Startup Campuchia theo đuổi công nghệ sạch để giảm thiểu biến đổi khí hậu

Quốc tế - Ngày đăng : 11:26, 26/06/2022

Khi những tác động của khí hậu đe dọa làm giảm 10% GDP của đất nước vào năm 2050, các công ty khởi nghiệp (startup) Campuchia đang đẩy mạnh phát triển các giải pháp khuyến khích phát triển bền vững.

Campuchia đang trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng và đô thị hóa hàng loạt. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế của đất nước này dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là việc quốc gia này đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu gốc carbon, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí và nước, đồng thời tài nguyên thiên nhiên đang bị cạn kiệt ở mức báo động.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết vì Campuchia dễ bị tổn thương về mặt địa lý trước các cú sốc môi trường, đất nước này đang tiến gần hơn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Campuchia xếp hạng thứ 140 trong số 181 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số Sáng kiến Thích ứng toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) năm 2020 của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), đo lường mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu, với điểm số thấp hơn có nghĩa là khả năng phục hồi yếu hơn.

Theo Nhóm Ngân hàng thế giới, tình trạng môi trường của Campuchia đặc biệt đáng lo ngại vì 76% dân số của nước này sống ở các vùng nông thôn. Các yếu tố gây áp lực đến môi trường, khí hậu một cách không cân xứng ảnh hưởng đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và gây mất ổn định sinh kế truyền thống. Và trẻ em được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khuyến cáo là đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao do tác động của khủng hoảng khí hậu.

Lần đầu tiên, UNICEF xếp hạng các quốc gia dựa trên mức độ phơi nhiễm của trẻ em và mức độ dễ bị tổn thương trước các cú sốc khí hậu và môi trường, trong đó trẻ em Campuchia được xếp hạng dễ bị tổn thương thứ 46 trên thế giới trong số 163 quốc gia.

Với thực trạng đó, các startup trong nước đang theo đuổi các giải pháp bền vững cho những vấn đề này, từ xử lý nước thải và tái chế nhựa đến phát triển hệ thống phân phối cho năng lượng tái tạo. Các chiến lược của những startup này được coi là các bước để mang lại cho Campuchia một tương lai bền vững hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, Suy Sem cũng khẳng định nước này cam kết khuyến khích phát triển và sử dụng công nghệ sạch, đồng thời "mang đến một tương lai năng lượng bền vững và hợp lý hơn bằng cách giảm lượng khí thải carbon và giảm thiểu biến đổi khí hậu".

Startup Campuchia theo đuổi công nghệ sạch để giảm thiểu biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Việc người dân không được tiếp cận với nước sạch và xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn đang trở thành mối quan tâm lớn của chính phủ Campuchia. (Hình minh họa)

Bảo vệ nguồn cung cấp nước của Campuchia

Việc người dân không được tiếp cận với nước sạch và xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn đang trở thành mối quan tâm lớn của chính phủ Campuchia. Cùng với đó, người dân nói chung và các công ty vẫn chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải bảo tồn tài nguyên nước của đất nước hoặc không cam kết quản lý nước thải an toàn.

Theo một báo cáo năm 2020 của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), 80% nước thải của Phnompenh được xả trực tiếp từ hệ thống thoát nước thải vào hồ Boeung Choeung Ek. Khi mưa lớn, lũ lụt xảy ra, nước thải chảy thẳng vào các khu vực trũng thấp. Hơn nữa, chỉ có khoảng 20% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Được thành lập vào năm 2018, SUdrain - một startup của Campuchia đã cung cấp một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để quản lý nước thải. Sự đổi mới này được phát triển dưới dạng một bộ lọc sinh học thân thiện với môi trường được tạo ra từ vỏ dừa.

Bộ lọc sinh học này có thể được lắp đặt trong các đường ống dẫn nước thải, và có tác dụng tái chế nước thải thành nước sạch, sau đó có thể được sử dụng để tưới tiêu cho cây trồng. Màng sinh học có thể bị phá hủy và biến thành phân bón sau 3-5 năm sử dụng.

Với giải pháp này của SUdrain, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất hoặc nông nghiệp có thể sử để lọc nước thải giúp giảm thiểu tác động đến môi trường.

Giải pháp về nhiên liệu và năng lượng tái tạo

Theo Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, năm 2020, 60% nguồn cung cấp năng lượng của Campuchia là các nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ. Đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khí phát thải nhà kính và làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu, trong khi ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim và ung thư phổi.

Để giải quyết các vấn đề về nhiên liệu và năng lượng tái tạo, startup công nghệ Okra Solar có trụ sở tại Phnom Penh đã giới thiệu một giải pháp thay thế xanh hơn cho các nguồn năng lượng.

Được thành lập vào năm 2016, công ty đã phát triển một giải pháp kết hợp các tấm pin mặt trời với phần cứng IoT và phần mềm AI, hình thành các "lưới điện" có thể cung cấp điện cho các cụm tòa nhà.

Không giống như lưới điện nhỏ dựa vào nguồn điện trung tâm, lưới điện này linh hoạt và phân phối năng lượng đồng đều bất kể khoảng cách từ các tấm pin mặt trời.

Các tấm pin của Okra có thể được lắp đặt trên các mái nhà ở các vùng nông thôn tạo ra các mạng cục bộ chia sẻ năng lượng mặt trời. Các ngôi nhà được kết nối với nhau bằng cáp điện áp thấp, và các thuật toán sẽ phân phối nguồn điện đến những nơi cần thiết nhất. Lưới điện cung cấp 1,2kW cho mỗi hộ gia đình, dễ dàng đáp ứng nguồn năng lượng cho đèn chiếu sáng và các thiết bị gia dụng. Về cơ bản, Okra cung cấp phân phối điện chi phí thấp cho các mạng dân cư.

Công ty chủ yếu hoạt động theo mô hình B2B, cung cấp bộ dụng cụ cho các công ty năng lượng; đồng thời cũng cung cấp một nền tảng SaaS được gọi là Okra Harvest - một công cụ quản lý và tự động hóa dữ liệu.

Một công ty khác cũng khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo là startup ATEC có trụ sở tại Campuchia.

Phần lớn các gia đình ở nông thôn vẫn sử dụng sinh khối để đun nấu, và ATEC đang hỗ trợ việc chuyển đổi sang các nhà bếp hiện đại và tiết kiệm năng lượng.

Bể ủ sinh học của ATEC chuyển đổi phân gia súc và chất thải nhà bếp thành khí mêtan để nấu ăn, sản xuất phân hữu cơ như một sản phẩm phụ. Những bể ủ sinh học này giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm sử dụng phân bón hóa học và giữ cho nhà bếp không có muội than và khói gỗ độc hại.

ATEC cho biết bể ủ sinh học của họ đã sản xuất hơn 552,8 triệu lít khí sinh học (nhiên liệu dạng khí), 28.400 tấn phân bón hữu cơ kể từ năm 2015.

Đẩy mạnh tái chế chất thải nhựa

Theo Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), 10 triệu túi nhựa được sử dụng ở Phnompenh mỗi ngày. Chúng thường bị vứt bỏ chỉ sau 1 lần dùng, những bao tải nhựa này được đổ ra bãi rác hoặc xuống biển và chúng phải mất tới 1.000 năm để phân hủy.

Với sứ mệnh giảm thiểu việc sử dụng nhựa, Cleanbodia - công ty chuyên cung cấp các giải pháp sáng tạo và đổi mới để giúp giảm thiểu rác thải ở Campuchia đã sản xuất loại túi phân hủy sinh học làm từ tinh bột sắn, chắc chắn như túi nhựa.

Túi của Cleanbodia là lựa chọn thay thế xanh hơn, có thể phân hủy trong nước hoặc đất trong thời gian chưa đến 5 năm. Cleanbodia cũng sản xuất túi ủ từ tinh bột sắn trộn với polyme phân hủy sinh học. Sau khi được chôn, túi chuyển đổi thành sinh khối có thể được sử dụng trong trồng trọt.

Người sáng lập Cleanbodia, Kai Kuramoto, cho biết mục tiêu chính của công ty ông không phải là thay thế túi nhựa mà là giảm mạnh sự phụ thuộc vào các sản phẩm gây hại cho môi trường.

Tương tự, Eco-Plastic là một startup của Campuchia được thành lập để giải quyết vấn đề rác thải của quốc gia này. Eco-Plastic đã nghiên cứu và tạo ra loại bê tông nhựa dẻo (PAC), một loại vật liệu bền được làm từ sự kết hợp của phế liệu nhựa và bitum, một hỗn hợp hữu cơ màu đen được sử dụng để lát đường. Loại vật liệu xây dựng đường do PAC sản xuất có giá cả phải chăng và chắc chắn hơn so với bê tông nhựa truyền thống.

Mặc dù tầm quan trọng của công nghệ xanh và tài nguyên tái tạo đang trở thành mối quan tâm lớn ở Campuchia, tuy nhiên, bối cảnh khởi nghiệp của đất nước này vẫn còn mới và chỉ tập trung trong nước. Nguồn vốn cho các khoản đầu tư vẫn còn hạn chế. Các nhà sáng lập khởi nghiệp thường dựa vào mạng lưới cá nhân và các khoản tài trợ công cho các dự án mới.

Trong tương lai một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh cần được phát triển và ưu tiên hơn nữa để có thể tạo ra một nền kinh tế Campuchia có khả năng phục hồi, bền vững và đa dạng hóa./.

Tâm An