Dự án TPTM Bắc Hà Nội triển khai tính năng thông minh cho 6 lĩnh vực
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:30, 22/06/2022
Theo bà Nga, việc phát triển quy hoạch đô thị là một vấn đề rộng lớn và có nhiều cách tiếp cận. Trên quan điểm của BRG, chủ đầu tư dự án TPTM Bắc TP. Hà Nội liên doanh với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, có 4 yếu tố cơ bản và quan trọng nhất cấu thành nên ĐTTM phát triển bền vững, đó là: (1) tăng trưởng kinh tế; (2) phát triển con người; (3) đổi mới công nghệ; (4) quản lý và tổ chức hiệu quả.
Yếu tố kinh tế ở đây, theo bà Nga, được hiểu là quá trình mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở cân bằng các mục tiêu môi trường và xã hội. Quan điểm, cách nhìn của BRG là việc phát triển TPTM và bền vững hứa hẹn mang đến rất nhiều cơ hội kinh doanh cũng như đầu tư mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cũng theo bà Nga, một nền kinh tế năng động và sáng tạo sẽ tạo điều kiện để giới thiệu môi trường đầu tư, sản phẩm dịch vụ mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó, góp phần tạo nhiều việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường và xã hội, đó là vấn đề ô nhiễm không khí, nước, tắc nghẽn giao thông… đang là những vấn đề nhức nhối.
Như một nỗ lực loại bỏ về ùn tắc giao thông, bà Nga cho biết các giải pháp đang được các bên dự thảo để tối ưu hóa tuyến đường di chuyển, phân bố các phương tiện hợp lý và cung cấp các dịch vụ di chuyển theo yêu cầu. Bên cạnh đó, BRG áp dụng các sáng kiến tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải không có lợi cho con người.
Một tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về trái đất đã cho rằng con người là trung tâm của phát triển bền vững. Vì vậy, bà Nga cho biết mục tiêu cốt lõi của đô thị bền vững, chính là đáp ứng mọi nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao của con người hướng đến cải thiện chất lượng của sống của thế hệ hiện tại và tương lai, có nghĩa là đầu tư không chỉ cho hôm nay mà cho nhiều trăm năm sau. Theo đó, "đô thị bền vững phải đưa ra những giải pháp có tính liên ngành, hướng tới một môi trường sống lý tưởng", bà Nga nhấn mạnh.
Về dự án TPTM Bắc Hà Nội, bà Nga cho biết sẽ triển khai các tính năng thông minh ở 6 lĩnh vực: năng lượng thông minh; giao thông thông minh (dự án có những tuyến đường chỉ quẹt thẻ và nhấn chữ cái đầu của điểm đến đến là tàu điện sẽ tự chạy đến điểm đến; học tập thông minh); các trường học sẽ được giảng dạy, cập nhật những yếu tố thông minh nhất, có thực tế ảo cho các học sinh; quản trị thông minh; người dân sẽ được chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm an ninh, áp dụng các công nghệ để quản lý chặt chẽ; ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Về việc ứng dụng các công nghệ để giải quyết các yêu cầu của người dân và các vấn đề của xã hội, TPTM Bắc Hà Nội sẽ áp dụng và liên tục cải tiến các công nghệ như công nghệ nhận dạng khuôn mặt; AI cho quản lý rủi ro, hỏa hoạn; hệ thống lưới điện; nền tảng tích hợp nhiều hình thức vận tải khác nhau; năng lượng tái tạo và số hóa dữ liệu.
Yếu tố cuối cùng, theo nhấn mạnh của bà Nga là không kém phần quan trọng, đó là công tác quản lý và tổ chức. Thấu hiểu tầm quan trọng của việc này, BRG đã tham gia vào nhiều quy hoạch dự án của Việt Nam, đặc biệt là quy hoạch TPTM ngay từ đầu các dự án được làm chỉn chu, cẩn thận, cập nhật.
"Hướng đến TPTM thì công tác quản lý hành chính, số hóa tích hợp dữ liệu làm cho người dân được quản lý nhưng không kiểm soát, bảo đảm giải quyết các TTHC được tối ưu hoá", bà Nga nhấn mạnh.
Để xây dựng đô thị thông minh, bền vững, cũng theo bà Nga, là phải xây dựng thành phố vì con người. "Đây là cốt lõi của đô thị hạnh phúc và bền vững"./.