Khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát của Hàn Quốc và gợi ý chính sách cho Việt Nam

Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 10:00, 23/06/2022

Trong những năm gần đây, thuật ngữ "thử nghiệm có kiểm soát" hay "khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát" (thuật ngữ tiếng Anh hay dùng là regulatory sandbox) được nhắc đến nhiều không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn ở các văn bản như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, được hiện thực hóa ở Đề cương Luật Công nghiệp công nghệ số hay Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Vậy khung thể chế thử nghiệm là gì? Vì sao chúng ta cần sử dụng sandbox?

Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu về khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát nói chung và của Hàn Quốc nói riêng, từ đó đề xuất gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Hiểu đầy đủ về khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát

Cơ chế thử nghiệm lần đầu tiên được Phòng Bảo vệ tài chính của khách hàng (CFPB) tại Hoa Kỳ thiết lập vào năm 2012 dưới tên gọi "Dự án Xúc tác - Project Catalyst". Tuy nhiên, đến năm 2015, Cơ quan Điều hành tài chính (FCA) tại Vương quốc Anh đưa ra khái niệm "chính sách thử nghiệm - regulatory sandbox" và cái tên sandbox trở nên phổ biến. 

Kể từ khi quốc gia đầu tiên trên thế giới là Vương quốc Anh ban hành Sandbox vào tháng 11/2015 (chính thức triển khai vào cuối năm 2016), nhiều quốc gia khác trên thế giới đã có cách tiếp cận tương tự. Hiện tại sandbox đã được triển khai ở hầu hết các trung tâm tài chính khu vực và trên toàn cầu bao gồm Vương quốc Anh, Abu Dhabi, Úc, Canada, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Thụy Sĩ, Đài Loan...

Khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát là gì?

Khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) là một cơ chế được thiết lập bởi cơ quan quản lý nhằm cho phép các công ty thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới trong một môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý [1]. 

Cơ chế thử nghiệm mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý và xã hội. Các sản phẩm, dịch vụ mới chưa có quy định, hoặc quy định chưa đầy đủ nên không được phép triển khai hoặc phải chờ để sửa các quy định quá lâu, làm mất cơ hội của DN. Đối với cơ quan quản lý, cơ chế thử nghiệm là tấm khiên bảo vệ trong việc cho phép những đổi mới sáng tạo (ĐMST) chưa có tiền lệ. Thêm vào đó, của cải của xã hội sẽ được tăng lên nhờ những sản phẩm, dịch vụ mới góp phần tăng năng suất, giảm chi phí khi được sớm triển khai.

Mục tiêu của sandbox

Mục tiêu của sandbox có thể khác nhau trong thực tế, nhưng thường được phân thành 4 loại: (i) tập trung vào chính sách; (ii) tập trung vào sản phẩm hoặc sự đổi mới; (iii) chủ đề; và (iv) xuyên biên giới [2].

Sandbox trung tập vào chính sách: Các sandbox loại này được sử dụng để đánh giá quy định hoặc chính sách cụ thể nào đó.

Sandbox tập trung vào sản phẩm hoặc sự đổi mới: Sandbox loại này khuyến khích sự ĐMST bằng cách giảm nhẹ chi phí tham gia thị trường, cho phép DN kiểm tra khả năng tồn tại trên thị trường của mô hình kinh doanh mới.

Sandbox chủ đề: Sandbox loại này tập trung vào một chủ đề xác định với mục tiêu nhanh chóng phê chuẩn một chính sách cụ thể hoặc sự đổi mới hoặc hỗ trợ phát triển một lĩnh vực nào đó hoặc thậm chí một sản phẩm cụ thể nhắm đến một nhóm dân cư cụ thể.

Sandbox xuyên biên giới: Sandbox xuyên biên giới hay sandbox đa khu vực pháp lý hỗ trợ di chuyển và hoạt động xuyên biên giới của DN trong khi khuyến khích sự hợp tác của cơ quan quản lý và giảm kinh doanh chênh lệch giá.

Mỗi quốc gia, tùy theo mục tiêu của mình, sẽ xây dựng sandbox phù hợp. Kể từ khi xuất hiện năm 2016, hiện đã có hơn 60 quốc gia đang áp dụng trong đó hơn 70 sandbox liên quan đến fintech đã được công bố trên toàn cầu [2]. Tuy nhiên, không nhiều quốc gia có sandbox cho lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực fintech.

Trong số ít các quốc gia ban hành chính sách sandbox cho lĩnh vực khác, Hàn Quốc đã đưa ra sáu sandbox cho sáu lĩnh vực. Bắt đầu với lĩnh vực hội tụ công nghiệp năm 2017, từ đó, nó đã được mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) (2019), tài chính đổi mới (2019), khu vực tự do (2019), thành phố thông minh (TPTM) (2020) và khu R&D đặc biệt (2020) [3].

Sandbox ở Hàn Quốc đang được vận hành bằng cách phát triển và mở rộng hơn nữa mô hình của các quốc gia đã triển khai hệ thống này trước đó. Trong khi sandbox ở các quốc gia khác hoạt động theo phương thức "trường hợp đặc biệt", thì ở Hàn Quốc, để tăng sự thuận tiện cho các công ty, công ty có thể thương mại hóa ngay sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm theo "giấy phép tạm thời" và thử nghiệm có giới hạn.

Khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát của Hàn Quốc và gợi ý chính sách cho Việt Nam - Ảnh 1.

Regulatory Sandbox là một trong những hướng tiếp cận công cụ quản lý đối với các ngành kinh doanh mới như Fintech.

Khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát của Hàn Quốc

Sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp CNTT&TT. Ngành công nghiệp CNTT&TT của quốc gia này đứng thứ hạng cao về hạ tầng và ưu thế cạnh tranh. Một trong các yếu tố chính dẫn đến thành công này là các chính sách sandbox cho sự hội tụ của CNTT&TT [4] được thể hiện trong Luật Đặc biệt về Thúc đẩy và Tạo sức sống cho sự hội tụ của CNTT&TT.

Theo cơ chế sandbox này, doanh nghiệp sẽ được (1) xử lý nhanh; (2) giấy phép tạm thời và (3) thử nghiệm có giới hạn. Trong cả ba trường hợp, Bộ Khoa học và CNTT-TT (MSIT) là cơ quan đầu mối đứng ra phối hợp với các Bộ, ngành khác.

Xử lý nhanh

Xử lý nhanh được áp dụng trong trường hợp các quy định hiện hành còn mơ hồ, chưa rõ ràng cho việc cấp phép chính thức.

Tổ chức, cá nhân khi muốn tham gia kinh doanh công nghệ hoặc dịch vụ mới hội tụ nộp hồ sơ cho MSIT để xác nhận rằng việc kinh doanh này có yêu cầu sự cho phép, phê duyệt, đăng ký, xác thực hay xác minh hay không.

Khi MSIT nhận được hồ sơ của DN sẽ thông báo tới các Bộ, ngành liên quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ từ MIST, các Bộ, ngành liên quan phải trả lời MSIT việc công nghệ hay dịch vụ mới hội tụ có thuộc thẩm quyền xử lý của mình hay không, hoặc có được phép theo quy định hiện hành hay không. Nếu cơ quan liên quan không trả lời trong thời hạn 30 ngày thì được hiểu là sản phẩm, dịch vụ mới hội tụ không nằm trong thẩm quyền của cơ quan hoặc cần sự cho phép của cơ quan này là không cần thiết.

Sau khi nhận được câu trả lời của cơ quan liên quan, MSIT sẽ thông báo cho người nộp đơn biết sản phẩm, dịch vụ mới hội tụ có phải cấp phép hay không.

Nếu không nhận được thông báo yêu cầu phải có sự cho phép từ MSIT hoặc của các Bộ, ngành liên quan, người nộp đơn có thể tự do tung ra thị trường công nghệ và dịch vụ mới.

Cho phép tạm thời

Cho phép tạm thời được áp dụng một trong các trường hợp: (1) các quy định quản lý việc cấp phép hiện tại không quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu áp dụng cho các công nghệ hoặc dịch vụ mới này; (2) không rõ ràng hoặc không hợp lý khi áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu trong các quy định quản lý việc cho phép.

Các tiêu chí để được xem xét cho phép tạm thời bao gồm: (i) Sự đổi mới của công nghệ và dịch vụ liên quan; (ii) Tác động và ảnh hưởng đến các thị trường liên quan và lợi ích của người dùng; (iii) Sự an toàn của công nghệ và dịch vụ và hiệu lực của các biện pháp bảo vệ người dùng; (iv) Khả năng tài chính và kỹ thuật để cung cấp công nghệ và dịch vụ liên quan; (v) Kết quả kiểm tra của Bộ Khoa học và CNTT-TT; (vi) Các vấn đề khác mà Chủ tịch Ủy ban thảo luận cho là cần thiết theo các đặc điểm của công nghệ và dịch vụ liên quan.

Quá trình cho phép tạm thời được thực hiện như sau: Khi muốn được cho phép tạm thời để đưa sản phẩm ra thị trường, người nộp đơn sẽ gửi hồ sơ cho MSIT hoặc các Bộ, ngành quan liên. Khi Bộ, ngành liên quan nhận được hồ sơ sẽ chuyển cho MSIT để xử lý cho phép tạm thời. 

Sau khi nhận hồ sơ đề nghị cho phép tạm thời, MSIT sẽ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan; đệ trình vấn đề lên Ủy ban Nghị quyết cùng với kết quả của các cuộc tham vấn; và sẽ cấp phép tạm thời cho các công nghệ hoặc dịch vụ mới. Trong những trường hợp này, MSIT có thể đưa ra các điều kiện cần thiết để đảm bảo tính ổn định của các công nghệ hoặc dịch vụ mới và để bảo vệ người sử dụng.

Thời hạn hiệu lực cho phép tạm thời tối đa không quá hai năm. Nếu các quy chế hoặc quy định hiện tại không được sửa đổi trước khi hết thời hạn hiệu lực, MSIT có thể gia hạn thời hạn hiệu lực một lần. Trong trường hợp này, người xin gia hạn phải nộp đơn cho MSIT hai tháng trước khi hết hiệu lực.

Các Bộ, ngành liên quan sẽ cố gắng sửa đổi các quy chế hoặc quy định quản lý việc cấp phép đối với các công nghệ hoặc dịch vụ mới trước khi giấy phép tạm thời hết hiệu lực.

Khi các quy chế hoặc quy định quản lý việc cho phép đối với các công nghệ hoặc dịch vụ mới có liên quan được sửa đổi, người đã được cấp phép tạm thời sẽ ngay lập tức được coi là phù hợp với các quy chế hoặc quy định đã được sửa đổi.

Người được cho phép tạm thời phải bồi thường mọi tổn thất về tài sản và cá nhân mà người sử dụng các công nghệ hoặc dịch vụ đó gặp phải do công nghệ, dịch vụ mới gây ra, trừ khi người được cho phép tạm thời chứng minh rằng tổn thất đó không do cố ý gây ra.

Người được cho phép tạm thời phải mua bảo hiểm trách nhiệm để chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu người đó không thể mua bảo hiểm trách nhiệm thì người đó sẽ phải chuẩn bị phương án bồi thường phù hợp với tiêu chuẩn, phương thức, thủ tục bồi thường.

Người được cho phép tạm thời phải thông báo cho người sử dụng công nghệ hoặc dịch vụ mới về sự cho phép tạm thời và thời hạn hiệu lực của nó.

Cho phép thử nghiệm

Cho phép thử nghiệm được áp dụng trong trường hợp không thể cấp phép cho các công nghệ, dịch vụ mới theo các quy định hiện hành hoặc có sự không rõ ràng hoặc không hợp lý khi áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu trong các quy định quản lý việc cho phép. Việc cho phép thử nghiệm trong một phạm vi giới hạn (quy mô, khu vực,…) để kiểm tra và xác minh công nghệ, dịch vụ mới.

Các tiêu chí để được xem xét cho phép thử nghiệm bao gồm: (i) Sự đổi mới của công nghệ và dịch vụ mới; (ii) Tác động và ảnh hưởng đến các thị trường và lợi ích của người dùng; (iii) Tính mạng và sự an toàn của công dân có bị xâm phạm hay không và việc bảo vệ và xử lý an toàn thông tin cá nhân như thế nào; (iv) Sự phù hợp của các trường hợp xin thử nghiệm theo quy định về thử nghiệm.

Quá trình cho phép thử nghiệm được thực hiện tương tự như đối với trường hợp cho phép tạm thời. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cho phép thử nghiệm cho MSIT. MSIT sẽ gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. MSIT đệ trình lên Ủy ban Nghị quyết hồ sơ của người xin phép cùng các ý kiến của các Bộ, ngành. Căn cứ quyết định của Ủy ban, MSIT sẽ cho phép thử nghiệm.

Thời hạn hiệu lực cho phép thử nghiệm tối đa không quá hai năm và có thể được gia hạn một lần. Trong quá trình thử nghiệm, MSIT và các Bộ, ngành liên quan sẽ giám sát chặt chẽ việc thử nghiệm.

Kết quả sau một năm triển khai sandbox

Sau 01 năm triển khai (từ 17/01/2019), MSIT đã phê chuẩn 102 trong số 120 đơn đăng ký trong năm 2019 và thêm mới 40 trường hợp vào sandbox [5]. Mười sáu công nghệ, dịch vụ mới đã thương mại hóa thành công trong đó có dịch vụ nhắn tin di động, dùng chung bếp, đi chung taxi. Đến nay đã có 38 giấy phép cho phép tạm thời, 66 giấy phép thử nghiệm đã được cấp [6].

Một số kết quả cụ thể:

Các trường hợp được phép tham gia thị trường ngay lập tức thông qua việc áp dụng linh hoạt các luật và các khuyến nghị chính sách liên quan của các Bộ liên quan như: dịch vụ VR treadmill, dịch vụ bản kê doanh thu số (Unless, Kakaopay), Cân kỹ thuật số để cân xe tải chở hàng (Samin Data System).

Giải quyết các nhiệm vụ quá hạn lâu dài do có sự xung đột giữa các bên liên quan và các quy định như: Đồng hồ theo dõi nhịp tim do Huinno phát triển không thể tham gia thị trường trong 04 năm nhưng đã được đưa vào sandbox; Dịch vụ đi chung taxi từng bị cân nhắc tạm dừng, nhưng đã gia nhập thị trường với tư cách là trường hợp đầu tiên đi chung xe được đưa vào sandbox.

Các công nghệ, dịch vụ mới được đưa ra thị trường giúp cuộc sống của người dân thuận tiện hơn và góp phần tạo ra giá trị xã hội, tiết kiệm ngân sách như: Dịch vụ nhắn tin di động cho các cơ quan hành chính và công cộng (15 cơ quan đã gửi 22 triệu hóa đơn gồm 69 loại bằng tin nhắn di động, trước đó được gửi qua đường bưu điện, tiết kiệm 6,57 tỷ won); Giấy phép lái xe di động được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa tội phạm và giảm chi phí cấp lại vì công dân sẽ không bị mất bằng lái xe, và dịch vụ này sẽ được mở rộng sang dịch vụ xác minh danh tính.

Các mô hình kinh tế chia sẻ như bếp ăn chung, dịch vụ taxi lớn cho cộng đồng theo yêu cầu,... được đưa vào sandbox, tạo ra những kết quả rõ ràng (Dịch vụ bếp chung, cửa hàng đầu tiên ở Sajik-dong, đã tiết kiệm được 0,99 tỷ won chi phí khởi nghiệp để mở 35 cửa hàng). 

Bộ trưởng MSIT Choi Kiyoung cho biết, "nhìn lại kết quả hoạt động của chương trình trong năm đầu tiên triển khai, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu ngoài mong đợi" và định hướng "MSIT sẽ tập trung hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng của chương trình và tăng cường sự đa dạng và đổi mới của các công nghệ và dịch vụ ICT mới nổi để những công nghệ như 5G và AI sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của mọi người".

Thêm vào đó, MIST xem xét sửa đổi để kéo dài thời hạn triển khai sandbox từ tối đa 4 năm như hiện tại (2 năm + 2 năm gia hạn) cho đến thời điểm hoàn thành việc sửa các quy định liên quan để giảm bớt sự mâu thuẫn giữa các chương trình sandbox của các Bộ khác nhau và để các công ty đã được cấp phép tạm thời thương mại hóa ổn định.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Qua các kết quả đạt được, cơ chế sandbox của Hàn Quốc chứng minh được sự hữu dụng trong thực tế, góp phần giảm chi phí cho DN, tiết kiệm ngân sách, nâng cao giá trị của xã hội và thúc đẩy ĐMST. Với những minh chứng này, chúng tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi cơ chế sandbox của Hàn Quốc trong việc xây dựng cơ chế thử nghiệm cho riêng mình.

Những điều mà những người làm luật cần xác định từ điểm xuất phát là: Mục đích cuối cùng của sandbox là gì? Đó là thương mại hóa sản phẩm hay chỉ là thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới hay là thử nghiệm chính sách?

Thiết nghĩ, mục đích cuối cùng của sandbox nên là thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ mới ĐMST, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách, phục vụ người dân như Hàn Quốc đã làm. Các quy định nên sửa để theo kịp với sự thay đổi của công nghệ chứ không nên bắt công nghệ chờ để phù hợp với quy định./.

Tài liệu tham khảo:

1. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, "Cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính", https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/19168/can-som-ban-hanh-co-che-thu-nghiem-cho-hoat-dong-cong-nghe-tai-chinh.aspx

2. World Bank, "Global Experiences from Regulatory Sandboxes", 2020

3. https://www.sandbox.go.kr

4. Young-Hyun Yeo, Sung-Ki Kim, Ji-Hye Bae, and Byung-Gyu Kim, "The Assessment of Information and Communication Technology (ICT) Policy in South Korea", 2014, https:// www.researchgate.net/publication/289466408_The_Assessment_of_Information_and_ Communication_Technology_ICT_Policy_in_South_Korea

5. https://www.msit.go.kr/eng/index.do

6. https://www.sandbox.or.kr/board/designated_case.do

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2022)