Nhân lực công nghệ cao: Chìa khoá mở cánh cửa tương lai cho nông nghiệp
Kinh tế số - Ngày đăng : 17:24, 13/06/2022
Vừa phải tiết kiệm tài nguyên đất, nước, lại vừa phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường và cuộc sống là những thách thức trong sản xuất nông nghiệp trong kỷ nguyên số. Câu chuyện từ nông trại đến bàn ăn giờ đây sẽ được giải mã qua yếu tố số hoá. Do đó có thể nói nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay chính là đầu tư công nghiệp công nghệ cao. Nhưng để áp dụng công nghệ thì phải sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và chúng ta cần phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực đủ sức bắt kịp với khoa học kĩ thuật trong kỷ nguyên số hoá hiện đại.
Sự lựa chọn tất yếu của thời đại
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Nông nghiệp công nghệ cao là ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ thông tin, điều khiển tự động hóa, truyền thông, công nghệ viễn thám, kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học… trong lĩnh vực nông nghiệp – cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nhằm góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, giá trị cao, an toàn và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc trưng của nền nông nghiệp thông minh là số hóa các hoạt động sản xuất thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật; ứng dụng kết hợp các công nghệ điều hành, điều khiển, công nghệ vật liệu và công nghệ sinh học trong tổ chức nông trại; tự động hóa và thông minh hóa các hệ thống điều hành hoạt động trong chuỗi giá trị thực phẩm nông sản từ nông trại đến bàn ăn để đảm bảo cho chuỗi thực phẩm nông sản diễn ra liên tục hiệu quả và bền vững.
Cùng với xu hướng chung của thế giới trong công cuộc phát triển nền nông nghiệp thông minh, phát triển nông nghiệp bền vững bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, triển vọng và mang lại nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế – xã hội Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Ứng dụng khoa học công nghệ giúp thay đổi toàn cảnh bức tranh nông nghiệp nước nhà
Đối với khoa học công nghệ (KHCN), Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Lan (Đơn vị 66 năm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp Việt) cho rằng: với mỗi địa phương cũng cần quy hoạch tốt, đánh giá xem thực tế mỗi địa phương cần nhu cầu gì về KHCN dựa vào đặc thù thế mạnh văn hoá, địa lý, kinh tế, đất đai,… định hướng chiến lược của địa phương để xây dựng kế hoạch, tiếp nhận giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật, công nghệ… phù hợp từ các trung tâm nghiên cứu lớn, từ trường đại học, doanh nghiệp, địa phương, trong nước quốc tế. Đây là cách nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng "trí thức hóa nông dân"; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo vô tận của người dân nông thôn Việt Nam.
Với xu thế đó, vấn đề đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đi vào chiều sâu chất lượng, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng phù hợp để phát triển ngành nông nghiệp nước nhà có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới. Trên hành trình xây dựng vị thế, nâng tầm giá trị của mình, nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, chế biến - xuất khẩu và chuyển đổi số sẽ khơi dậy hết tiềm năng, thế mạnh để vươn xa."
Vì thế, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho NNCNC thực sự là một thách thức rất lớn và là một đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Để phát triển nguồn nhân lực cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị, chất lượng đào tạo Đại học, Cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao. Trước yêu cầu sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi nền nông nghiệp nước ta phải tái cơ cấu để thích ứng với biến đổi khí hậu, do đó nguồn nhân lực là một trong những giải pháp đột phá mang tính chất quyết định trên cơ sở mới, tận dụng được các yếu tố tài nguyên kể cả về đất đai, các tài nguyên khác cộng với thị trường đang mở ra để tiếp tục đưa nông nghiệp nước ta phát triển. Có thể nói đào tạo nhân lực cho NNCNC là một trong những giải pháp then chốt, là bước đi mang tính mở đường để xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và phát triển bền vững. Vì vậy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất chú trọng vào đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ chất lượng cao để đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu học tập, rèn luyện của người học cũng như đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi của các nhà tuyển dụng./.