Để truyền thông lĩnh vực an toàn thực phẩm chính xác và hiệu quả
Truyền thông - Ngày đăng : 08:51, 21/06/2022
Các nhà báo tìm hiểu việc sản xuất thực phẩm từ thịt lợn của các doanh nghiệp. Ảnh: Minh Minh
Những vấn đề đặt ra
Ở Việt Nam, nói đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), công chúng quan tâm nhiều đến vấn đề ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, theo TS. Fred Unger, Trưởng Dự án SafePORK, Trưởng Đại diện ILRI tại Đông Nam Á: "Các nghiên cứu gần đây cho thấy những bằng chứng rõ ràng về ô nhiễm vi sinh trên thịt lợn, thịt gà và thịt bò. Lãnh đạo các cơ quan quản lý về ATTP và các nhà báo cũng có xu hướng dễ hiểu lầm (về nguy cơ ô nhiễm hóa chất)".
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về ATTP, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thông tin hiện nay thường tập trung theo hướng phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình phòng tránh những thực phẩm không an toàn.
Theo Trưởng Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam Đồng Mạnh Hùng, truyền thông ATTP nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng về những vấn để liên quan tới ATTP (Thực trạng mất ATTP, những biểu hiện tiêu cực vi phạm ATTP...). Qua đó, giúp công chúng có nhận thức đúng đắn về ATTP trong bối cảnh tình trạng mất ATTP ở mức báo động. Cung cấp cho công chúng kiến thức để sử dụng thực phẩm an toàn và sản xuất an toàn . Đồng thời, phản biện những chính sách về ATTP…
Thực tế, nhiều cơ quan báo chí có những chuyên trang, chương trình về vấn đề này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo chí về ATTP thời gian gần đây, theo Ths Đồng Mạnh Hùng, thông điệp truyền thông ATTP tác động vào công chúng tạo ra hai hướng: Tích cực và tiêu cực. Tích cực: Người dân nhận thức ra và hành động đúng. Tiêu cực: Người dân không tin, không thay đổi hành vi, người dân sợ hãi, cảm thấy bất an.
Dẫn chứng từ việc khi phóng viên phát hiện ra dịch bệnh lợn tai xanh, theo phân tích của Trưởng Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam, các thông điệp trên báo chí chủ yếu phản ánh về tình hình dịch bệnh, cách xử lý lợn dịch, cảnh khốn khó của người nông dân khi có lợn nhiễm bệnh... mà thông tin về những tác hại của thịt nhiễm bệnh đến con người ít được đề cập, hoặc bị lướt qua... Có lẽ có cơ quan báo chí đã không lường trước quan niệm: "Lợn bệnh, gà toi cứ cho vào nồi, đun sôi, nấu kỹ là ăn được hết!" vẫn tồn tại trong nhân dân... Sau đó, với sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, truyền thông nói chung, người dân đã hiểu ra và không sử dụng thịt lợn chết hoặc đang mắc bệnh tai xanh nữa.
Rõ ràng, quá trình truyền thông, báo chí phải lắng nghe phản hồi, điều chỉnh kịp thời để định hướng truyền thông mới đem lại hiệu quả tốt nhất. Trong truyền thông, có một quan niệm như thành chân lý. Đó là: "Nói một lần không hiểu thì nói nhiều lần, nói càng nhiều thì càng thấm".
Điều đó đã được chứng minh với việc tuyên truyền về ATTP, đặc biệt là với nhiều trường hợp như: Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không sử dụng thịt lợn, thịt gia cầm nhiễm bệnh...Tuy nhiên, cần đưa với lưu lượng phù hợp, tránh đề cập quá nhiều có khi lại rơi vào tình trạng tác dụng ngược.
Theo các nhà báo có kinh nghiệm, vấn đề truyền thông trong câu chuyện thịt bẩn, nhiễm bệnh…vừa qua có lúc gặp phải những vấn đề nhất định. Thứ nhất: Truyền thông, báo chí đã không cân đo, đong đếm liều lượng thông tin. Khi người dân cứ mở đài, đọc báo, xem mạng là thấy "thịt bẩn". Và đặc biệt, cách tuyên truyền khiến người ta hiểu: Cứ thịt lợn, thịt gà bán tại chợ dân sinh là bẩn. Thứ hai: Thông tin đưa quá nhiều về các vụ việc bị phát hiện, về tác hại của thịt bẩn... Khiến người dân bế tắc. Thứ ba: Ít thông tin hướng dẫn, chỉ dẫn về cách phân biệt, cách lựa chọn thực phẩm an toàn, (từ sạch và từ an toàn cần phải cân nhắc khi sử dụng). Thứ tư: Ít thông tin về các địa chỉ bán thực phẩm an toàn...
Giải pháp để truyền thông về an toàn thực phẩm phát huy hiệu quả
Để thông điệp về ATTP được lắng nghe và tác động tích cực đến xã hội, các chuyên gia truyền thông cho rằng: Phải hiểu rõ đối tượng truyền thông của mình để có thông tin phù hợp với đối tượng; phải hiểu rõ phương thức truyền thông của mình để có cách thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Thêm nữa, thông điệp phải thể hiện rõ quan điểm của nhà báo về ATTP. Việc thông tin về các vụ việc là quan trọng, nhưng tuyên truyền về nguyên nhân và những giải pháp mới là cần thiết. Thông điệp cũng phải có tính giáo dục cao để công chúng thấy mức độ nghiêm trọng chứ không thể tác động vào thị giác, thính giác để công chúng có cảm giác: Sợ.
Tuy nhiên, thông điệp phải hướng đến hành vi tích cực, không mang tính đe dọa. Thông điệp cần dễ hiểu, dễ nhớ, phải có hiệu ứng truyền thông. Nói chung, truyền thông về ATTP cũng phải luôn đảm bảo sự trung thực, khách quan và mang tính thống nhất.
Đồng tình với quan điểm này, TS.BS Trần Thị Thu Liễu, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, để đảm bảo phổ biến, thống nhất thông điệp truyền thông, nội dung truyền thông, Cục An toàn thực phẩm đã xây dựng một số tài liệu phổ biến tới địa phương. Ví dụ trong thời gian vừa qua, dịch covid-19 diễn ra, ảnh hưởng tới mọi mặt trong đời sống. Cục phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng tờ rơi "Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, nhà hàng phòng chống dịch Covid-19"; "Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với chợ, siêu thị trong phòng chống dịch Covid - 19"; "Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với gia đình trong phòng chống dịch Covid-19". Qua đó, phát huy được hiệu quả từ truyền thông cho đến cách làm của nhiều đối tượng.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để đạt hiệu quả trong công tác truyền thông về ATTP, các thông tin cơ bản cần cung cấp như: Những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về ATTP; những quy định của pháp luật về ATTP; vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý ATTP; cung cấp thông tin về sản phẩm an toàn, địa chỉ của những sản phẩm an toàn; hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; những biểu hiện tiêu cực trong nuôi trồng, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm…
Truyền thông cũng cần tăng cường chỉ dẫn, hướng dẫn về: Những cơ quan chịu trách nhiệm về ATTP; định hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn; cách nhận biết, phân biệt sản phẩm an toàn; cách nhận biết, phân biệt sản phẩm không an toàn; cách xử lý người bị ngộ độc thực phẩm…trên cơ sở lấy người tiêu dùng làm trung tâm.
CEO Bác Tôm, Cố vấn PanNature, Phó ban điều phối PGS Việt Nam, Ủy viên BCH Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam Trần Mạnh Chiến đề xuất, quy định ATTP với thịt cá theo hướng khuyến khích hút chân không, hạn chế pha cắt tại chỗ. Thông tin dinh dưỡng sản phẩm cần được đo đếm ở các giai đoạn tiêu dùng khác nhau, với các kênh hàng khác nhau để minh chứng. Đồng thời, tăng cường truyền thông tích cực về các đơn vị làm tốt thay vì chỉ tuyên truyền các vụ việc tiêu cực.
Ông Trần Thái Sơn, Phó Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam đánh giá, qua những nội dung thảo luận, tọa đàm về vấn đề truyền thông lĩnh vực ATTP đã tạo diễn đàn để các nhà báo đang theo dõi mảng nông nghiệp, thực phẩm trong nước, các chuyên gia và những đơn vị phát triển sản phẩm nông nghiệp chia sẻ thông tin, trao đổi các góc nhìn chuyên môn về đánh giá an toàn thực phẩm cho một số sản phẩm đầu vào nông nghiệp. Qua đó, thảo luận xu hướng truyền thông trong vấn đề này và nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học và có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khoẻ con người. |