Singapore triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn gian lận ngân hàng

An toàn thông tin - Ngày đăng : 16:01, 03/06/2022

Mới đây, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) và Hiệp hội các ngân hàng tại Singapore (ABS) cho biết một dịch vụ tự ngắt khẩn cấp sẽ được triển khai để giúp chống lại các gian lận trong giao dịch ngân hàng số.

Đây là một trong những biện pháp chống gian lận bổ sung đang được các ngân hàng tích cực triển khai và sẽ có hiệu lực đầy đủ vào cuối tháng 10 tới. Biện pháp này tăng cường cho những biện pháp đã được công bố trước đó vào ngày 19/1 do các vụ lừa đảo nhắm vào khách hàng ngân hàng gia tăng trong thời gian gần đây.

MAS và ABS cho biết trong một thông cáo báo chí rằng tính năng ngắt (kill switch) sẽ giúp khách hàng có thể tạm khóa tài khoản của họ một cách nhanh chóng nếu nghi ngờ tài khoản ngân hàng của mình đã bị xâm phạm.

Một chức năng tương tự đã được Ngân hàng OCBC triển khai cho khách hàng của mình kể từ tháng 2 vừa qua. Đây là một phần trong các biện pháp nhằm chống lừa đảo của ngân hàng sau khi tổng cộng 13,7 triệu đô la Singapore đã bị mất trong một loạt các vụ lừa đảo liên quan đến các tin nhắn SMS mạo danh Ngân hàng OCBC.

Các biện pháp khác sẽ được triển khai bao gồm yêu cầu xác nhận bổ sung để xử lý các thay đổi quan trọng đối với tài khoản khách hàng và các giao dịch rủi ro cao khác, đồng thời đặt hạn mức giao dịch mặc định cho chuyển tiền trực tuyến là 5.000 đô la Singapore hoặc thấp hơn.

Các ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động đóng băng tài khoản và thu hồi tiền nhanh chóng bằng cách điều phối các nhân viên tại Trung tâm Chống lừa đảo của Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF). Họ cũng sẽ tăng cường hệ thống giám sát gian lận của mình để xem xét nhiều tình huống lừa đảo hơn.

"Để giảm thiểu rủi ro điều hướng đến các trang web lừa đảo, khách hàng của ngân hàng được khuyến khích sử dụng các ứng dụng ngân hàng di động, thay vì với trình duyệt web", thông báo cho biết.

Uỷ ban chống gian lận

Để đảm bảo triển khai hiệu quả các sáng kiến chống gian lận của ngành, một ủy ban thường trực về gian lận bao gồm 7 ngân hàng lớn trong nước sẽ tiếp tục công việc của Lực lượng đặc nhiệm chống gian lận được thành lập vào năm 2020.

Ủy ban sẽ báo cáo trực tiếp với ABS và thúc đẩy các nỗ lực chống gian lận của ngành, trong đó tập trung vào 5 công việc chính: Giáo dục khách hàng, xác thực, giám sát gian lận, hỗ trợ xử lý và phục hồi và chia sẻ tổn thất một cách công bằng.

Bảy ngân hàng tham gia vào Uỷ ban này bao gồm DBS Bank, OCBC, UOB, Citibank, Maybank, Standard Chartered Bank và HSBC./.

TH