Phát triển đô thị thông minh trên metaverse và gợi ý cho Việt Nam
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:38, 16/06/2022
Metaverse: Hội tụ công nghệ số
Khái niệm metaverse đang xuất hiện ngày càng nhiều và dần phát triển trở thành xu hướng của thế hệ Internet tương lai. Đây là khái niệm về vũ trụ số, trực tuyến, bất tận, kết nối người dùng trong mọi mặt của cuộc sống. Tại đây, người dùng có thể làm việc, học tập, vui chơi, gặp gỡ và giao lưu với nhau thông qua công nghệ thực tế ảo.
Chia sẻ tại hội thảo khoa học "Metaverse - Giải mã và đối thoại" diễn ra ngày 14/6, GS. TS. Đinh Ngọc Thạnh, giảng viên tại Khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT), Đại học Soongsil, Seoul, Hàn Quốc, cho biết: "Chúng ta đang đứng trước điểm rơi hội tụ công nghệ cho chuyển đổi số (CĐS) bao gồm các công nghệ chính như IoT, 5G, 6G, điện toán đám mây (ĐTĐM), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain,... Các công nghệ này đang tiến dần tới giai đoạn trưởng thành để trở thành hạ tầng, công cụ cho CĐS".
Theo đó, để CĐS, chúng ta cần thu thập thông tin, tương tác giữa thế giới thực và thế giới ảo, do đó cần sự trưởng thành của công nghệ IoT, AR, VR; lượng dữ liệu lớn thu thập được cần nơi lưu trữ, do đó cần sự trưởng thành của công nghệ ĐTĐM. Dữ liệu lớn này cần được chuyển thành thông tin mang lại giá trị, cải tiến hoạt động do đó chúng ta cần sự trưởng thành của dữ liệu lớn, AI; để truy cập dữ liệu lớn và thông tin ở khắp mọi nơi chúng ta cần sự trưởng thành của công nghệ Internet, 5G và 6G. Để đảm bảo tính tin cậy của thông tin, giảm thiểu các bên thứ ba trung gian cần sự trưởng thành của công nghệ blockchain. Hay nói cách khác, metaverse là nơi giao thoa và hội tụ các công nghệ số.
Khi nói đến sự phát triển của metaverse, theo GS. TS. Đinh Ngọc Thạnh người ta thường đề cập đến mô hình 7 tầng của metaverse, trong đó gồm rất nhiều công nghệ hội tụ. Cụ thể, tầng 1 là tầng trải nghiệm (experience), là tầng quan trọng nhất, nhằm nâng cấp trải nghiệm của người dùng Internet như các buổi hòa nhạc và nhà hát nhập vai. Tầng 2 là tầng khám phá (discovery) nhằm thúc đẩy và giới thiệu cho mọi người những trải nghiệm mới, trong đó trải nghiệm thời gian thực là điểm nhấn trung tâm để cung cấp thông tin cho người dùng trong thế giới thực và thế giới ảo. Tầng 3 là nền kinh tế người sáng tạo (creator economy), chứa tất cả các công cụ và nền tảng mà người sáng tạo sử dụng hàng ngày để tạo ra những trải nghiệm mà mọi người thích.
Tầng 4 là tầng điện toán không gian (spatial computing) kết hợp các công nghệ như VR/AR/XR, 3D,... cho phép chúng ta tham gia và thao tác không gian 3D, và tăng cường thế giới thực với nhiều thông tin và kinh nghiệm hơn để cải thiện trải nghiệm người dùng. Tầng 5 là phân quyền (decentralization) nhằm tạo cơ sở hạ tầng để giúp xây dựng hệ thống mở, mô hình kinh tế mở. Trong tầng này hợp đồng thông minh đóng vai trò quan trọng.
Tầng 6 là giao diện người dùng (human interface) cung cấp các phương thức để chúng ta giao tiếp với nhau như kính VR hay trong tương lai là cảm biến, giao diện thần kinh của người dùng. Và cuối cùng, tầng 7 là cơ sở hạ tầng, gồm nhiều công nghệ khác nhau như 5G, 6G, ĐTĐM,... cho phép thiết bị hoạt động, kết nối chúng với mạng và cung cấp nội dung.
Việc nắm bắt cơ sở khoa học, nền tảng phát triển của công nghệ số để tạo nên metaverse giúp chúng ta nhận diện rõ các cơ hội và thách thức để đầu tư, phát triển metaverse cho các ngành, lĩnh vực trong thời gian đến. Theo GS. TS Đinh Ngọc Thạnh, thách thức đối với metaverse đó là cần mang lại giá trị, tạo ra trải nghiệm đủ hấp dẫn để thu hút người dùng sử dụng bởi mục tiêu cuối cùng là các công nghệ sinh ra đều nhằm phục vụ, cải thiện cuộc sống.
Xu hướng xây dựng các ĐTTM trên metaverse
Cũng tại hội thảo, TS. Trịnh Công Duy, Trưởng Lab nghiên cứu chuyên sâu về metaverse và CĐS của MetLab, đồng sáng lập Bizverse, cho biết metaverse là từ khóa hiện được nhắc tới nhiều trên thế giới và tại Việt Nam. Bên cạnh các công ty công nghệ, các công ty khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo thì metaverse cũng được khối chính phủ đón nhận.
Hồi tháng 11/2021, chính quyền thành phố Seoul thông báo sẽ triển khai một dự án có tên gọi "Metaverse Seoul" kéo dài trong 5 năm. Dự án trị giá 3,9 tỷ won (3,3 triệu USD) được xem là tầm nhìn về Seoul như một "thành phố cảm xúc trong tương lai". Trong đó, các điểm du lịch chính ở thủ đô Seoul như Quảng trường Gwanghwamun, Cung điện Deoksu và Chợ Namdaemun, sẽ được giới thiệu trên "Đặc khu du lịch ảo", trong khi địa điểm lịch sử không còn tồn tại như Cổng Donuimun cũng sẽ được tái hiện sinh động. Bắt đầu từ năm 2023, các lễ hội tiêu biểu như "Lễ hội Đèn lồng Seoul," cũng sẽ được tổ chức trên "Metaverse Seoul" để mọi người trên khắp thế giới đều có thể được chiêm ngưỡng.
Trong khi đó, Dubai cũng thiết lập cơ quan chính quyền trên metaverse. Ngoài ra, rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đã tuyên bố tầm nhìn liên quan tới metaverse.
"Điều đó cho thấy metaverse không chỉ là một công nghệ, một hoạt động kinh doanh mà còn là một xu hướng tương lai được các DN, quốc gia đón nhận", ông Trịnh Công Duy cho biết.
Theo ông Duy, sự bùng phát của COVID-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy các công nghệ số nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đại dịch cũng đem đến "làn sóng mới" cho thương mại điện tử (TMĐT), mang lại trải nghiệm mua sắm tại nhà. Thời gian qua, TMĐT đã có sự tăng trưởng bứt phá, tuy nhiên, trải nghiệm TMĐT hiện mới chỉ dừng ở mức mức hình ảnh, video. Cùng với sự phát triển của Internet, nhu cầu trải nghiệm của con người ngày càng tăng lên, họ muốn những trải nghiệm chuyên sâu hơn như ướm thử món đồ vào các vị trí trong nhà trước khi quyết định mua sản phẩm,...
Trong khi đó, các công cụ như bản sao số chỉ đơn thuần là việc tạo ra các mô hình đô thị (cảnh quan hiện tại của các tòa nhà, phương tiện giao thông, cây cối,...), từ đó giám sát toàn bộ hoạt động đô thị trên bản sao số thay vì giám sát trên thực tế. Nhược điểm của bản sao số chính là chỉ dừng mở mức độ mô hình hoá, nghĩa là chỉ mang được các đối tượng lên đó, rồi sử dụng các hệ thống cảm biến, IoT để thực hiện công tác giám sát. Tuy nhiên, việc xây dựng ĐTTM còn cần nhiều hơn vậy, chẳng hạn như mang những hoạt động kinh doanh, hoạt động giao tiếp lên môi trường số.
Các mô hình xây dựng ĐTTM trên nền tảng metaverse như cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc đang triển khai chính là kinh nghiệm cho các địa phương tại Việt Nam tham khảo.
Đầu tháng 3/2022, thành phố Hội An đã phối hợp với Bizverse thông qua dự án CĐS du lịch mang tên Hội An Metaverse để quảng bá du lịch đô thị cổ rộng rãi hơn, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19. Theo đó, các di tích, điểm tham quan, làng nghề truyền thống ở Hội An được số hóa bằng hình ảnh 3D, xây dựng không gian 360 Space, và được thuyết minh theo giọng nói địa phương của hướng dẫn viên bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Hội An cũng sẽ dùng metaverse để CĐS toàn diện ngành du lịch, bao gồm kết nối website VRTour vào hệ thống metaverse và đưa hệ thống bán hàng, bán vé tham quan qua hình thức TMĐT của Bizverse.
Hội An Metaverse sẽ được kỳ vọng sẽ giới thiệu Hội An với bạn bè thế giới sâu rộng hơn, giúp du khách có thể tham khảo lựa chọn để có trải nghiệm du lịch tốt hơn, qua đó thu hút thêm du khách trong nước và quốc tế đến với Hội An./.