Nghệ An lên phương án trong công tác phòng chống thiên tai năm 2022

Truyền thông - Ngày đăng : 14:51, 02/06/2022

Dự báo năm 2022, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu năm, Nghệ An đã chủ động xây dựng phương án ứng phó ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai các cấp.

Thiên tai gây thiệt hại nặng nề

Nghệ An có địa bàn rộng, đồi núi nhiều, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhiều vùng dễ bị chia cắt khi có thiên tai xảy ra, bởi vậy công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Khả năng ứng phó với các tình huống thiên tai lớn còn bị động, lúng túng; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn bất cập, hệ thống trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế… Đặc biệt, một bộ phận người dân và chính quyền còn chủ quan, bất cẩn dẫn đến thiệt hại đáng tiếc, nhất là về người.

Năm 2021, hậu quả của thiên tai để lại rất nặng nề, đã làm chết 6 người và 4 người bị thương; 17 ngôi nhà bị sập; 22 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 337 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Ngoài ra, còn có 3.934 nhà bị ngập; 812 hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất. Thiên tai còn gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông lâm nghiệp và các công trình hạ tầng, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 698 tỷ đồng.

Nghệ An lên phương án trong công tác phòng chống thiên tai năm 2022 - Ảnh 1.

Năm 2021, hậu quả của thiên tai để lại cho tỉnh Nghệ An rất nặng nề. (Ảnh: PV)

Bên cạnh đó, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 56 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển. Trong đó có 4 tàu hàng bị mắc cạn, 7 tàu cá bị chìm trên biển, 2 tàu hàng bị chìm trên biển, 4 tàu cá bị cháy khi đang khai thác trên biển, 10 vụ đuối nước... Các vụ tai nạn, sự cố cũng đã khiến 23 người bị chết, 7 người bị mất tích, 2 người bị thương, 4 phương tiện bị cháy hoàn toàn, 11 phương tiện và 3 bè mảng bị chìm.

Mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp, các địa phương cũng đã tích cực đề ra các biện pháp phòng tránh, tuy nhiên trên thực tế, hiện nay vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Hệ thống thông tin liên lạc tại một số địa phương chưa đảm bảo, thực hiện báo cáo còn chậm, chưa kịp thời. Lực lượng cán bộ làm công tác về phòng chống thiên tai ở các địa phương còn một số chưa được đào tạo bài bản; chưa có chế độ và chính sách đặc thù cho lực lượng phòng chống thiên tai hạn  chế...

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ  nhận định, năm 2022 dự báo thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra tố, lốc, mưa đá, sẽ diễn ra nhiều trong thời điểm giao mùa. Dự báo trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ diễn ra nhiều trận mưa lớn, với lượng mưa trung bình từ 100-250mm. 

Nhiều giải pháp được đưa ra

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Ngay từ đầu năm 2020, Nghệ An đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai các cấp. Hiện tại, các kịch bản và phương án phòng chống thiên tai của các địa phương, đơn vị đang được các cấp có thẩm quyền tiến hành phê duyệt. Riêng tại các công trình ách yếu, UBND tỉnh đã cấp kinh phí sửa chữa, tu bổ và nâng cấp để chủ động trong phòng chống thiên tai không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Đặc biệt, xác định nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng là nội dung cực kỳ quan trọng trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, những năm qua, Nghệ An đã tập trung tuyên truyền cho cán bộ các cấp chính quyền và nhân dân, giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng phó cho người dân khi có thiên tai, thảm họa xảy ra, nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản sau thiên tai.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp, sửa chữa, khắc phục các sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành các Quyết định về chủ động ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh, xây dựng phương án hộ đê, phương án phòng chống thiên tai tại các hồ chứa lớn… Đồng thời, xây dựng kịch bản khắc phục sau khi thiên tai gây ra các hậu quả đối với sản xuất và đời sống dân sinh.

Ngoài các giải pháp trước mắt như hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo; có phương án sơ tán dân cư, xử lý sự cố; về lâu dài, Nghệ An xác định một số giải pháp như: Xây dựng chương trình tuyên truyền giảm nhẹ rủi ro thiên tai đến tận từng gia đình, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai tổng thể trên cơ sở hệ thống thông tin đa chiều, xây dựng bản đồ ngập lụt tương ứng với từng kịch bản mưa lũ…

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2022 diễn ra tại Nghệ An, một số ý kiến cũng đề nghị vào mùa mưa lũ, ban quản lý các hồ chứa, các hồ đập thủy lợi, thủy điện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tránh việc xả lũ, xả hồ chứa vào thời điểm đêm tối gây khó khăn cho việc sơ tán nhân dân. Một số địa phương cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để nâng cấp các công trình hồ đập ách yếu, đảm bảo tích trữ nước an toàn. 

Sau thiên tai, để đưa các hoạt động trở lại bình thường thì công tác khắc phục rất quan trọng. Cần bám vào kịch bản, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai một cách nhanh nhất để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường.

Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức, thì trong xây dựng và thực hiện kịch bản phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn,  phải đặc biệt quan tâm phương án đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng nhạy cảm với thiên tai như các vùng có nguy cơ dễ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, vùng nguy cơ sạt lở đất; những vùng hay ngập lụt, vùng ven biển cần chủ động di dời dân cư đề phòng bão lớn gây triều cường. Thực hiện diễn tập cẩn thận để có thể hoàn toàn chủ động khi mưa bão đến...

Nghệ An đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề xuất lên Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số nội dung như: Hỗ trợ nâng cấp hệ thống đê biển; phân loại, phân cấp đối với hệ thống đê điều để làm cơ sở cho việc phân cấp quản ý; ban hành quy chế phối hợp với Lào về việc cung cấp thông tin mưa lũ trên lưu vực Sông Cả thuộc lãnh thổ nước bạn Lào để Nghệ An chủ động, kịp thời ứng phó trong mùa mưa lũ.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tưởng thủy văn quốc gia, năm nay nước ta có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Thiên tai tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.

Trước tình hình đó, tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất được tham gia các dự án tái thiết thiên tai, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội cho các vùng bị ảnh hưởng nhiều của thiên tai trên địa bàn tỉnh..../.

PV