Tội phạm công nghệ cao thời 4.0: Nhận diện hành vi tội phạm mạng trong lĩnh vực tài chính tín dụng
An toàn thông tin - Ngày đăng : 14:00, 05/06/2022
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tội phạm công nghệ cao đã xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam với nhiều hành vi, thủ đoạn phạm tội mới cực kỳ tinh vi và cả những biến tướng của nó khiến cho việc đấu tranh và phòng ngừa trở lên ngày càng khó khăn. Hành vi, thủ đoạn phạm tội của chúng được nhận diện thông qua những vụ án điển hình đã diễn ra tại Việt Nam.
Những vụ án điển hình về tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính – tín dụng
Vụ án #1: Lừa đảo đầu tư tài chính
Lợi dụng sự khó khăn của người dân do ảnh hưởng bởi dịch nhiều đối tượng đã lập ra các website với cái gọi là dự án đầu tư nhận lợi nhuận “khủng” trên không gian mạng. Phương thức chủ yếu là thực hiện các hình thức chi trả hoa hồng cao để lôi kéo người dân.
Tháng 3/2022, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (ANM&PC TPCNC), Bộ Công an đánh sập 45 website lừa đảo đầu tư tài chính nhận lãi khủng trên không gian mạng, ban đầu xác định số bị hại lên đến hàng nghìn người.
Theo đó, cái gọi là sàn đầu tư tài chính “vuonlanrongnghe.net”, tự quảng cáo là cho lợi nhuận lên đến hàng trăm phần trăm, người chơi chỉ cần tham gia là có thể thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Người không chơi, chỉ cần vào online điểm danh cũng được hưởng lợi nhuận. Với 2 triệu đồng mua code và 3 ngày để hoàn thiện cái gọi là sàn đầu tư tài chính. Người tham gia chỉ cần nộp tiền vào tài khoản trên trang web theo các gói từ 50.000 đồng cho đến tiền tỷ là sẽ nhận được lợi nhuận theo ngày lên đến hàng trăm %. Lợi nhuận cao nhưng chỉ sau một thời gian là người tham gia đã không rút được tiền.
Với thủ đoạn này, khoảng 2 năm qua, nhóm đối tượng đã thành lập 45 website với nội dung đầu tư tài chính, trong đó có nhiều trang kết nối với hệ thống MT4, MT5 với cam kết lãi suất từ 15 - 30%/tháng để lừa đảo hơn 1.600 người dân trên khắp cả nước, để chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận là đã lập lên các website nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với khách hàng đầu tư nhỏ sẽ trả sau 24 giờ, còn nếu khách hàng lớn đầu tư 10 ngày đổ lại là nhóm lừa đảo sẽ dừng không trả lãi cho khách hàng nữa. Để lấy lòng tin của khách hàng, nhóm lừa đảo sử dụng tài khoản ngân hàng chính thống tạo lòng tin, sau đó chuyển tiếp sang ngân hàng khác để che giấu thông tin và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Công an Quảng Ninh nhận định khi tham gia đầu tư mở tài khoản đăng ký trong trang web, người đầu tư sẽ nhìn thấy lợi nhuận của mình gia tăng. Tuy nhiên, sau đó người đầu tư sẽ không thể rút được tiền vốn và lãi về. Nhóm đối tượng duy trì hoạt động mỗi trang trong một thời gian, sau đó xóa trang chặn liên lạc của người đầu tư để chiếm đoạt tài sản, rồi lại lập trang web mới để tiếp tục hoạt động lừa đảo. Để rút tiền và che giấu nguồn tiền, các đối tượng đã sử dụng 12 điện thoại cùng nhiều máy tính khác nhau, thực hiện truy cập vào các app banking, ví Momo, sử dụng 24 tài khoản Viettelpay và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Hiện công an đã xác định được 3,6 tỷ đồng tại 5 tài khoản lừa đảo.
Tương tự với hình thức kêu gọi như trên, cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng trăm trang web của các tổ chức, cá nhân đã bị các đối tượng giả mạo để kêu gọi đầu tư tài chính. Các đối tượng đã lập ra các website y hệt từ nội dung, hình ảnh đến giao diện để đánh lừa người tham gia. Chẳng hạn Công ty cổ phần Đầu tư Finpros vì bị làm giả trang web nên 2 tháng nay đã tiếp nhận hàng chục lượt phản ánh về tình trạng lừa đảo kêu gọi đầu tư để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Những vụ việc chỉ một nhóm đối tượng đã thành lập ra hàng trăm sàn giao dịch nhị phân để cung cấp ra thị trường. Bộ Công an cảnh báo với những cái gọi là sàn đầu tư tài chính tự xưng trên mạng với những cam kết lợi nhuân cao, chi trả hoa hồng để lôi kéo người mới tham gia như sàn Vuonlanrongnghe.net, Wefinex... đều là lấy tiền của người sau chi trả cho người trước theo phương thức đa cấp. Hiện cả nước đang tồn tại khoảng hơn 240 sàn của hơn 100 đối tượng cầm đầu. Các đối tượng này sẽ sẵn sàng đánh sập để chiếm đoạt tiền của người chơi bất cứ lúc nào.
Vụ án # 2: Cảnh giác với lời mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tội phạm công nghệ cao ngày càng có nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi. Điển hình thời gian gần đây xuất hiện nhiều kẻ lừa đảo giả danh là nhân viên ngân hàng, gọi điện tiếp cận khách hàng để đánh cắp thông tin, sau đó chiếm đoạt tài sản trong thẻ tín dụng. Kẻ lừa đảo thường dùng SIM “rác” gọi điện, nhắn tin mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hằng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp…
Sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ như số thẻ và mã CVV. Thậm chí kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin, đồng thời thông báo khách hàng sẽ nhận được 1 mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu khách hàng cung cấp mã số này, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử… Các ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo trước tình trạng trên.
Vụ án #3: Vay tiền qua nền tảng trực tuyến Vay ngang hàng (2P2)
Vay ngang hàng là hình thức cho vay trực tiếp giữa người vay và người cho vay thông qua một nền tảng kết nối trực tuyến/sàn giao dịch. Đây là mô hình cho vay hợp pháp, không giống như tín dụng đen nhưng cũng đem đến nhiều rủi ro, thách thức cho cả cơ quan quản lý và người dùng. Đối với những người có nhu cầu vay tiền nhưng không tiếp cận được dịch vụ tín dụng ngân hàng thì các trang web này sẽ đáp ứng ngay lập tức mong muốn của họ. Hình thức cho vay ngang hàng rất nhanh gọn, thủ tục đơn giản. Tuy nhiên đã có trường hợp xảy ra khi thông tin người vay có thể bị giả mạo, hoặc không kiểm soát được sau vay, dẫn đến nợ xấu. Mới đây, nhiều người phản ánh đã bị mất dữ liệu cá nhân, bị các đối tượng xấu hăm dọa, đòi nợ khi vay ngang hàng.
Vụ án # 4: Đánh cắp tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết một số đối tượng tìm cách truy cập vào hệ thống công nghệ thông tin của công ty chứng khoán (CTCK) thông qua các lỗ hổng bảo mật. Các đối tượng này hiện đã nắm được một số thông tin cụ thể của khách hàng như tên truy cập và mật khẩu đăng nhập, từ đó có thể chiếm quyền sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư để thực hiện giao dịch chứng khoán, chuyển tiền, rút tiền và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Hiện nay tin tặc đã có những công cụ rất mạnh để rà quét mật khẩu cũng như mã xác thực. Các đối tượng này có thể lợi dụng lỗ hổng của CTCK để rút tiền hay ứng tiền. Tội phạm đã sử dụng tài khoản ngân hàng giả để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản chứng khoán sang tài khoản giả này. Hiện một số vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý. Qua phối hợp công tác với Phòng ANM&PCTPCNC - Công an Thành phố Hà Nội, UBCKNN đã có công văn gửi các CTCK và đề nghị các CTCK thực hiện ngay các nội dung sau:
- Thực hiện rà quét lỗ hổng bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến và các hệ thống có kết nối mạng Internet để kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có); thực hiện cập nhật các bản vá bảo mật của hệ điều hành máy chủ, cơ sở dữ liệu và các thiết bị CNTT khác.
- Kiểm tra lại các quy trình khi nhà đầu tư thực hiện xác thực giao dịch trực tuyến để khắc phục các rủi ro cho nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch; điều chỉnh hệ thống để các giao dịch chuyển tiền, ứng tiền, thay đổi tài khoản của khách hàng phải xác thực OTP tức thời.
- Thông báo công khai, đồng thời có biện pháp liên hệ với từng nhà đầu tư để yêu cầu thay đổi ngay mật khẩu người dùng; cảnh báo về các rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn khi để lộ lọt các thông tin về tên truy cập và mật khẩu người dùng, thường xuyên khuyến cáo nhà đầu tư các biện pháp tự bảo vệ thông tin tài khoản như: Đổi mật khẩu định kỳ, tránh dùng chung mật khẩu giao dịch chứng khoán với các loại tài khoản cá nhân khác...
Vụ án #5: Mô hình đầu tư nhận lãi khủng trên không gian mạng
Thời gian gần đây, trên không gian mạng nhiều ứng dụng, dự án kêu gọi đầu tư nhận lãi khủng đã xuất hiện và thu hút nhiều người tham gia. Vì hám lợi nên nhiều người đã bỏ tiền tham gia vào các mô hình kêu gọi đầu tư nhận lãi khủng, nhưng cuối cùng lại nhận về trái đắng.
Một nạn nhân bị lừa đảo cho biết thủ đoạn của những kẻ phạm tội này là: lập sàn chứng khoán tự xưng hoặc giả mạo các công ty tài chính, chứng khoán, đầu tư đang hoạt động hợp pháp trên thị trường. Ví dụ sàn chứng khoán tự xưng SEA INVESTING khi lừa xong đã cắt liên lạc, không liên lạc lại với khách hàng và thoát toàn bộ các nhóm liên lạc chung vốn được thành lập ban đầu để dụ dỗ và lừa bịp các nạn nhân. Tất cả các nạn nhân khi đầu tư vào những sàn chứng khoán này đều không hợp đồng, không giấy tờ chứng cứ, tất cả giao dịch chỉ bằng “niềm tin” qua mạng xã hội, nên giờ cũng không biết đi đâu đòi.
Tinh vi hơn, tại sàn các sàn giao dịch chứng khoán giả mạo này, mọi hình ảnh, giao diện hay tên gọi đều bị các đối tượng làm giả mạo với website Công ty cổ phần đầu tư Finpros. Sau khi mất tiền, các đối tượng cũng không buông tha, liên tục gọi điện yêu cầu nạn nhân viết giấy nợ, chụp ảnh nhạy cảm để đe dọa. Táo tợn hơn, sau khi khách hàng chuyển cho những kẻ lừa đảo thì nhóm này liên tục đe dọa khách hàng, yêu cầu khách hàng phải nộp ảnh khỏa thân hoặc CMTND/CCCD.
Đại diện Công ty cổ phần đầu tư Finpros cho biết, chỉ 2 tháng đầu năm 2022, công ty đã tiếp nhận nhiều lượt phản ánh về tình trạng các đối tượng giả danh công ty, để lừa đảo hàng chục nạn nhân với số tiền hàng chục tỷ đồng. Công ty Finpros đã giải thích rõ với khách hàng, hướng dẫn chi tiết trên website và công bố hotline, liên hệ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ và ngăn ngừa, xử lý tình trạng giả mạo.
Theo cơ quan công an, thời gian gần đây, những mô hình kêu gọi đầu tư nhận lãi khủng trên không gian mạng có phần gia tăng, nhưng những cái gọi là dự án này đều chưa được luật pháp Việt Nam công nhận, chưa được cấp phép, vi phạm pháp luật. Thực chất các sàn này là lợi dụng CNTT để chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn có dấu hiệu của tổ chức đánh bạc.
Cũng theo cơ quan công an, việc lập một ứng dụng hay một website lừa đảo dạng này không khó, chỉ cần vài triệu đồng mua mã nguồn và xây dựng ra một ứng dụng kêu gọi đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên thực tế, những ứng dụng này có thể can thiệp thắng thua tùy ý. Người chơi ngoài nguy cơ mất tiền, còn bị lộ lọt thông tin cá nhân, nhóm lừa đảo sử dụng thông tin vay tiền qua app, sử dụng hình ảnh nhạy cảm để uy hiếp, bắt chuyển tiền.
Vụ án # 6: Lợi dụng mạng viễn thông chiếm đoạt tiền trong ví điện tử, ứng dụng thanh toán online.
Trong thời gian gần đây, Công an các địa phương, các tổ chức tín dụng, ví điện tử lên tiếng cảnh báo về khả năng người dùng bị chiếm quyền điều khiển sim điện thoại, từ đó lấy tiền trong tài khoản ngân hàng và ví điện tử, sử dụng các dịch vụ mua hàng trực tuyến khác.
Thủ đoạn cụ thể là các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố và yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*# hoặc DS gửi 901. Đây thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward) – dịch vụ của các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng.
Sau khi người dùng gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên, mọi cuộc gọi đến thuê bao của của người dùng lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại mà đối tượng lừa đảo cung cấp, trong đó có cuộc gọi cung cấp mã xác thực (OTP) từ ngân hàng, ví điện tử. Khi thực hiện lệnh Chuyển cuộc gọi thành công theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo thì thuê bao khách hàng vẫn có sóng, nhận được tin nhắn SMS hay vào mạng bình thường nhưng tất cả các cuộc gọi đến từ thời điểm đó đã được chuyển hướng nhận cuộc gọi đến “Số điện thoại kẻ lừa đảo”.
Sau khi lừa đảo chiếm quyền nhận cuộc gọi, kẻ gian sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội... của nạn nhân và khai báo Quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP, do trước đó khách hàng đã bị lừa thực hiện thao tác Chuyển cuộc gọi nên các cuộc gọi từ tổng đài ứng dụng sẽ được chuyển hướng đến số điện thoại của kẻ gian. Từ đó chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Thủ đoạn tương tự là giả danh nhân viên nhà mạng, hỗ trợ nâng cấp SIM lên SIM 4G, 5G. Kẻ lừa đảo hướng dẫn nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901, là cú pháp đổi SIM điện thoại qua phôi SIM trắng theo phương thức nhắn tin (SMS). Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát SIM.
Với cả hai thủ đoạn tinh vi trên, lúc này SIM của đối tượng lừa đảo trở thành SIM “chính chủ”, giúp chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng quên “Quên mật khẩu”.
Theo đại diện Ví điện tử MoMo, kẻ lừa đảo nếu có đầy đủ thông tin cá nhân khác thì rất dễ dàng kích hoạt mật khẩu mới để chiếm đoạt tiền. Nhưng không chỉ có mất tiền, người dùng còn có nguy cơ phải gánh khoản nợ thay bởi các đối tượng này cũng có thể sử dụng các thông tin có được để vay tiền từ các ứng dụng, thậm chí là tổ chức tín dụng. Thực ra thủ đoạn này không mới.
Từ đầu năm 2021, đã có vài tổ chức tín dụng ghi nhận thông tin về việc một số trường hợp người dùng bị đối tượng lừa đảo chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng, kích hoạt thẻ tín dụng, đăng ký vay tiêu dùng, mua hàng trực tuyến dựa trên số điện thoại này. Thuê bao di động có thể là chìa khoá để vào các tài khoản quan trọng nhất của người dùng. Vì vậy, người dùng tuyệt đối không làm theo các cú pháp do người khác yêu cầu khi chưa tìm hiểu, tra cứu thông tin kỹ càng theo Ví điện tử MoMo khuyến cáo.
Các giải pháp phòng ngừa tội phạm công nghệ cao
Thứ nhất, với dịch vụ vay P2P, đối với nhà đầu tư và khách hàng vay cần tìm hiểu rõ hoạt động của sàn cho vay ngang hàng, điều khoản sử dụng, hợp đồng trước khi vay và trong quá trình cho vay. Đề xuất cần xây dựng các quy định pháp lý phù hợp, để đảm bảo môi trường kinh doanh cũng như đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích của các bên tham gia vào cho vay ngang hàng - một dịch vụ đang phát triển như hiện nay.
Các tổ chức tín dụng cũng khuyến nghị để phòng ngừa tội phạm lợi dụng các kẽ hở để lừa đảo, khi khách có nhu cầu vay nên liên hệ trực tiếp đến số tổng đài các tổ chức tín dụng, phòng giao dịch gần nhất. Xác minh thông tin gọi đến bằng cách gọi đến số tổng đài của các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua Internet banking, Mobile banking, tùy theo từng vụ án cụ thể, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn. Do đó, trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Người dùng cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
Người sử dụng thẻ tín dụng cũng như các dịch vụ khác cần cảnh giác và lưu ý những khuyến cáo từ ngân hàng. Khách hàng được khuyến cáo hết sức cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn, email từ người lạ. Luôn xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền (qua điện thoại hoặc trực tiếp). Bên cạnh đó, khách hàng không được cung cấp các thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Các thông tin bao gồm số CMND, CCCD, số thẻ, mã thẻ, thông tin xác thực giao dịch (mã OTP), thông tin về tài khoản ví liên kết… để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin và trục lợi.
Hiện nay, ngoài việc cho phép rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại các cây ATM, một số ngân hàng còn hỗ trợ khách rút tiền thẻ tín dụng trực tiếp tại quầy hoặc rút trực tuyến. Đối với hình thức rút tiền trực tuyến, khách hàng cần liên hệ số hotline của ngân hàng mở thẻ, sau đó sẽ có giao dịch viên hướng dẫn làm các thủ tục cho khách hàng.
Thứ ba, các chủ thuê bao điện thoại cần thực hiện tốt các khuyến nghị, cảnh báo của các doanh nghiệp viễn thông trước các cuộc gọi lừa đảo, không thao tác thực hiện mã lệnh **21*Số điện thoại# theo hướng dẫn từ các cuộc gọi này.
Khi điện thoại có các dấu hiệu bất thường như không nhận được cuộc gọi đến (có biểu tượng chuyển cuộc gọi ở cạnh logo nhà mạng) khách hàng lập tức thao tác lệnh ##21# để hủy lệnh chuyển cuộc gọi ngoài ý muốn đồng thời liên hệ với tổng đài để kiểm tra tình trạng của thuê bao và được tư vấn, giải đáp hoặc khuyến nghị cách xử lý. Bên cạnh đó, người dùng cần cảnh giác trước các cuộc gọi lừa đảo mời thay Sim 4G, không thay SIM từ xa qua điện thoại hay bất kỳ hình thức trực tuyến nào.
Trường hợp phát hiện SIM điện thoại có các dấu hiệu bất thường như: mất tín hiệu, không nhận được cuộc gọi, tin nhắn... mà không rõ nguyên nhân, chủ thuê bao khẩn trương liên hệ tổng đài miễn phí để được hỗ trợ kiểm tra tình trạng của thuê bao và được tư vấn, khuyến nghị hướng xử lý kịp thời.
Người sử dụng các dịch vụ viễn thông cũng không nên chuyển đổi, nâng cấp SIM qua điện thoại mà hãy đến quầy giao dịch của các nhà mạng để thực hiện trực tiếp. Khi đó, mọi quyền lợi và sự an toàn của chủ SIM đều được đảm bảo. Tuyệt đối, không thực hiện các thao tác trên điện thoại theo hướng dẫn của một người mà mình không xác định được chính xác là nhân viên tổng đài hay không.
Thứ tư, kiến nghị nghiên cứu và sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 hiện hành liên quan đến Tội phạm trong lĩnh vực CNTT và mạng viễn thông (TP CNC) từ Điều 285-294 theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự và mức xử phạt tiền (mức xử phạt tù hiện nay tối đa là 20 năm tù với Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290), mức xử phạt tiền hiện nay tối đa là 1 tỷ VNĐ.
Tăng mức xử phạt bổ sung về phạt tiền và tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (mức cao nhất hiện nay là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản). Nghiên cứu bổ sung tình tiết lợi dụng mạng viễn thông, CNTT, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, fintech… như một tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự trong nhóm tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174-BLHS) và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175-BLHS)./.
Tài liệu tham khảo:
1. Websites: Bộ Công An www.mps.gov.vn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam www.sbv.gov.vn; UBCKNN www.ssc.gov.vn; Bộ TT&TT www.mic.gov.vn; Cục ATTT www.ais.gov.vn; Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) www.ncsc.gov.vn ; https://canhbao.ncsc. gov.vn; Bộ Công thương www.moit.gov.vn; Cục Cạnh tranh và BVQLNTD www.vcca.gov.vn
2. Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
3. Khương Nha, “ Nhiều website .gov.vn xuất hiện quảng cáo gám bài bạc”. VNExpress.net. Chi tiết https://vnexpress.net/nhieu-website-gov-vn-xuat-hien-quang-cao-game-baibac-4449303.html
4. Các bài viết về các vụ việc lừa đảo, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo CNC được đăng tải trên các báo, tạp chí: VietnamNET, VNExpress.net; VTV.vn; Dân Trí, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tin nhanh Chứng khoán, Đầu tư; Sức khoẻ và Đời sống; Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh; Thời báo Kinh tế Sài Gòn; ICT,...
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2022)