Bắc Giang nỗ lực đưa vải thiều đến nhiều thị trường nước ngoài

Truyền thông - Ngày đăng : 21:38, 06/06/2022

Bắc Giang đang đẩy mạnh nỗ lực kết nối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước nhằm tăng cao sản lượng tiêu thụ mùa vụ vải thiều năm 2022. Tỉnh cũng xúc tiến nhiều hoạt động chuyển đổi số (CĐS), hỗ trợ quảng bá nông sản của Bắc Giang trên hệ thống các ứng dụng, sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Ngày 4 và 5/6 vừa qua, vải thiều Bắc Giang đã lần đầu có mặt trong Lễ hội Việt Nam tại Tokyo năm 2022. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và hai doanh nghiệp là Công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn Cầu giới thiệu trực tiếp vải tươi tới khách tham quan lễ hội. Du khách được trải nghiệm, ăn thử và cảm nhận vị ngon của trái vải tươi. 

Lễ hội Việt Nam tại Tokyo là một sự kiện nằm trong chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Nhật Bản, qua đó góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Nhiều nỗ lực đưa vải thiều ra nhiều nước trên thế giới

Lần đầu tiên xuất hiện ở Lễ hội Việt Nam tại Tokyo, tuy nhiên, vải thiều Bắc Giang đã thâm nhập thị trường Nhật Bản từ năm 2019. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu quả vải tươi đã được Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức. Năm 2021, Bắc Giang đã được Nhật Bản cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều. Năm 2022, Bắc Giang mong muốn sản lượng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ tăng.

Không chỉ Nhật Bản, Bắc Giang đã và đang nỗ lực kết nối để đưa vải thiều thâm nhập nhiều thị trường trên thế giới. Chiều 3/6, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ trì buổi làm việc với GS. Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ về việc xúc tiến thương mại đầu tư và kết nối, tiêu thụ vải thiều, một số nông sản của Bắc Giang sang thị trường Mỹ. Bắc Giang xác định Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua nông sản lớn, tuy nhiên, đây lại là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt…. 

Vì vậy, tỉnh đề nghị GS. Nguyễn Đình Phú cung cấp thông tin về thị trường, chính sách xuất, nhập khẩu, các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình thủ tục, chứng nhận an toàn, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào kỹ thuật của Hoa Kỳ đối với vải thiều tươi, các sản phẩm chế biến từ vải thiều. Đồng thời hợp tác, hỗ trợ tỉnh thúc đẩy thương mại, giới thiệu, quảng bá tiềm năng lợi thế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và kết nối với các tập đoàn, nhà đầu tư có uy tín…

Trước đó, tỉnh Bắc Giang cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), các tỉnh, thành phố và một số cơ quan chức năng nước ngoài tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hơn 60 điểm cầu chính. 13 điểm cầu quốc tế cũng đã được kết nối với hội nghị, gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore, Thái Lan, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). 

Tỉnh Bắc Giang mong muốn Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore, Thái Lan, UAE... có những định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều vào thị trường các nước bạn…

Bắc Giang nỗ lực đưa vải thiều đến nhiều thị trường nước ngoài - Ảnh 2.

Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, tổ chức hội nghị ký kết tiêu thụ vải thiều sang châu Âu ngay tại khu sản xuất vải.

Quảng bá, tiêu thụ nông sản Bắc Giang trên các ứng dụng, sàn TMĐT

Tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang duy trì kết nối, quảng bá thương hiệu vải thiều ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Bộ chú trọng khai thác các kênh phân phối trực tuyến, TMĐT cho nông sản. Bộ Công thương sẽ hỗ trợ cập nhật thông tin về các chính sách xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu.

Hiện nay, Bắc Giang đang đẩy mạnh các nỗ lực CĐS, hỗ trợ quảng bá xúc tiến các nông sản của Bắc Giang trên hệ thống thông tin điện tử và các trang website trên toàn quốc; các sàn TMĐT của Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Viettel Post… Vừa qua, các sàn TMĐT trong và ngoài nước cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ vải thiều, trong đó hai sàn TMĐT Việt Nam là Postmart.vn của Tổng công ty BĐVN và sàn voso.vn của Viettel Post đã tham gia ký kết. 

Năm 2022, sàn TMĐT Postmart dự kiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang, cụ thể như vải thiều là 2000 tấn và các nông sản, thực phẩm khác là 500 tấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết tỉnh Bắc Giang rất quan tâm đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tỉnh luôn thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các nền tảng số, trên fanpage, Facebook, Zalo…

Tập đoàn Central Retail cho biết 2022 sẽ là năm đầu tiên bộ phận bán hàng tại các siêu thị của Central Retail sẽ tiến hành livestream bán vải, nhằm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Central Retail đã ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Bắc Giang để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều mùa vụ năm 2022 và cam kết đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên tất cả các kênh phân phối, bán lẻ của tập đoàn tại Việt Nam, đặc biệt là tất cả các trang TMĐT, app Go, app Big C để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài việc ứng dụng các nền tảng số trong khâu phân phối bán hàng, Bắc Giang cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc vải thiều, do đó chất lượng cao hơn năm trước. Sản lượng vải thiều ước đạt 180.000 tấn, trong đó, vải sớm khoảng 60.000 tấn, vải chính vụ khoảng 120.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 25/7./.

Đỗ Thêu