Việc tăng lương tối thiểu vùng là đúng đắn và rất cần thiết

Truyền thông - Ngày đăng : 09:56, 16/06/2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng, có hiệu lực từ 1/7/2022. Việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7 là đúng đắn và rất cần thiết, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu lao động, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Việc tăng lương tối thiểu vùng là đúng đắn và rất cần thiết - Ảnh 1.

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chia sẻ với công nhân, người lao động tại buổi đối thoại.

Thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực to lớn của Chính phủ

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm lộ trình tăng lương cho người lao động trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch COVID 19.

Theo đại biểu, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, trong khi đó, tình hình vật giá leo thang khiến đời sống của người lao động khó khăn chồng chất khó khăn, phải lo lắng về từng bữa cơm, manh áo, tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực cũng như tiến độ phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước.

Trước tình hình đó, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế bằng những chính sách tài khoá, tín dụng... Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, quyết định tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng là 6% so với hiện nay.

"Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, việc này được thực hiện ngay từ ngày 1/7/2022, dù trước đó, 8 hiệp hội có lượng lao động lớn đã kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023", bà Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7 là đúng đắn và rất cần thiết, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu lao động, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, động viên tinh thần người lao động, tạo động lực để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Việc tăng lương tối thiểu vùng là đúng đắn và rất cần thiết - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, điểm mới của Nghị định lần này là quy định tiền lương tối thiểu theo giờ, đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định về tiền lương tối thiểu theo giờ. Quy định này là cơ sở để tăng độ phủ an sinh, đảm bảo quyền lợi của người lao động đối với những công việc có tính chất linh hoạt, bán thời gian như làm việc cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cafe...).

Bước đầu thực hiện lương tối thiểu giờ thì cách tính mà Bộ LĐTB&XH đưa ra là phù hợp, đỡ xáo trộn khi lấy lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn. Tuy nhiên, người lao động hưởng lương theo giờ thiệt thòi hơn so với hưởng lương tháng vì không được hưởng các chế độ phúc lợi như nghỉ phép, ốm đau, bảo hiểm xã hội, y tế, phụ cấp…

"Thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu để điều chỉnh tăng lương tối thiểu giờ lên dần dần để đảm bảo đời sống người lao động, đồng thời, nghiên cứu thí điểm quy định hệ số cộng thêm phù hợp với đặc thù từng ngành nghề, lĩnh vực, trên cơ sở hài hòa quan hệ lao động để tính lương tối thiểu giờ, qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách tiền lương của Việt Nam", đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị.

Lắng nghe ý kiến xử lý kịp thời, thoả đáng

Mới đây, tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân trong chương trình có chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước". Tại cuộc đối thoại, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Tổ chức chương trình, Thủ gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ công nhân trên cả nước.

Thủ tướng nhắc lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt chặng đường cách mạng, mục tiêu cao nhất đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, được ấm no và hạnh phúc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chúng ta luôn xác định rõ quyền con người, xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, trong đó có công nhân. Chúng ta luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng các ý kiến của người lao động, trên cơ sở đó hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ thể có liên quan.

Trong 2 năm qua, do tình hình COVID-19, chúng ta không có nhiều điều kiện để tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan đã có nhiều hình thức để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với công nhân lao động. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh COVID-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

"Phải nói đời sống nhiều công nhân còn rất vất vả. Tôi vừa đi thăm khu nhà trọ công nhân tại Bắc Giang và thời gian qua cũng đã đi nhiều nơi để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống công nhân. Chúng ta cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với nguyện vọng anh chị em công nhân và phù hợp với tình hình thực tiễn", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh, các ý kiến của anh chị em công nhân lựa chọn ra rất đúng, rất trúng và rất cần được giải quyết.

"Tôi xin cảm ơn sự đóng góp này của anh, chị, em công nhân. Từ đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng LĐLĐVN tiếp thu, lắng nghe ý kiến và trao đổi. Một cuộc trao đổi không thể giải quyết hết tất cả các vấn đề, nhưng không thể không trao đổi"

Sau khi lắng nghe ý kiến, tập hợp các vấn đề, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát lại các thể chế, cơ chế, chính sách. Sau khi đã rà soát, cần phải nhanh chóng bổ sung, sửa đổi cho hoàn thiện.

"Chúng ta rất chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung, trong đó có giai cấp công nhân. Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, chúng ta phải cùng nhau giải quyết" – Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng đề nghị công nhân tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, để tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, những vấn đề xuất phát từ thực tiễn cùng nhau giải quyết kịp thời, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, nhân dân, trong đó có anh chị em công nhân.

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu những gì chưa làm được phải thẳng thắn rút kinh nghiệm, tiếp thu để làm tốt hơn. Từ đó, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của anh, chị, em công nhân về đời sống, công ăn việc làm, học hành, nâng cao trình độ, được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng cho biết: "Những trăn trở về tiêu cực, vấn đề phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn, an dân, cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực hiện cho thật tốt. Các địa phương từ lắng nghe ý kiến ngày hôm nay, những gì mình làm được tốt phải phát huy, những gì chưa tốt nhanh chóng khắc phục. Phối hợp với các bộ ngành, Tổng LĐLĐVN để xử lý kịp thời, thoả đáng".

PV