Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp du lịch tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Truyền thông - Ngày đăng : 05:28, 09/06/2022

Chính sách phát triển nông nghiệp du lịch bền vững đã được ban hành tại Kế hoạch tái cấu trúc nông nghiệp 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2020… Đặc biệt, Nghị quyết số 08/NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lấy du lịch làm ngành trọng điểm của Việt Nam đã trở thành "kim chỉ nam" để các địa phương đẩy mạnh công tác phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững cho người dân 

Những năm gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp của Tuyên Quang phát triển dựa trên điều kiện tự nhiên sẵn có, từ đó tạo mối liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sự tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của địa phương.

Để hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thời gian qua, Tuyên Quang đã quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường giao thông, viễn thông đến các vùng, địa phương.

Cùng với đó đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thu hút du khách đến tham quan; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ khách du lịch.

Hiện nay, các tour du lịch về loại hình du lịch nông nghiệp ở tỉnh gồm: Du lịch cộng đồng homestay kết hợp tham quan lòng hồ thủy điện Tuyên Quang kèm theo trải nghiệm các hoạt động bắt cá, làm bún khô xã Đà Vị; trải nghiệm du lịch Hồng Thái (Na Hang), ngắm ruộng bậc thang, chế biến chè Shan Tuyết, thu hoạch dâu tây; tham quan các nhà vườn trồng cam sành, thanh long tại huyện Hàm Yên; trải nghiệm hái và chế biến chè tại Làng nghề Chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào...

Trong đó những năm gần đây loại hình du lịch homestay ở tỉnh phát triển. Hiện toàn tỉnh có gần 100 homestay với sức chứa trên hơn 2.000 khách, tập trung tại hầu khắp các huyện phát triển du lịch như: Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, trong đó một số địa phương đưa homestay trở thành sản phẩm đặc trưng được gắn sao OCOP như huyện Lâm Bình. Du lịch homestay đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Để người nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn, các địa phương quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn để giúp nông dân nâng cao kỹ năng làm du lịch, từ ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với người dân để kết nối tour tuyến thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp du lịch tại các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm làm bún khô tại Na Hang (Tuyên Quang). Ảnh Internet

Mới đây, trong chuyến công tác tìm hiểu một số mô hình phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch một cách bền vững, lâu dài, người dân cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về những lợi ích thiết thực từ việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Tuyên Quang cần quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương tạo ấn tượng với khách du lịch; đồng thời, cần có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp. Tỉnh cần thực hiện quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có thể thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa. Nó không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng

Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như thu nhập của người dân đa số thấp; hiệu quả trong thực thi, quá trình liên kết các tổ chức, kinh doanh còn rời rạc; giá trị sản phẩm thấp do còn chế biến thô, ít hàm lượng khoa học công nghệ; An toàn thực phẩm chưa được kiểm soát; điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường.

Hội thảo về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng tại Sơn La vừa qua, đã đánh giá: Sơn La có nhiều tiềm năng về dược liệu, có thể cạnh tranh với Tây Nguyên, Hòa Bình nhưng còn thiếu những chính sách, hoạch định phát triển, khai thác các tiềm năng, thế nhưng vẫn còn phát triển chậm, chưa có những hoạch định, chính sách liên kết để phát triển,..Sơn La cần đề ra những tầm nhìn để tạo ra sự đột phá.

Nhiều startup còn ngần ngại trong việc phát triển ý tưởng do trở ngại về vấn đề pháp lý, chính sách…

Nông nghiệp và du lịch đã có bước chuyển mình lớn trong những năm gần đây. Chỉ cần thay đổi tư duy, cả nền kinh tế sẽ thay đổi.

Phát triển mô hình hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng: khi nông nghiệp phát triển bền vững, nó sẽ trở thành một sản phẩm tốt với du lịch. Cách thức quản lý du lịch cộng đồng liên quan đến mối liên hệ giữa các thành phần trong hệ sinh thái rất phức tạp, bắt buộc phải có công nghệ kết nối để có thể đo lường được các thông số, mối quan hệ…

Một số giải pháp đã được đưa ra tại Hội thảo: Đào tạo và tập huấn là giai đoạn đầu tiên hình thành nên du lịch cộng đồng, cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ, hình thành nên nhận thức chung phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Với những lợi thế về thiên nhiên, lịch sử…ẩm thực là câu chuyện sẽ rất thu hút cho văn hóa trong thời gian tới.

Cần phải có tri thức để cung cấp, thiết kế các gói dịch vụ chạm đến cảm xúc của du khách. Việc giao lưu, thu hút du khách đến trải nghiệm vừa phát triển các sản phẩm về nông nghiệp, ẩm thực, thương hiệu của địa phương, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Du lịch cộng đồng là cơ chế chính sách giúp địa phương trở nên có sức sống hơn, năng động hơn và kết nối mạng lưới dễ dàng hơn. Cần tận dụng và khai thác nguồn lực con người - các chuyên gia. Mỗi cá nhân, tổ chức, địa phương phải thay đổi chính mình - tiếp thu tri thức, hình thành văn hóa mới, liên kết với nguồn lực khác.

Xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện cho xu thế mới này: khuyến khích chuỗi giá trị của nông nghiệp du lịch ẩm thực, phải có đề tài để thử nghiệm, Trụ cột đổi mới sáng tạo lấy thị trường làm nền tảng để giải quyết các đề bài.

Đối với du lịch cộng đồng, cần có một quy trình và cách thức hình thành dựa trên lợi thế của địa phương (thiên nhiên, văn hóa, lịch sử…), sau đó phải khảo sát và khuyến khích, cam kết với địa phương để hình thành nên mô hình du lịch cộng đồng.

Để hình thành nên một mô hình du lịch cộng động thì cần dựa trên những lợi thế của địa phương với nhiệt huyết, niềm đam mê của những người tiên phong.

Việc nhận thức được đầy đủ và liên kết được 3 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà trường sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

Có thể khằng định, Sơn La là địa phương có nhiều tài nguyên và tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, con người… rất lớn. Rõ ràng, đây là cơ hội nhưng phải có tầm nhìn, chiến lược và cần có nguồn lực, tri thức từ bên ngoài tác động vào địa phương.

T.H