Bộ TT&TT đổi mới thực hiện cơ chế một cửa hướng tới 3 mục tiêu

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:22, 08/06/2022

Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ.

Triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1212/QĐ-BTTTT ngày 12/08/2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của Bộ TT&TT, Văn phòng Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng "Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của Bộ TT&TT".

Theo đó, Văn phòng Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Đề án với 02 vấn đề đổi mới cốt lõi là: Đổi mới mô hình tổ chức bộ phận một cửa (BPMC) và đổi mới hệ thống thông tin giải quyết TTHC để khắc phục những hạn chế trong thực hiện cơ chế một cửa của Bộ và hướng tới 03 mục tiêu: số hoá, phi địa giới hành chính và xã hội hóa một số bước trong giải quyết TTHC.

Với mục tiêu xã hội hóa một số bước trong giải quyết TTHC tại Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC (Đề án 468) và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Văn phòng Bộ TT&TT đã trao đổi, làm việc với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) là doanh nghiệp (DN) bưu chính công ích (BCCI) để nắm bắt khả năng đáp ứng của DN nếu được Bộ thuê thực hiện.

Để thực hiện được cơ chế một cửa, một cửa liên thông và hướng tới mục tiêu số hoá, phi địa giới hành chính theo yêu cầu của Chính phủ, Văn phòng Bộ TT&TT cho biết cần phải đổi mới hệ thống giải quyết TTHC. Theo đó, phải nâng cấp, hoàn thiện hệ thống; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của của hệ thống; tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại các BPMC của Bộ. Cụ thể là rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, kết quả giải quyết TTHC; số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực và chuyển đổi hồ sơ, tài liệu giấy liên quan đến giải quyết TTHC để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Về phương án đề xuất triển khai giao DN cung ứng dịch vụ BCCI thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC theo Quyết định 468/QĐ-TTg tại BPMC của Bộ TT&TT, BĐVN đề xuất thực hiện: chuyển giao việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại BPMC; chuyển giao việc bố trí trang thiết bị, phương tiện làm việc cho BPMC.

Việc triển khai phương án này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu về trang thiết bị BPMC; cán bộ công chức phụ trách việc giải quyết, thẩm định hồ sơ TTHC sẽ tập trung việc chuyên môn không phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, phản hồi về hồ sơ tới tổ chức, cá nhân; cơ quan giải quyết TTHC sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết TTHC từ khi nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân; tiết kiệm được biên chế bố trí cho bộ phận thẩm định hồ sơ vì giảm được các công đoạn hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá, trả kết quả giải quyết TTHC.

Các tổ chức, cá nhân sẽ tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian đi lại khi cần hỏi đáp, đến nộp hồ sơ; rút ngắn thời gian thực hiện TTHC; được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo nhiều phương án phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng thực hiện.

Tại phiên họp với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT về triển khai Đề án ngày 8/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết việc đổi mới giải quyết TTHC sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan nhà nước, DN, cá nhân. Các đơn vị thuộc Bộ phải lưu ý việc này để đảm bảo tính minh bạch, tham nhũng.

Thứ trưởng cũng đề nghị Văn phòng Bộ chủ trì thống nhất với BĐVN và các đơn vị liên quan thuộc Bộ hình thành bộ phận một cửa và xem xét lại hệ thống phần mềm để liên thông dùng chung./.

Hoàng Linh