VNNIC Internet Conference - Diễn đàn mới chuyên sâu về Internet, công nghệ tương lai cho cộng đồng Việt Nam
Bản tin ICT - Ngày đăng : 06:35, 06/06/2022
VNNIC Internet Conference - Diễn đàn mới chuyên sâu về Internet, công nghệ phục vụ phát triển cộng đồng
Internet đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, là hạ tầng, nền tảng cho chuyển đổi kinh tế số, xã hội số. Sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet ngày càng diễn ra nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối, dữ liệu, an toàn cho mạng Internet.
Để phát triển Internet Việt Nam theo đúng xu hướng toàn cầu, phù hợp với tốc độ phát triển, hiện trạng, nguồn lực quốc gia đòi hỏi sự định hướng đúng đắn của chính phủ, sự hợp tác, chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn lực về Internet, chia sẻ thông tin, kiến thức, kỹ thuật,... cần được chú trọng.
Đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT đã xây dựng diễn đàn mới, chuyên sâu về Internet với tên gọi VNNIC Internet Conference, mong muốn mở ra một bước tiến mới cho cộng đồng - nơi các chuyên gia hàng đầu về Internet gặp gỡ, chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh về phát triển bền vững mạng Internet Việt Nam.
VNNIC Internet Conference 2022 được tổ chức từ ngày 22 - 25/6/2022 tại TP. Đà Nẵng bao gồm chuỗi sự kiện: 03 hội thảo (workshop) và 01 Hội thảo chính. Sự kiện được chủ trì bởi Lãnh đạo Bộ TT&TT, quy tụ hơn 300 lãnh đạo/CEO, chuyên gia Internet trong nước và quốc tế; kết nối tất cả các nhóm đối tượng cộng đồng Internet Việt Nam, từ cơ quan nhà nước phụ trách CNTT, đến các DN cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động, Cloud, IDC, dịch vụ nội dung,... Nhà đăng ký tên miền “.vn”, thành viên VNIX, thành viên địa chỉ IP Việt Nam,...
Trong khuôn khổ sự kiện, VNNIC cũng tổ chức chương trình đào tạo riêng dành cho sinh viên các trường đại học, với mong muốn phát triển nguồn nhân lực cho thế hệ tương lai (NextGen) của Internet Việt Nam.
Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19, chủ đề “Tương lai của Internet” (The Future of Internet) được lựa chọn làm chủ đề chính của sự kiện, với mong muốn cùng cộng đồng chuyên gia thảo luận, giải quyết các bài toán lớn, chuyên sâu về Internet; khai thác giá trị Internet, tài nguyên Internet để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Tâm điểm của sự kiện sẽ có các bài trình bày bởi các chuyên gia hàng đầu về Internet trên thế giới:
- “Tương lai của Internet”, trình bày bởi ông Geoff Huston, Chief Scientist tại Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC)
- Công nghệ 5G/6G, IoT, điện toán đám mây (ĐTĐM) (cloud computing) và blockchain trên nền IPv6, trình bày bởi ông Latif Ladid, Nhà sáng lập và Chủ tịch Diễn đàn IPv6 Forum/Chủ tịch nhóm nghiên cứu công nghệ đổi mới nâng cao về IPv6 của Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI ISG IPE)
- Blockchain và tương lai của Internet, trình bày bởi ông Jimmy Nguyễn, Nhà sáng lập và Chủ tịch BSV Blockchain
Vậy... tương lai của Internet sẽ như thế nào?
Khi nói đến tương lai của Internet, chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ đến sự bùng nổ của các công nghệ mới Internet of Things (IoT), ĐTĐM, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, 5G/6G,... Sự phát triển của các công nghệ mới đòi hỏi số lượng các thiết bị kết nối mạng khổng lồ (vượt hơn 100 tỷ thiết bị), nhu cầu kết nối, làm việc, giải trí tốc độ cao,... từ bất cứ địa điểm nào.
Với viễn cảnh nào của Internet trong quá trình số hoá tương lai, địa chỉ Internet thế hệ mới - IPv6 là tương lai duy nhất của Internet. Vint Cerf - cha đẻ của Internet cũng từng nhận định rằng: “Với sự phát triển của các ứng dụng IoT và sự gia tăng các thiết bị, việc chuyển đổi IPv6 trên mọi thứ là điều không thể tránh khỏi”. [1]
Không chỉ giải quyết vấn đề về thiếu hụt địa chỉ IPv4, IPv6 cung cấp khả năng triển khai Internet thế hệ mới với tốc độ cao, hiệu quả, linh hoạt, thông minh, đáp ứng các yêu cầu kết nối của kỷ nguyên kỹ thuật số. Kể từ mạng di động thế hệ 4G/LTE, IPv6 đã trở thành giao thức mặc định cho phép trải nghiệm người dùng tốt hơn, hỗ trợ bảo mật nhiều lớp, đồng thời giúp đơn giản kiến trúc mạng.
Theo thống kê của Google, tính đến tháng 3/2022, tỷ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu đạt khoảng 34% với 1,9 tỷ người sử dụng IPv6. Tuy bắt đầu triển khai sau các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), các nhà mạng di động hiện vươn lên dẫn đần về chuyển đổi IPv6.
Cụ thể, nhà mạng Reliance Jio Infocomm của Ấn Độ có tỷ lệ chuyển đổi IPv6 hơn 93%; T-Mobile USA có hơn 90% lưu lượng truy cập qua IPv6; Verizon Wireless đạt 82,63%; Comcast và AT&T với lưu lượng lần lượt là 70% và 73% [2]. Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã và đang thúc đẩy các chính sách hỗ trợ chuyển đổi IPv6 để đạt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang IPv6.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 4/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 50% (tăng 3% so với 2021), đứng thứ 10 toàn cầu, thứ 3 Châu Á và thứ 2 khu vực ASEAN. Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang hoạt động với IPv6, 100% người sử dụng truy cập Internet IPv6 tới năm 2025.
Tuy nhiên, tương lai của Internet sẽ không chỉ dừng ở việc chuyển đổi sang IPv6 để giải quyết nhu cầu về tài nguyên Internet. Sự kết hợp IPv6 với các công nghệ tiên tiến, hình thành các mạng “IPv6 +” sẽ tạo ra tính đột phá và cải tiến cho mạng Internet tương lai.
Để nghiên cứu về việc áp dụng, đổi mới công nghệ IPv6, Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI) đã thành lập nhóm Công nghệ đổi mới nâng cao về IPv6 (IPv6 Enhanced Innovations - IPE) nhằm đưa ra các phương pháp triển khai và hướng dẫn cho các tính năng nâng cao của IPv6, ứng dụng công nghệ IPv6 trong các lĩnh vực điều hành, dịch vụ công, tài chính, năng lượng, giáo dục.
Tính đến tháng 3/2022, Nhóm đã thu hút hơn 80 thành viên tham gia từ các chính phủ, ISP, viện nghiên cứu,...; hơn 100 trường hợp thương mại ứng dụng công nghệ IPv6 đã được phát triển trên toàn cầu.
Các phân tích của Nhóm đã chỉ ra rằng, công nghệ cải tiến IPv6 (IPv6+AI, IPv6+SRv6,...) sẽ trở thành xu hướng chính để nâng cấp và cải tiến mạng Internet; đồng thời tác động trực tiếp đến GDP của một quốc gia, tạo ra nền tảng số hoá cho nhiều ngành công nghiệp.
Cụ thể, IPv6+AI giúp rút ngắn 80% thời gian phân tích nguyên nhân sự việc và giảm 50% chi phí vận hành, bảo dưỡng cho các ngành sản xuất. Trong lĩnh vực tài chính, công nghệ mới trên nền IPv6 nâng cao tính linh hoạt trong các giao dịch trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số. SRv6 cho phép các chi nhánh và đại lý ở các khu vực khác nhau có thể truy cập các dịch vụ đám mây chỉ trong một bước.
Bên cạnh các công nghệ cải tiến IPv6 nói trên, blockchain cũng được đánh giá như “phát minh ra mạng Internet lần thứ hai”. Theo ông Ladid Latif, Chủ tịch Diễn đàn IPv6 toàn cầu (IPv6 Forum), “blockchain được thiết kế cho IPv6. Bằng cách sử dụng không gian địa chỉ IPv6 làm nguồn và đích cho các giao dịch blockchain, chúng ta có mô hình Internet tốt nhất, xây dựng một thế giới và tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.
Việc ứng dụng công nghệ mới trên nền IPv6, kết hợp cùng AI, IoT, 5G/6G và blockchain không chỉ mở bước tiến mới cho tương lai của Internet mà còn đặt ra các vấn đề về mở rộng hạ tầng mạng lưới, phát triển các hạ tầng Internet quan trọng (DNS, IX,...), yêu cầu về bảo mật, an toàn thông tin, khai thác dữ liệu,...
Bên cạnh việc thảo luận, chia sẻ tầm nhìn về “Tương lai của Internet”, VNNIC Internet Conference 2022 đặt mục tiêu cùng cộng đồng chuyên gia Internet Việt Nam và quốc tế thảo luận, đưa ra các giải pháp cho các “bài toán” Internet tại địa phương, sẵn sàng phát triển Internet thế hệ mới, cụ thể:
- Chuyển đổi IPv6 tại cơ quan nhà nước, xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT của địa phương, Bộ ngành bền vững, hiện đại; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) với IPv6;
- Tên miền quốc gia “.vn” gắn với các dịch vụ số Make in Việt Nam, thúc đẩy phát triển dịch vụ trực tuyến trong nước;
- Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX; Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực;
- Các công nghệ , dịch vụ mới về bảo mật, an toàn hoạt động các hệ thống hạ tầng quan trọng (hệ thống DNS, Internet Exchange); an toàn định tuyến; VNIX trong kỷ nguyên IoT, 5G và Cloud;...
Để xem thông tin chi tiết, chương trình và đăng ký tham gia sự kiện, vui lòng truy cập https://internet-conference.vn. Sự kiện hứa hẹn sẽ mở ra một diễn đàn mới, với những phân tích, định hướng mới về tương lai của Internet dưới góc nhìn các chuyên gia;tạo cơ hội kết nối, hợp tác phát triển và xây dựng cộng đồng mạng Internet Việt Nam với cộng đồng Internet quốc tế.
Tài liệu tham khảo
[1]. https://www.telecomlead.com/telecom-equipment/ipv6-forum-mwc-2022-ipv6-on-everything -and-ipv6-enhanced-innovation-to-boost-digital-economy-103828
[2]. https://www.networkworld.com/article/3254575/what-is-ipv6-and-why-aren-t-we-there-yet. html#:~:text=As%20of%20March%202022%2C%20according,mobile%20networks%20 leading%20the%20charge.
[3]. Quyết định 749/QĐ-TTgnăm2020 về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 06/6/2020 ban hành bởi Thủ tướng Chính Phủ.
[4] Trang thống kế tỷ lệ chuyển đổi IPv6 của Google, https://www.google.com/intl/en/ipv6/ statistics.html
[5]. Website của Diễn đàn IPv6 toàn cầu (IPv6 Forum)
https://www.networkworld.com/article/3254575/what-is-ipv6-and-why-aren-t-we-there- yet.html#:~:text=As%20of%20March%202022%2C%20according,mobile%20networks%20 leading%20the%20charge.
[6]. https://www.telecomlead.com/telecom-equipment/ipv6-forum-mwc-2022-ipv6-on- everything-and-ipv6-enhanced-innovation-to-boost-digital-economy-103828
[7]. https://www.telecomreview.com/index.php/articles/reports-and-coverage/4028-trace- media-mobilizes-industry-experts-to-discuss-ipv6-enhanced-innovations.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2022)