ĐBSCL tích cực xây dựng hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Truyền thông - Ngày đăng : 15:44, 23/06/2022

"Đồng bằng sông Cửu Long sẽ “cất cánh” khi quy hoạch tốt hệ thống kết cấu hạ tầng"

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 vừa mới diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long chính là phát triển hạ tầng trong giai đoạn tới. Thủ tướng yêu cầu cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic

Hệ thống logistics còn thiếu liên kết và đồng bộ đang là "điểm nghẽn" trong phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để tháo gỡ "nút thắt" này, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đang được Chính phủ tập trung đầu tư.

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, hiện nay hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ tại ĐBSCL chiếm đến 80%, chủ yếu đến các cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu. Trong những năm qua, hạ tầng đường bộ được xem là "điểm nghẽn" kìm hãm sự phát triển của vùng.

Trong 7 tuyến cao tốc được quy hoạch tại ĐBSCL, các tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Vàm Cống - Rạch Sỏi, Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dù góp phần không nhỏ trong việc giảm thời gian từ Cần Thơ đi Kiên Giang, nhưng chưa giải quyết được bài toán căn bản về giao thông cho vùng ĐBSCL, mà cụ thể là giảm ách tắc do quá tải cho Quốc lộ 1.

Ngoài "nút thắt" giao thông đường bộ, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng việc khai thác hệ thống giao thông đường thủy ở ĐBSCL vẫn chưa phát huy hiệu quả. Cụ thể, ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2% - 3% tổng ngân sách đầu tư giao thông trong giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 - 2020.

Do đó, dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển với hệ thống sông ngòi chằng chịt, với tổng chiều dài gần 28.000 km, nhưng hiện vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.

Mặt khác, kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), tuyến đường thủy độc đạo nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL, thời gian qua cũng bị bồi lắng, chưa được đầu tư nạo vét kịp thời đã ảnh hưởng đến việc vận tải hàng hóa. Dù Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đã được khởi công, nhưng tiến độ triển khai vẫn còn chậm nên chưa thể phát huy hết hiệu quả, tạo thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông.

Theo đánh giá của của một số chuyên gia, "điểm nghẽn" lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng. Chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại ĐBSCL.

Cụ thể, chi phí logistics tại ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân chính của "điểm nghẽn" này được các chuyên gia đánh giá là do hệ thống logistics tại ĐBSCL còn thiếu liên kết và đồng bộ, trong đó hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.

Trên thực tế, phát triển hệ thống logistics ĐBSCL là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam nói chung và sự phát triển bền vững cho nông sản ĐBSCL nói riêng.

ĐBSCL hiện đang triển khai đồng loạt trên 400 km đường cao tốc. Trong thời gian tới, Chính phủ và các địa phương phải tập trung rất cao để phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành thêm khoảng 400 km đường cao tốc nữa với nguồn vốn trên 100.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2022, sẽ khởi công tuyến đường cao tốc từ Cần Thơ về Cà Mau và phấn đấu đến tháng 6/2023 khởi công tuyến cao tốc từ Châu Đốc về Trần Đề. Cả 2 tuyến đường này sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn để tạo ra động lực mới, không gian mới để phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Và để hoàn thiện chuỗi logistics khu vực ĐBSCL, cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các doanh nghiệp logistics lớn đủ tiềm lực. Điều này nhằm khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí.

Hiện nay, TP. Cần Thơ, tỉnh Long An, Hậu Giang đang quy hoạch các trung tâm logistics tại từng địa phương. Tuy nhiên, cần đảm bảo tính kết nối của các trung tâm này với nhau và với trung tâm logistics TP. Hồ Chí Minh.

Đặc điểm của ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn còn hạn chế. Do đó, những dịch vụ logistics rất quan trọng mà người sản xuất ở vùng này cần đến là dịch vụ về cung ứng đầu vào, dịch vụ tư vấn kế hoạch thu hoạch, phân phối, marketing… Phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng, nắm bắt nhu cầu khách hàng để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics là xu hướng phát triển hiện nay, đặc biệt là nhờ công nghệ dữ liệu lớn cho phép tối ưu hóa từng quá trình logistics.

ĐBSCL cần thiết lập mạng lưới trung tâm phân phối nhiều cấp trong các đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm. Để phát triển logistics cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, vận tải hàng hải để đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực qua đào tạo…

Tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng ở ĐBSCL

Chương trình Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL đã xác định rõ các đột phá mang tính chiến lược tại ĐBSCL. Theo đó, ĐBSCL cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thủy nội địa và tuyến đường sắt nối TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ trong tương lai. Phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Đồng thời, tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải.

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công nhằm khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội…

T.H