Robot chuẩn bị có tư cách pháp lý để tự do đi lại trên đường: Dự kiến 800 triệu lao động mất việc, đâu là những ngành nghề sớm bị máy móc thay thế?
Diễn đàn - Ngày đăng : 18:32, 02/06/2022
Cuộc đua robot giữa các cường quốc trên thế giới
Singapore vốn là 1 quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lao động nước ngoài. Tuy nhiên, theo Bộ Nhân lực Singapore, số lượng lao động người nước ngoài tại đây đã giảm khoảng 235.700 người trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2021 do đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ và tự động hóa của các công ty.
Tại một công trường xây dựng ở Singapore, một robot bốn chân có tên "Spot" (do công ty Boston Dynamics của Mỹ chế tạo) có nhiệm vụ quét các phần bùn và sỏi để kiểm tra tiến độ công việc, dữ liệu sẽ được cung cấp lại cho phòng điều khiển của công ty xây dựng Gammon. Tổng Giám đốc của Gammon cho biết việc sử dụng Spot sẽ tiết kiệm nhân lực hơn một nửa so với trước đây.
Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn robot quốc tế, tại Singapore, cứ 10.000 vị trí trong ngành sản xuất thì có 605 robot, tỷ lệ áp dụng robot đứng thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Hàn Quốc.
Chó robot của Boston Dynamics
Ngoài ngành sản xuất, robot cũng được đánh giá là đang giúp giải quyết vấn đề khó khăn lớn trong ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống. Chẳng hạn như cánh tay robot pha cafe sau khi được lắp đặt tại hơn 30 ga tàu điện ngầm đã mang về kết quả đáng mong đợi.
Tại Trung Quốc, quốc gia này cũng đã công bố một loạt mục tiêu đầy tham vọng nhằm tăng cường tự động hóa trong sản xuất, khi nước này đang nỗ lực phấn đấu để dẫn đầu thế giới trong việc đưa robot vào nhà máy vào năm 2025 theo kế hoạch 5 năm, tờ South China Morning Post đưa tin.
Các công nghệ chủ chốt như 5G và trí tuệ nhân tạo đã được Trung Quốc sử dụng rộng rãi trong các rô bốt thế hệ mới. Cho đến nay, rô bốt công nghiệp đã được ứng dụng trong 52 ngành công nghiệp, bao gồm ô tô và điện tử, trong khi robot dịch vụ đặc biệt đã được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như hậu cần, giáo dục và giải trí.
Robot trong Thư viện Quốc gia Singapore
Theo báo cáo từ Liên đoàn Robot Quốc tế trong tháng 1/2022, Trung Quốc đứng thứ 9 thế giới về mật độ robot vào năm ngoái, kết quả được đo bằng số lượng đơn vị robot trên 10.000 nhân viên, tăng so với thứ hạng 25 của 5 năm trước. Tuy nhiên, với mật độ robot 246 trên 10.000 nhân viên, Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Hàn Quốc, quốc gia có mật độ hiện tại là 932 và đứng đầu thế giới kể từ năm 2010. Dù vậy, mật độ robot của Trung Quốc nhìn chung cao hơn mức trung bình toàn cầu là 126 và gần bằng Mỹ với mật độ 255.
Tại Hàn Quốc- đất nước đi đầu về số lượng robot đã có quyết định cho phép chúng di chuyển trên đường phố công cộng từ năm 2023, theo Nikkei.
Woowa Brothers, nhà điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc, bắt đầu sử dụng robot trên cơ sở thử nghiệm vào năm 2020. Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch phát triển những robot như vậy để xuất khẩu trong tương lai. Hiện tại, chính phủ đang làm việc để đưa ra định nghĩa pháp lý cho robot vào cuối năm nay, cho phép chúng có thể hoạt động trên đường.
Robot giao hàng tại Hàn Quốc
Robot của Woona có tên là “Dilly Drive”, cao khoảng 70 cm. Trong một lần thử nghiệm giao hàng, nhân viên một quán cà phê đã đặt vào trong Dilly những ly cà phê đá và bánh mì sandwich. Sau khi được đóng nắp, Dilly bắt đầu giao hàng với tốc độ từ 5 đến 6 km/giờ. Được trang bị ba máy ảnh, Dilly nhận ra đèn đỏ ở một ngã tư và dừng lại. Nó cũng có thể tránh người đi bộ. Khi Dilly đến điểm đến, khách hàng nhận được tin nhắn trên điện thoại và ra nhận hàng. Sau đó Dilly quay trở lại nơi chờ đợi của nó. Được biết, Dilly còn được trang bị các cảm biến và hệ thống định vị.
Những người đối diện nguy cơ mất việc
Theo Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI), 10 năm tới thế giới sẽ có khoảng 800 triệu người mất việc vào tay robot. MGI tiến hành nghiên cứu vấn đề thay thế robot ở 46 quốc gia, cùng 800 ngành nghề, theo đó xác định 1/5 số lao động là công nhân làm việc các ngành nghề giản đơn, dập khuôn theo lập trình sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình tự động hóa.
Cụ thể, những người hoạt động trong chuỗi dây chuyền lắp ráp thiết bị điện tử, may mặc, đóng gói, chế biến nông thủy sản và đồ gỗ sẽ đứng trước những nguy cơ bị đào thải do robot. Thậm chí với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, những ngành nghề như kế toán, dịch vụ ngân hàng giản đơn có thể không còn cần nhiều lao động, xu hướng khó xin việc hơn.
Cánh tay robot trên dây chuyền sản xuất của nhà máy Great Wall Motors ở Trùng Khánh, Trung Quốc
Ngược lại, những ngành nghề đòi hỏi sáng tạo, công việc đòi hỏi tương tác cao, tạo dựng môi trường có giá trị gia tăng cao như bác sĩ, luật sư, giáo viên, kỹ sư lập trình, dịch vụ chăm sóc người già, trẻ nhỏ, công việc làm vườn,...sẽ không hoặc ít bị ảnh hưởng hơn.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ của khoa học công nghệ trong ngành này.
Đặc biệt, lao động của Việt Nam, Campuchia và Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu thế tự động hóa.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra cảnh báo: 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may - da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa, trong khi đó 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện - điện tử có thể sẽ bị robot thay thế trong vòng 10 năm tới, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang được nhiều quốc gia áp dụng.
Con người đối mặt với thất nghiệp khi robot thế chân
Theo ILO những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%); "top" 5 nghề không bị robot thay thế là: luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu.
Chia sẻ trên Dân Trí, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng cho biết: Các nước phát triển sẽ đi đầu trong ứng dụng robot, AI vào sản xuất để có năng suất và lợi thế quy mô và việc làm bị tước đoạt tại các nước giàu nhiều hơn là nước nghèo, đang phát triển.
Tuy nhiên, xu hướng này sẽ sớm tác động đến các nước có lợi thế nhân công giá rẻ, sử dụng nhiều lao động vào sản xuất, chuỗi cung ứng như Việt Nam. Giải pháp bắt buộc là phải đào tạo lực lượng lao động chủ động thích ứng với tình hình mới.