Nhà báo viết về thiên tai - Câu chuyện về những chiến sĩ thời bình
Truyền thông - Ngày đăng : 08:54, 21/06/2022
Tọa đàm: "Báo chí phòng chống thiên tai – Báo chí vì cộng đồng" . Ảnh: BM
Nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ, nhiều lần đi cùng các đoàn công tác về phòng chống lụt bão tới miền Trung, chứng kiến cảnh người dân khổ, cán bộ khổ phải chống chọi với mưa bão, còn phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại đây thì cũng vô cùng vất vả.
Theo ông Dung, về mặt nghiệp vụ, lĩnh vực phòng chống thiên tai (PCTT) là "mảnh đất" màu mỡ thu thập các thông tin báo chí. Thậm chí, nhìn về góc độ nào đó thì thông tin cụ thể về PCTT cũng rất độc đáo, hiếm có với lĩnh vực báo chí. Thế nhưng, để có được thông tin thì không thể gõ bàn phím để "ra" được, mà phải lăn xả, thậm chí đối mặt với nguy hiểm để đưa tin. Phải hy sinh cả về vật chất và tinh thần.
Hiện hay, chưa có thống kê đầy đủ, đội ngũ nhà báo, phóng viên viết về PCTT, nhưng ước tính phải lên đến hàng nghìn. Có ý kiến người làm báo dãi bày thêm về lĩnh vực tác nghiệp vô cùng khó khăn này rằng: Khi chúng ta xem được những thước phim, cảnh quay hay hình ảnh trên đài, báo thì đằng sau đó là những nhà báo, phóng viên phải ngâm mình trong nước, lội trong bùn hoặc chênh vênh trên những mỏm đá rất hiểm nguy…
Chia sẻ về kỷ niệm tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí viết về PCTT, nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan, Đài Tiếng nói Việt Nam thành thật, lĩnh vực PCTT được quan tâm hết sức đặc biệt từ lãnh đạo VOV, phòng, ban cho đến những PV chuyên nghiệp nhất để lao vào tâm vùng thiên tai. Trong bối cảnh thiên tai xảy ra rất khó khăn thì chúng tôi được hỗ trợ những trang thiết bị, vật tư, vật liệu tốt nhất để tác nghiệp. Cùng với đó, là sự quan tâm của chính quyền địa phương, ban chỉ huy PCTT cấp cơ sở và cả bà con vùng thiên tai.
Kỷ niệm đáng nhớ đối với nhà báo từ VOV đó là những âm thanh kêu cứu phát ra từ những bản làng nhỏ bé, thời khắc khi những người dân mất mát đi phần máu thịt của mình vì bão lũ. Nhất là trận lũ năm 2019 ở Tây Nguyên, khi phóng viên VOV tiếp cận và phát hiện ra một nhóm người mắc kẹt tại vị trí sạt lở trong hoàn cảnh không còn lương thực, cạn nước uống, đã bằng một điện thoại thông tin tới sóng của Đài Tiếng nói và kịp thời thông báo tới Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương cứu được 1 nhóm người mắc kẹt trên… Qua đó, phóng viên cảm thấy ý nghĩa và yêu nghề hơn.
Phóng viên Báo QĐND Điện tử tác nghiệp tại khu vực sạt lở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 10-2020. Ảnh: qdnd.vn
"Tâm thế trước chuyến đi tuyên truyền PCTT như trước khi vào trận chiến. Khi người dân đang phải sơ tán, di chuyển vùng an toàn, và nhiều người dân khác chìm vào giấc ngủ thì chúng tôi phải khẩn trương lên đường, lao vào trung tâm vùng thiên tai…bao khó khăn, vất vả, thậm chí là đối mặt với hiểm nguy đó theo tôi làm nên giá trị, cốt cách của nhà báo, như Bác Hồ từng nói đó chính là phẩm chất của nhà báo cách mạng", nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan xúc động.
Một câu chuyện cũng đầy cảm xúc khác đến từ chia sẻ của nhà báo, Đại tá Hồ Công Lĩnh, Báo Quân khu 4 (Tác giả đạt giải "Câu chuyện tác động mạnh mẽ nhất" – Giải báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ 2): Phóng viên Báo quân khu 4 chúng tôi không bao giờ quên ngày 13/10/2020, 13 cán bộ của Quân khu 4 đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tối hôm tìm thấy thi thể của đoàn cán bộ, nước mắt của rất nhiều tướng lĩnh, chiến sĩ đã rơi vì sự hy sinh của đồng đội, nhưng chúng tôi không ngủ và đoàn đã hoàn thành kịch bản, lời bình, ngay trong đêm để kịp thời phát đi thông tin tới bà con cả nước. Chúng tôi nhìn nhận, khó khăn tác nghiệp trong thiên tai cũng là động lực bởi chúng tôi là những chiến sĩ xung kích trong thời bình, lan tỏa hình ảnh người Bộ đội cụ Hồ, sát cánh giúp đỡ nhân dân, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, hoạn nạn để xứng đáng là Bộ đội cụ Hồ của dân, do dân, vì dân…
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT Trần Quang Hoài chia sẻ, thời gian qua, các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo đã đi sát cùng chúng tôi cung cấp thông tin kịp thời chính xác PCTT các vùng miền, bằng tất cả loại hình báo chí, góp phần vào thực hiện công tác PCTT đạt kết quả tốt đẹp. Để đạt được kết quả đó, là sự khắc phục những khó khăn, vất vả của các phóng viên, nhà báo trong việc đưa các thông tin nhanh chóng, chính xác nhất tới bà con khắp vùng, miền cả nước. Những bản tin về PCTT ở địa phương, cũng được đưa rất nhanh nhạy, nhất là truyền thanh cơ sở… Chúng tôi hết sức ghi nhận sự đóng góp của hệ thống các cơ quan báo chí trên cả nước.
Còn với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, nhà báo nói chung và nhà báo viết về PCTT nói riêng thực sự là những người chiến sĩ trong thời bình. Đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí kể cả việc hy sinh tính mạng của mình để lao vào những thiên tai hiểm nguy nhất, để đưa những hình ảnh trung thực nhất, sinh động nhất và những cảnh báo hiệu quả nhất đến với người dân.