Nhận diện thách thức CĐS y tế và giải pháp
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:53, 22/06/2022
Tiến bộ công nghệ tạo chuyển biến tích cực trong Y tế
Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đã tạo ra những đổi mới mang tính đột phá, thay đổi sâu sắc đến mọi phương diện đời sống, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, chăm sóc sức khỏe luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Để thúc đẩy quá trình CĐS trong lĩnh vực Y tế tại Việt Nam nhanh và hiệu quả hơn, Hội thảo và Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 (MEDTECH 4.0) vừa diễn ra đã kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà cung cấp sản phẩm, giải pháp về công nghệ y tế với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tại Việt Nam.
Nhân sự kiện MEDTECH 4.0, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - đã nêu tác động của cuộc CMCN lần 4 đối với lĩnh vực y tế, đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2025.
Thứ nhất là tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số.
Thứ hai là tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba là tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành "người thầy thuốc số".
Tại Việt Nam, cải cách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK) cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt gần đây. Theo FitchSolutions, mức chi tiêu cho CSSK của người dân Việt Nam vào năm 2019 là khoảng 17 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP của cả nước.
Việt Nam hiện có những ưu thế để ứng dụng nhanh chóng các giải pháp công nghệ vào lĩnh vực y tế: dân số trẻ (người trong độ tuổi thanh niên chiếm khoảng 22,5% và người dưới 54 tuổi chiếm hơn 60%), CNTT, cơ sở hạ tầng công nghệ phát triển.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh công cuộc CĐS. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", y tế là lĩnh vực được ưu tiên.
GS. TS. Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nêu lên thực trạng nổi bật trong CĐS Y tế Việt Nam: "Chiến lược nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030 được phê duyệt thì rõ ràng việc ứng dụng công nghệ số trong công tác KCB, trong công việc cung ứng các dịch vụ đã được truyển khai ở các tỉnh thành phố, ở các sở y tế, ở các bệnh viện".
GS. TS. Nguyễn Văn Kính: ứng dụng công nghệ số trong công tác KCB, trong công việc cung ứng các dịch vụ đã được truyển khai
Có rất nhiều các điểm sáng đã được nêu, đưa lên thành mô hình ví dụ như mô hình tuyến huyện từ bệnh viện Thủ Đức ứng dụng với điện tử cho đến công nghệ số được ứng dụng ở tại Sở Y tế Hải Phòng, tại bệnh viện Đa khoa Hải Phòng, bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh,.... Đặc biệt tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, việc triển khai này không chỉ trong môi trường dân sự mà được ứng dụng trong môi trường quân sự cũng như lực lượng công an vũ trang.
GS. TS. Nguyễn Văn Kính cho biết thêm: "Rõ ràng nhất là trong đại dịch COVID-19 hai năm qua, chúng ta áp dụng ứng dụng công nghệ số nên Bộ Y tế đã thiết thập văn phòng IIG để dự báo, thông báo dữ liệu về bệnh dịch. Cục Quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế đã thành lập phòng CNTT và nhóm chuyên gia quốc gia nhằm chỉ đạo điều hành và hội chẩn với tất cả nhân viên các bệnh nhân COVID nặng. Và cũng từ đại dịch COVID, chúng ta học được cách làm việc, họp online, áp dụng công nghệ số để thực hiện chẩn đoán, tư vấn từ xa và phương pháp này nhân viên y tế bệnh viện 175 cũng nhờ hệ thống Telemedicine mà chúng ta hỗ trợ cho các quần đảo để có thể cấp cứu cho bệnh nhân một cách có hiệu quả."
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế khẳng định: "Sắp tới chúng ta sẽ làm sao để xây dựng bệnh viện 3 không "không giấy tờ, không xếp hàng, không thanh toán bằng tiền mặt".
Việt Nam sẽ đẩy mạnh KCB từ xa để người dân không đến bệnh viện mà vẫn có thể tiếp cận được dịch vụ y tế thông qua công nghệ số. Chủ động CSSK người dân chính là định hướng CĐS ngành Y tế trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Trường Nam: Xây dựng bệnh viện 3 không "không giấy tờ, không xếp hàng, không thanh toán bằng tiền mặt"
Trước đây, khi bác sĩ muốn khám cho bệnh nhân, người bệnh phải đến cơ sở y tế để bác sĩ trực tiếp "sờ, nhìn, gõ, nghe", giờ đây, với CĐS, bác sĩ có thể khám, chẩn đoán cho bệnh nhân từ xa.
"Trong nhiều trường hợp, nếu không dựa vào công nghệ số và việc chẩn đoán từ xa, chắc chắn người bệnh sẽ không thể được cứu khỏi. Đây là ví dụ cho thấy rõ nhất công nghệ số và CĐS đã giúp biến nhiều điều không thể thành có thể", ông Nam chia sẻ
Lắng nghe những bài toán trước mắt về CĐS tại bệnh viện Việt Nam
GS. TS. Nguyễn Văn Kính chỉ ra rào cản và thách thức trong CĐS Y tế tổng thể và toàn diện: "Thách thức đầu tiên, cơ sở hạ tầng các cơ sở y tế chưa hoàn chỉnh để có thể thực hiện công nghệ số một cách có hiệu quả.
Hệ thống y tế của chúng ta chia làm nhiều tuyến. Mỗi tuyến có cơ cấu nhân lực, cơ cấu trang thiết bị và cơ sở hạ tầng khác nhau. Bên cạnh đó, chúng ta không chỉ phát triển công nghệ số ở lĩnh vực công lập mà cả lĩnh vực tư nhân đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành các bộ y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với những thách thức như vậy, rõ ràng việc gia nhập triển khai công nghệ số trong vấn đề cung ứng dịch vụ liên kết ngành y tế cần rất nhiều cố gắng nỗ lực của từng đơn vị, từng cán bộ y tế."
Dưới góc độ đơn vị khám chữa bệnh, lãnh đạo một số bệnh viện chia sẻ, có 4 khó khăn và thách thức chính trong CĐS tại bệnh viện: Nguồn nhân lực CNTT trong y tế hiện nay chưa chuẩn bị kịp thời về mặt số lượng và chất lượng; kinh phí đầu tư CNTT trong y tế chưa đạt được mức cần thiết; dịch vụ y tế còn rời rạc chưa tập trung; thói quen của người dùng ví dụ như sử dụng giấy, sử dụng tiền mặt có hạn chế trong quá trình phát triển CNTT y tế cũng như CĐS của y tế Việt Nam.
Nhằm mục tiêu tìm lời giải đáp cho vấn đề ấy, Đại tá, TS. BS. Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 có chia sẻ thực trạng ứng dụng CNTT tổng thể và toàn diện tại Bệnh viện Quân Y 175.
Tại phiên tọa đàm cấp cao do, TS. BS. Trần Quốc Việt cùng ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ, FPT IS, ông Lê Anh Quân, Phó Giám đốc Ban Phát triển Giải pháp tài chính VietinBank và ông Luke Treloar, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Khối tư vấn chiến lược ngành Y tế và Khoa học đời sống, KPMG Việt Nam có những bàn luận xoay quanh nội dung "CĐS tại bệnh viện: Từ chính sách đến thực tiễn".
Phiên tọa đàm
Các chuyên gia công nghệ và y tế đều thống nhất rằng, CMCN 4.0 với các công nghệ như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... đã giúp kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa, vật lý, sinh học giữa thế giới thực và không gian số.
Riêng trong lĩnh vực y tế, đầu tiên CĐS sẽ tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ các cơ quan, đơn vị ngành Y. Cách thức lãnh đạo, quản lý công việc trong ngành Y thời gian tới sẽ chính xác, kịp thời và hiệu quả hơn nhờ nền tảng công nghệ số.
Không chỉ vậy, việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế sẽ được chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Một số công nghệ phục vụ ngành Y tế được giới thiệu tại MEDTECH 4.0
CĐS trong ngành Y còn tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ đó hình thành nên người thầy thuốc số. Ngày càng có nhiều giải pháp công nghệ xuất hiện để hỗ trợ cho lĩnh vực y tế. Điều này sẽ từng bước giúp ngành y tế Việt Nam có đầy đủ thông tin để chăm sóc cho sức khoẻ người dân và người bệnh sẽ nhận được những trải nghiệm tốt nhất trong tương lai gần./.