Các startup công nghệ giáo dục chật vật khi trường học quay lại “bình thường mới”
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 21:45, 07/06/2022
Vào ngày 25/3/2020, Ấn Độ bắt đầu áp dụng chính sách đóng cửa trên toàn quốc để phòng chống dịch COVID-19. Tất cả các trường học, cao đẳng và trung tâm giáo dục đều dừng dạy học trực tiếp. Sau đó, các ứng dụng giáo dục trực tuyến đồng loạt ra mắt, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục ở Ấn Độ.
Trong một năm, mặc dù các nhà đầu tư thận trọng, song các công ty khởi nghiệp edtech ở Ấn Độ vẫn huy động được mức kỷ lục 2,2 tỷ USD, lần đầu tiên dẫn đầu về khối lượng giao dịch. Động lực này cũng tiếp tục vào năm 2021, với việc chỉ riêng startup giáo dục Byju's đã huy động được hơn 1 tỷ USD tiền tài trợ.
Công nghệ giáo dục trở thành mảng khởi nghiệp giá trị nhất của Ấn Độ vào tháng 6 năm ngoái - với mức định giá 16 tỷ USD. Ngành công nghiệp này hiện đã được định giá hơn 22 tỷ USD. Unacademy, một công ty edtech hàng đầu khác trong nước, đã chứng kiến mức định giá tăng vọt 70% từ 2 tỷ USD vào tháng 11/2020 lên 3,44 tỷ USD vào tháng 8/2021.
Nhưng đến năm 2022, công nghệ giáo dục trực tuyến bắt đầu nếm trải thử thách.
Từ chính sách học online đến offline
Hàng loạt quyết định cắt giảm nhân viên gần đây của các trung tâm giáo dục WhiteHat Jr, Unacademy, Vedantu, Lido Learning và nhiều tên tuổi khác cho thấy lĩnh vực công nghệ giáo dục edtech đang rơi khỏi thời kỳ “đỉnh cao” trong giai đoạn “đỉnh dịch”. Việc sa thải nhân viên gần đây có thể chỉ là sự khởi đầu của lĩnh vực công nghệ giáo dục Ấn Độ. Jangir của Incluzon cảnh báo rằng ngành công nghiệp này có thể chứng kiến nhiều đợt sa thải hơn nữa trong tương lai gần.
Các startup edtech hiện đang phải tự đổi mới mình bằng cách chuyển sang mô hình kết hợp cả online và offline, phục vụ các học sinh ôn thi vượt qua các kỳ thi cạnh tranh. Byju's đã đưa ra ý định và kế hoạch mở rộng sang ngoại tuyến rất rõ ràng vào tháng 4 năm ngoái khi họ mua lại Công ty TNHH Dịch vụ Giáo dục Aakash có trụ sở tại Delhi với giá 950 triệu USD để tận dụng thị phần ngoại tuyến của Aakash.
Vào thời điểm đó, người sáng lập Byju's Raveendran đã nói: “Tương lai của việc học là kết hợp và sự liên kết này sẽ mang lại những điều tốt nhất cho việc học ngoại tuyến và trực tuyến. Chúng tôi sẽ kết hợp chuyên môn của mình để tạo ra những trải nghiệm tác động khác biệt cho sinh viên”.
Sự hiện diện của lớp học ngoại tuyến - ngoài việc thu hút khách hàng - có thể giúp xây dựng lòng tin thương hiệu giữa các bậc cha mẹ từ nhóm thu nhập thấp đến trung bình, những người có thể đã xem các quảng cáo trực tuyến của công ty nhưng không quá tự tin đầu tư vào phương thức giáo dục chỉ diễn ra online.
Các startup edtech đối mặt nhiều thách thức
Đối với những startup edtech trực tuyến, mở rộng các lớp học ngoại tuyến có nghĩa là mô hình kinh doanh sẽ có nhiều thay đổi. Trung tâm Unacademy, một tập đoàn giáo dục lớn, có kế hoạch tuyển sinh gần 15.000 người học trong đợt đầu tiên tại các Trung tâm Unacademy ở Kota, Jaipur, Bengaluru, Chandigarh, Ahmedabad, Patna, Pune và Delhi, nhận thức rõ những thách thức đối với mô hình hybrid (kết hợp) này.
Himanshu Gautam, đồng sáng lập nền tảng kiểm tra và nâng cao kỹ năng Safalta, cho rằng đầu tư vào những lớp học ngoại tuyến cũng như mô hình kết hợp là một đề xuất mạo hiểm, bởi vì mọi thứ vẫn chưa ổn định với làn sóng dịch COVID-19. Trong đó, rào cản lớn hơn chính là việc giải quyết mối thách thức về giá cả giữa lớp học trực tuyến và ngoại tuyến, việc duy trì các mức giá khác nhau với cùng một loại sản phẩm.
Trong trường hợp này, những thương hiệu edtech được tài trợ mạnh đã chi đủ tiền cho hoạt động tiếp thị và bán hàng tích cực nhằm đảm bảo sản phẩm của họ được công nhận rộng rãi. Những startup này cũng có thể định giá dịch vụ của họ một cách cạnh tranh, thu hút học sinh, sinh viên từ các địa phương.
“Chúng tôi cố gắng giữ mức giá thấp nhất có thể để tất cả sinh viên đều có thể tiếp cận. Nhóm mục tiêu của chúng tôi là sinh viên từ các tầng lớp kinh tế thấp hơn”, Gaurav Gularia, giám đốc cấp cao về thương hiệu của Physics Wallah, nơi cung cấp các lớp học trực tiếp để luyện thi NEET và JEE, cho biết.
Công ty cũng đã bổ sung thêm 22 trung tâm tại 20 thành phố dựa trên nhu cầu của sinh viên.
Nỗ lực tìm kiếm các nguồn doanh thu mới
Đối với thương hiệu luyện thi Aakash Byju's, hoạt động kinh doanh số chỉ đóng góp tỷ lệ phần trăm một con số vào doanh thu. Tuy nhiên, công ty đặt mục tiêu tăng doanh thu lên một phần ba trong một vài năm.
Phương pháp kết hợp giữa giáo dục và luyện thi cũng đang được Tập đoàn Sri Chaitanya có trụ sở chính tại Hyderabad thực hiện. Đơn vị này đã ra mắt nền tảng luyện thi Infinity Learn vào tháng 6/2021 với các khóa học trực tuyến cho các kỳ thi cạnh tranh.
Trong khi mô hình trực tuyến giúp các công ty edtech quản lý chi phí cơ sở hạ tầng và cung cấp các khóa học có cấu trúc tốt, giá cả phải chăng, thì ngoại tuyến đặc biệt hữu ích khi nói đến tương tác ngang hàng.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng phương thức giáo dục trực tuyến phát huy tác dụng đối với một số ngành học nhất định, đặc biệt là các khóa học cấp chứng chỉ và đào tạo kỹ năng. Nhưng nó có thể không phải là phương pháp phù hợp nhất cho tất cả.
Gần đây, trong một bức thư gửi cho nhân viên, Unacademy nói rằng công ty nên tập trung vào ‘lợi nhuận bằng mọi giá’.
Đầu năm nay, startup edtech Ấn Độ là Eruditus đã dành 1 tỷ USD cho việc mua bán và sáp nhập năm 2022. Công ty cũng đã huy động được 350 triệu USD trong khoản tài trợ bằng nợ ở nước ngoài từ CPPIB (Canada Pension Plan Investment Board). Tài trợ bằng nợ là hình thức huy động vốn của công ty bằng cách phát hành các công cụ nợ và bán cho các nhà đầu tư. Tài trợ bằng nợ được sử dụng khi một công ty cần có tiền cho vốn lưu động hoặc chi phí vốn bằng cách bán các công cụ nợ cho các cá nhân và các nhà đầu tư tổ chức. Các cá nhân hoặc tổ chức cho doanh nghiệp vay tiền trở thành chủ nợ của doanh nghiệp và nhận được lời hứa hẹn rằng tiền gốc và lãi cho khoản nợ sẽ được hoàn trả.
Tương tự, Byju’s đã huy động được hơn 850 triệu USD tài trợ bằng nợ ở nước ngoài và công ty đang xem xét việc mua lại các công ty trên toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economic Times, nhà sáng lập Byju's Raveendran nói rằng công ty sẽ tìm kiếm các thương vụ mua lại trị giá hàng tỷ USD tại Mỹ.
Một số kỳ lân edtech đang tham gia vào các vụ thâu tóm khổng lồ. Không chỉ mua lại, các công ty edtech sẽ tích cực tìm kiếm các dòng doanh thu mới hơn trong năm nay bằng cách cung cấp các loại gói, nền tảng công nghệ khác nhau hoặc bằng gói học ngoại tuyến. Trong vài tháng qua, các công ty như Vedantu đã tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm của họ để thu hút học sinh và phụ huynh. Công ty được Tiger Global hậu thuẫn đã ra mắt nền tảng học tập nhập vai vào tháng 3 bằng cách tận dụng trí tuệ nhân tạo và khả năng học máy để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình với các đối thủ cạnh tranh như Byju’s. Vedantu cũng tung ra gói học phí siêu rẻ cho sinh viên để chiêu dụ phụ huynh.
Một người trong cuộc cho biết, cửa hàng trải nghiệm đã được mở ra để giới thiệu khả năng công nghệ của hãng và công ty đang kỳ vọng thu hút người học thông qua đó.
Không thể phủ nhận rằng trong tương lai, tất cả các dịch vụ edtech sẽ có cả điểm tiếp xúc trực tuyến và ngoại tuyến. Ngành công nghiệp này sẽ phát triển để tiếp cận đúng đối tượng khán giả./.