DNNN cần thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế

Truyền thông - Ngày đăng : 08:48, 21/06/2022

Trong các năm qua, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao...

Mơi đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nội dung đặt ra

Theo các chuyên gia, khu vực DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Trong các năm qua, DNNN đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 và những biến động trong khu vực và quốc tế, DNNN đã tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực DNNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong huy động nguồn lực, trong đó, vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch; các ngành chứa đựng giá trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cao... Hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn doanh nghiệp, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã nêu rõ, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của DNNN trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (địa phương), Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nội dung sau:

Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN.

Có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đô la Mỹ; 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon.

Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Đẩy mạnh huy động nguồn lực của DNNN vào phát triển kinh tế-xã hội

Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, một trong những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP là đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; gắn chiến lược phát triển của DNNN với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty phù hợp với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giao nhiệm vụ cho DNNN triển khai nghiên cứu đầu tư một số dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: năng lượng (trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), công nghiệp bán dẫn, đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia (như đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển...), hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất (như luyện thép, hóa dầu)... trên cơ sở thế mạnh, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Đi liền đó là xây dựng cơ chế khuyến khích phối hợp, hợp tác giữa DNNN với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án quy mô lớn, nâng cao hiệu quả tổng thể chuỗi dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành, lĩnh vực, mở rộng không gian kinh doanh trên nguyên tắc các bên cùng đạt hiệu quả. Nghiên cứu, nâng cao vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, nhất là vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để thu hút thêm nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho biết, nhiệm vụ và giải pháp khác mà Nghị quyết số 68/NQ-CP đưa ra là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN. Cụ thể là rà soát, tinh giản bộ máy; thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả. Kiên quyết phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành "lợi ích nhóm", "sân sau", lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Tiếp đó là, chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; tiết kiệm tối đa chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai... của DNNN, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh xây dựng uy tín và thương hiệu của DNNN trên thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường áp dụng mô hình kinh doanh mới, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sứ mệnh của DNNN đã được Đảng xác định rõ trong các nghị quyết Trung ương. "Trăn trở của chúng ta là làm thế nào để doanh nghiệp thực hiện được sứ mệnh này". Trên tinh thần đó, Nhà nước phải tạo môi trường, tạo không gian, hệ sinh thái doanh nghiệp phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh đất nước.

DNNN cần phải thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: sứ mệnh của DNNN đã được Đảng xác định rõ trong các nghị quyết Trung ương

"Hệ sinh thái đó phải sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự vật luôn chuyển động, có thể hôm nay việc này chúng ta làm là đúng, nhưng ngày mai việc đó có khi không đúng hoặc ngày hôm nay không đúng nhưng ngày mai lại đúng. Do đó, tư duy phải rất uyển chuyển, linh hoạt. Nhà nước phải tạo hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp từ việc đổi mới tư duy giữa quản lý chặt chẽ với phát triển hài hòa, hợp lý, thông qua cơ chế, chính sách, sự quan tâm, chia sẻ, trân trọng, cương quyết và nhất quán", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp có sự tách bạch, nhưng cũng có mặt hòa quyện. Tách bạch là Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước còn doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hòa quyện là Nhà nước tạo không gian, hệ sinh thái phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp. Và doanh nghiệp tích cực, chủ động cùng Nhà nước nhân rộng, thúc đẩy hệ sinh thái tốt hơn, đóng góp tốt hơn.

"Trong hơn 35 năm đổi mới, doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, góp phần vào thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước. DNNN còn thực hiện sứ mệnh của mình, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, thực hiện những việc mà doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI không làm được, nhất là ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo", Thủ tướng khằng định.

DNNN cần phải thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế - Ảnh 2.

Trong hơn 35 năm đổi mới, doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, góp phần vào thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước chia sẻ với các khó khăn của DNNN, nhất là các khó khăn khách quan như dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực…, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn những đóng góp của DNNN để đất nước vượt qua khó khăn.

Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, DNNN phải góp phần đắc lực, hiệu quả vào xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên.

Trong thời gian tới, DNNN kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, từ đó phải tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững, tạo bước phát triển đột phá.

PV