Việt Nam - Lào thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số, dịch vụ CPĐT
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 22:01, 10/06/2022
Tối 10/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình chiến lược liên quan đến chuyển đổi số (CĐS) như Chương trình CĐS quốc gia, chiến lược kinh tế số, chiến lược chính phủ số và sắp tới sẽ ban hành chiến lược hạ tầng số, chiến lược dữ liệu. Cách đây mấy tuần, Việt Nam cũng đã ban hành chiến lược phát triển bưu chính.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã giới thiệu Trung tâm giám sát an ninh mạng Quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (ATTT) do Bộ TT&TT quản lý. NCSC có chức năng thông báo các lỗ hổng an ninh mạng của các phần mềm, giám sát các thông tin xấu độc trên mạng xã hội.... Trung tâm này mỗi ngày có thể lọc được 300 triệu tin, 30 triệu tin xuyên biên giới). Bộ TT&TT cũng đã triển khai trợ lý ảo với toàn bộ tri thức pháp luật của toàn ngành để hỗ trợ cán bộ làm việc tại Bộ. Mỗi công chức thuộc Bộ sẽ có một trợ lý. Bộ TT&TT có 3000 cán bộ công chức và có thêm 3000 trợ lý ảo.
Bộ TT&TT cũng đã cấp một số học bổng cho một số sinh viên Lào sẽ sang học tập tại Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) thuộc Bộ dự kiến vào cuối năm nay.
Với mối quan hệ anh em giữa Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn xây dựng chương trình đối tác số, tạo ra sự hợp tác toàn diện trong lĩnh vực công nghệ số giữa hai bên.
Bộ trưởng Boviengkham Vongdara bày tỏ vui mừng được thăm Việt Nam và làm việc trực tiếp với Bộ TT&TT. Trong thời gian qua, hai nước, hai Bộ đã ứng dụng CNTT hiệu quả trong việc trao đổi hợp tác trong bối cảnh dịch COVID-19.
Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cũng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về những hỗ trợ, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác gần gũi, chia sẻ giữa hai Bộ cũng như hai quốc gia và mong hợp tác giữa hai Bộ, hai quốc gia tiếp tục phát triển.
Sau buổi tiếp, hai Bộ trưởng đã chứng kiến Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post) và Tổng công ty Bưu chính Lào (Lao Post) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giai đoạn mới.
Sự thay đổi nhanh chóng trong các dịch vụ bưu chính, xu thế thị trường mới và các nhu cầu của khách hàng, BĐVN và Bưu chính Lào thống nhất phạm vi hợp tác trong các lĩnh vực và các hoạt động: (1) Phát triển kinh doanh song phương trong dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh (EMS), gói nhỏ TMĐT (E-packet) và dịch vụ Logistics nhằm đáp ứng xu thế mới và nhu cầu khách hàng; (2) Hợp tác triển khai giao nhận chuyến thư đường bộ qua cửa khẩu Việt Nam - Lào theo các quy định của UPU, ASEAN về nghiệp vụ, truyền nhận dữ liệu EDI, thanh toán quốc tế; (3) Thúc đẩy hợp tác song phương trong dịch vụ tài chính bưu chính, tem bưu chính; (4) Nghiên cứu, hợp tác để thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực bưu chính của Bưu chính hai nước; (5). Hợp tác đào tạo, trao đổi cán bộ.
Trong khi đó, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FIS) cùng Công ty Best Telecom, một công ty viễn thông trực thuộc AIF group - Lào đã ký kết hợp tác chiến lược trong nghiên cứu, xây dựng và phát triển các dịch vụ chính phủ điện tử, cũng như một số dự án CNTT tại Lào trong thời gian tới.
AIF group là một trong những tập đoàn đa nghành lớn nhất tại Lào làm trong nhiều lĩnh vực: khai khoáng, kim loại quý, ngân hàng, viễn thông, logistics… Best Telecom mong muốn tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm tư vấn, triển khai trong lĩnh vực viễn thông và chính phủ điện tử để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng CNTT/CĐS tại Lào. Đây cũng là các thế mạnh của FPT IS tại thị trường Việt Nam cũng như tại Lào.
Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT đã thành lập văn phòng đại diện tại Lào năm 2010. Từ đó đến nay, FPT IS đã và đang tạo dựng uy tín, triển khai nhiều dự án CNTT với các tổ chức và doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, chính phủ, ngân hàng tại Lào như: Lao Telecommunication Public Company, Unite, ETL, T-plus, Bcel, LaoViet Bank, ST Bank, Indochinabank, Tổng cục thuế Lào, Điện lực Lào (EDL)…
Sau lễ ký kết, hai Bộ trưởng và các đại biểu đã nghe Trung tâm ATTT mạng Quốc gia (NCSC), thuộc Cục ATTT giới thiệu trung tâm và Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số giới thiệu ứng dụng trợ lý ảo.
Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc NCSC cho biết đơn vị này có các nhiệm vụ: Giám sát, cảnh báo sớm và xử lý tấn công mạng tại Việt Nam; Giám sát tổng thể, phân tích "Nội dung thông tin" trên không gian mạng như các mạng xã hội; Đầu mới tập trung điều phối các ISP Việt Nam trong công tác xử lý ATTT; Đánh giá và xác định các tổ chức, cá nhân có nguy cơ làm mất ATTT trước khi nói hiện hữu. NSCC nhận các thông tin từ hơn 100 SOC trên khắp Việt Nam.
Trung tâm cũng vừa triển khai hệ thống xử lý tấn công mạng được đưa vào vận hành từ đầu năm nay, ngăn chặn hơn 3 triệu kết nối hại. Trong 6 tháng đầu năm đã xử lý 700 triệu kết nối độc hại đã được ngăn chặn. Trong 6 tháng, bảo vệ 1,6 triệu người dùng Việt Nam khỏi kết nối độc hại. Tại thời điểm giới thiệu Trung tâm, đã có hơn 400 người dùng Việt Nam được bảo vệ, tránh truy cập vào các đường link xấu, độc./.