của thị trường, thì giá trị thu về còn rất lớn.

Về lời khuyên cho các startup trong lĩnh vực BĐS, nhất là trong bối cảnh Propzy mới giải thể, ông Nam cho rằng, câu chuyện của startup này trong thời gian qua chỉ là bước điều chỉnh mô hình, không phải là một bước lùi. Khi mà ngành BĐS vẫn còn đang rất nóng và tiềm năng do chưa có startup nào dẫn đầu thị trường. Vì vậy, các startup như OHIO hãy cứ mạnh dạn dấn thân vì rủi ro càng cao thì lợi nhuận sẽ càng lớn. Các nhà sáng lập của các startup phải thật hiểu rõ ngành, vì góc nhìn từ bên ngoài và sự thực bên trong của lĩnh vực này rất khác nhau.

"Chính vì vậy, các startup proptech phải cực kì linh hoạt trong mô hình và cách thức hoạt động, để khi thị trường, xu hướng thay đổi có thể thích ứng được ngay", ông Nam bày tỏ.

Cũng theo CEO Opla CRM, do OHIO sẽ cần kết nối với chủ đầu tư, sàn, môi giới và khách hàng cuối nên hệ sinh thái của Shark Bình khó hỗ trợ tốt cho startup này vì không có thế mạnh ngành BĐS. "Dù không đánh giá cao sự hỗ trợ của Shark Bình, nhưng mọi việc còn ở phía trước, khi mà kinh nghiệm xây dựng nền tảng của Chủ tịch NextTech sẽ giúp OHIO hoàn thiện mô hình và có cơ hội khai thông long mạch", ông Nam kết luận./.

Nguyễn Khiêm