Long An xác định 2022 là năm tạo bước ngoặt chiến lược về chuyển đổi số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:45, 24/06/2022

Với mục tiêu xây dựng vững chắc chính quyền số, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, triển khai toàn diện xã hội số trên địa bàn tỉnh, tỉnh Long An đã nỗ lực hành động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Vừa qua, Long An đã chính thức ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở của tỉnh Long An. Tại lễ ra mắt, ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã nhấn mạnh việc xây dựng hoàn thiện Trung tâm IOC, kho cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung là một quá trình lâu dài, gắn liền với công cuộc chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, đồng bộ trên cả 03 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 

Mục tiêu này đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm, sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp (DN) công nghệ số cùng đồng hành với chính quyền tỉnh. 

Trung tâm IOC Long An được đặt tại Khối nhà Cơ quan 4 với diện tích khoảng 265m2, là nơi hội tụ và hiển thị lượng thông tin tổng hợp chỉ đạo, điều hành của toàn tỉnh. Trung tâm giúp giám sát, điều hành các hoạt động dịch vụ đô thị thông minh, thực hiện thu thập và xử lý thông tin các hệ thống chuyên ngành; phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan và hỗ trợ công tác quản lý, điều hành bảo đảm thống nhất, hiệu quả. 

Ông Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Sở TT&TT Long An, cho biết đến nay nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã vận hành và tích cực phối hợp các bộ ngành, các sở ngành để triển khai các giải pháp kết nối, liên thông dữ liệu.

“Đến nay, công tác triển khai kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia đã được các Bộ ngành thực hiện để phục vụ công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, DN trên địa bàn tỉnh”, ông Luân nói. 

Cho đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được tỉnh triển khai đồng bộ cho 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã, đảm bảo gửi nhận liên thông 4 cấp, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan đạt 100%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số đạt 99,81%. Phần mềm một cửa điện tử cũng được triển khai đồng bộ toàn tỉnh, phục vụ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh cung cấp 1.510 DVCTT mức độ 4 (đạt 81,4%), duy trì 100% dịch vụ công đủ điều kiện theo quy định được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Trong quý 1/2022, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số DVCTT 3, 4 có phát sinh hồ sơ đạt 49,84%; có 55.450 hồ sơ nộp trực tuyến, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các nền tảng “Long An Số”, “Long An ID” 

Để từng bước hoàn thiện, phát huy hiệu quả của Trung tâm IOC và kho cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh, Long An sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số như “Long An Số”, “Long An ID”, các kênh tương tác khác trên môi trường số của tỉnh, như Cổng thông tin 1022, Tổng đài 1022, Cổng dữ liệu mở của tỉnh để người dân, doanh nghiệp nắm bắt sử dụng, tương tác với chính quyền.

Nền tảng số “Long An Số” là kênh tương tác chủ yếu giữa người dân với chính quyền, qua đó các cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân thông qua IOC. Trong khi đó, ứng dụng “Long An ID” là ứng dụng di động lấy người lao động là chủ thể trọng tâm. Ứng dụng được phát triển hướng tới một kênh kết nối giữa người lao động, DN và chính quyền. Ứng dụng là nơi định danh được người sử dụng, cung cấp các thông tin về hành chính công, việc làm, nhà ở…, đồng thời là cầu nối quan trọng trong việc giao tiếp giữa người lao động với các đơn vị tuyển dụng.

Để nền tảng xã hội số Long An ID phát huy hiệu quả, thêm tiện ích hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trên môi trường số, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các thành viên Tổ công tác triển khai nền tảng số Long An ID phối hợp rà soát, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công để đảm bảo kế hoạch, lộ trình triển khai và đưa vào vận hành. 

Long An đã xác định năm 2022 là “Năm hành động, tạo bước ngoặt chiến lược về CĐS”. Thực hiện Kế hoạch năm 2022, UBND tỉnh Long An đã xác định chỉ tiêu về tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến trong năm phấn đấu đạt 50%. 

Kể từ ngày 05/5/2022, các cơ quan, đơn vị chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên DVCTT (đối với các thủ tục hành chính đã được công bố đủ điều kiện thực hiện DVCTT mức độ 4). Trường hợp cá nhân, tổ chức đến trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, bộ phận 01 cửa cấp xã thì cán bộ tiếp nhận tạo lập tài khoản cho cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ để thực hiện trên Cổng DVCTT và hướng dẫn thực hiện nộp trực tuyến cho những lần nộp tiếp theo. 

Long An xác định 2022 là năm tạo bước ngoặt chiến lược về chuyển đổi số - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Sở TT&TT tỉnh Long An làm việc tại huyện Cần Giuộc về công tác CĐS

Long An hiện đang triển khai thí điểm CĐS  toàn diện cấp xã tại 3 địa phương, là xã Dương Xuân Hội - Châu Thành, thị trấn Cần Giuộc - huyện Cần Giuộc, Phường 4 - TP Tân An. Mới đây, đoàn công tác của Sở TT&TT tỉnh Long An đã có cuộc làm việc tại huyện Cần Giuộc về công tác CĐS. 

Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Bá Luân, việc thí điểm mô hình CĐS cấp xã, thúc đẩy CĐS để chính quyền xã tăng cường tương tác với người dân, giúp người dân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, đặc trưng của địa phương trên môi trường số. Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm thực hiện thí điểm, tỉnh sẽ triển khai nhân rộng đến 188 xã/phường/thị trấn trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt Chương trình CĐS tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2022)

Đỗ Thêu