CĐS Y tế: Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử vì sức khỏe người Việt
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:05, 02/06/2022
Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành trung ương (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu và các giải pháp nhằm nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là: 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 20-NQ/TW chỉ rõ các giải pháp thực hiện: Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, HSSK người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân, đồng thời thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh.
Phát triển hệ thống HSSK điện tử để đảm bảo mỗi người dân có một HSSK điện tử từ lúc sinh ra tới lúc mất đi và được quản lý thống nhất trong Hệ thống HSSK điện tử quốc gia đã được Chính phủ và Bộ Y tế xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của ngành y tế cần chuyển đổi số (CĐS) phục vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) và phòng bệnh [1].
Hiểu đầy đủ về HSSK điện tử
Hệ thống HSSK điện tử có thể nói là một trong những hệ thống quan trọng nhất trong quá trình CĐS y tế, hay có thể nói là hệ thống quan trọng nhất. HSSK điện tử cho phép ghi nhận quá trình CSSK của một người từ lúc sinh ra tới lúc mất đi vào dữ liệu lưu trữ trên môi trường điện tử... Dữ liệu HSSK của mỗi người dân được tạo thành từ nhiều nguồn thông tin/dữ liệu khác nhau bao gồm thông tin/dữ liệu từ các bệnh viện, phòng khám, bác sỹ, nhà thuốc, phòng xét nghiệm,... Thông tin rất quan trọng này sẽ giúp các chuyên gia y tế có đầy đủ thông tin trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và CSSK cho người dân nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, HSSK điện tử còn là nguồn dữ liệu y tế quan trọng hỗ trợ cho việc quản lý sức khỏe trên tại các địa bàn xã, huyện, tỉnh, thành phố, cho phép các cơ quan có thẩm quyền theo dõi tỷ lệ người có thể phát hiện bệnh (mãn tính, truyền nhiễm) theo từng thời điểm (tháng, quý, năm, nhiều năm); theo dõi sức khỏe của người bệnh (mới mắc, hiện mắc) để thuận tiện trong việc quản lý người bệnh trên địa bàn. Đồng thời HSSK điện tử là nguồn dữ liệu quan trọng trong việc giám sát, theo dõi phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), HSSK điện tử (EHR) là một HSSK được vi tính hóa (computerized health record) và được sử dụng để thu thập, lưu trữ, truy xuất và chia sẻ thông tin tóm tắt của một người bệnh giữa các tổ chức CSSK và người cung cấp dịch vụ CSSK. Những thông tin tóm tắt được chia sẻ bao gồm: thông tin hành chính, lịch sử khám chữa bệnh, thuốc đã dùng, dị ứng, tiêm chủng, các tóm tắt ra viện,...
Theo HIMSS (Health Information Management System Society - Cộng đồng hệ thống quản lý thông tin y tế), HSSK điện tử (EHR) là một bản ghi điện tử lâu dài về thông tin sức khỏe của người bệnh, bản ghi điện tử này được tạo lập, cập nhật bởi một hoặc nhiều cơ sở y tế nơi mà người bệnh đã đến thăm khám và điều trị. HSSK điện tử bao gồm thông tin hành chính, thuốc đã và đang dùng, thông tin xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền sử bệnh, tiêm chủng, dịứng,...
Như vậy, HSSK điện tử là bản tin học hóa của HSSK được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.
Tương tác với Hồ sơ HSSK điện tử
Để triển khai thành công hệ thống HSSK điện tử, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương phải phối hợp chặt chẽ cùng với những cơ quan, đơn vị liên quan đến việc cung cấp dịch vụ CSSK. HSSK điện tử sẽ cần kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin y tế khác, tùy thuộc vào nhu cầu thu thập thông tin.
Hệ thống HSSK điện tử cho phép các cán bộ y tế xem và cập nhật HSSK của người bệnh kịp thời. Vì vậy, hệ thống HSSK điện tử phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để các cán bộ y tế được ủy quyền có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, hệ thống HSSK điện tử còn là nguồn dữ liệu quý báu cung cấp cho việc phân tích, xử lý dữ liệu để xây dựng các báo cáo thống kê phục vụ công tác quản lý, điều hành cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương.
Ý nghĩa của HSSK điện tử
Đối với người bệnh, bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh HSSK điện tử giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, người dân có thể chủ động phòng bệnh và CSSK của mình.
HSSK điện tử cung cấp đầy đủ thông tin lịch sử sức khỏe của người bệnh (thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, quá trình điều trị,...) cho bác sĩ một cách nhanh chóng, chính xác từ đó tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được CSSK toàn diện và liên tục, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của mỗi người dân.
HSSK điện tử còn cho phép người dân có thể chia sẻ thông tin điện tử về sức khỏe của mình tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên cả nước. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.
Đối với cơ quan quản lý (Bộ Y tế, Sở Y tế)
Việc triển khai HSSK điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu (CSDL) về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.
Mặt khác, big data là nền tảng để phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ CSSK người dân tốt hơn.
Trong thời đại ngày nay, việc quản lý thông tin có ý nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý xã hội, có nhiều người còn khẳng định “thông tin quý hơn dầu mỏ!”
Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội
Đối với BHYT, khi việc chẩn đoán, điều trị bệnh sớm hơn, sẽ làm giảm chi phí KCB BHYT. Cùng với đó, khi thông tin người bệnh thông suốt, việc quản lý chi phí KCB BHYT dễ dàng hơn góp phần hạn chế việc lạm dụng kỹ thuật cao.
Đối với các trường đại học, tổ chức, cá nhân nghiên cứu về y khoa
HSSK điện tử là nguồn dữ liệu lớn hỗ trợ tốt trong các nghiên cứu lâm sàng. Đồng thời đây là nguồn dữ liệu cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các công nghệ phân tích dữ liệu lớn phục vụ nghiên cứu và xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin y tế như: hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng dựa trên bằng chứng; tri thức y khoa (medical knowledge-based); giám sát và theo dõi tình hình dịch bệnh; các mô hình dự đoán trong chăm sóc sức khỏe; các mô hình thể hiện mối quan hệ giữa thuốc, gen, bệnh và các thực thể khác; mô hình cảnh báo các nguy cơ; ...
Tình hình triển khai HSSK điện tử tại một số quốc gia trên thế giới
Tại Canada
Theo số liệu thống kê đến 2015 về mức độ ứng dụng và trưởng thành của hệ thống iEHR tại Canada. Năm 2006, hệ thống iEHR bắt đầu được triển khai tại tỉnh Alberta, đến năm 2007 bước đầu có khoảng 10,000 người dùng.
Đến năm 2015, iEHR mới tích hợp được với hệ thống HIS/ EMR của bệnh viện, đồng thời số lượng người dùng tăng trưởng lên tới hơn 90.000 người sử dụng.
Báo cáo khảo sát năm 2017 cho thấy 85% bác sĩ CSSK ban đầu đã sử dụng EHRs. Trung bình, 80% bác sĩ CSSK ban đầu đã sử dụng EHR trên khắp các tỉnh (phạm vi từ 55% đến 91%). Người bệnh có thể xem được HSSK của họ, tuy nhiên, số lượng này vẫn còn thấp khoảng 10%.
Tại Pháp
Pháp khởi động dự án xây dựng HSSK điện tử (tên gọi là DMP - dossier médical personnel) vào tháng 01/2011, hệ thống HSSK điện tử này được sử dụng cho các bác sĩ và người bệnh của Pháp. Trong năm này, DMP hợp tác với các nhà cung cấp phần mềm CSSK thực hiện kết nối, liên thông giữa DMP với các phần mềm CSSK hiện có trên thị trường mà không làm thay đổi phần mềm của họ.
Hệ thống HSSK điện tử DMP được xây dựng dựa trên nền tảng IHE Profiles với tiêu chuẩn HL7. Đến năm 2012, DMP được cung cấp miễn phí cho một số bệnh viện, đồng thời cung cấp thẻ CSSK thông minh (smartcards) cho tất cả các bác sĩ, dược sĩ,... Thẻ smartcard này được sử dụng để xác thực người dùng trên hệ thống DMP.
Đến năm 2013, DMP đã được chứng nhận tương thích với hơn 100 phần mềm CSSK đảm bảo khả năng kết nối, liên thông giữa DMP và các phần mềm CSSK. Sau khi DMP được triển khai rộng khắp toàn quốc, có khoảng 355 cơ sở y tế, nhà cung cấp dịch vụ CSSK và 345.596 người bệnh sử dụng DMP.
Tại Estonia
Năm 2000, Estonia bắt đầu triển khai dự án eHealth (y tế điện tử) với mục tiêu xây dựng mạng lưới tích hợp các dịch vụ y tế điện tử tương tác trong đó việc định hướng xây dựng “Nền tảng trao đổi thông tin y tế (Health Information Exchange (HIE) Platform)” là vấn đề cốt lõi của dự án.
Năm 2005, Estonia khởi động dự án EHR và EHR là một phần của nền tảng HIE giúp kết nối, trao đổi thông tin y tế giữa các bên liên quan (bác sỹ, người bệnh, bảo hiểm y tế,...)
Từ 2008 - 2010, Estonia mới cung cấp được hạ tầng cơ bản cho HIE, đồng thời ban hành Luật thông tin y tế năm 2008, các tài liệu y tế điện tử sử dụng tiêu chuẩn HL7 CDA.
Đến tháng 01/2009, người dân Estonia có thể truy xuất dữ liệu y tế của họ trực tuyến trên hệ thống EHR. Hệ thống EHR cho phép bác sĩ truy xuất và tra cứu dữ liệu y tế của người bệnh. Người dân có thể xem dữ liệu y tế của họ thông qua Cổng người bệnh trên hệ thống EHR. Đây là hệ thống duy nhất triển khai trên toàn quốc
Đến tháng 4/2011, hệ thống EHR đã có dữ liệu y tế của 538.114 công dân, chiếm khoảng 44% dân số. Dịch vụ sử dụng nhiều nhất trên hệ thống EHR này là dịch vụ Đơn thuốc điện tử (ePrescription), chiếm khoảng 75% trên tổng số đơn thuốc được kê cho người bệnh.
Tại Singapore
Năm 2008, Singapore hình thành dự án và đưa nhiệm vụ này vào Chiến lược thông tin y tế quốc gia. Tháng 04/2011, Singapore triển khai phiên bản đầu tiên HSSK điện tử quốc gia (National Electronic Health Record –NEHR) cho các tổ chức CSSK công lập và tư nhân trên toàn lãnh thổ nhằm đạt mục tiêu “Một người bệnh, một hồ sơ”. Hệ thống NEHR thuộc sơ hữu của Bộ Y tế Singapore, hệ thống này thu thập các bản tóm tắt sức khỏe của người bệnh từ các tổ chức CSSK khác nhau. Do đó, NEHR cung cấp cho bác sỹ, chuyên gia CSSK có thẩm quyền một bức tranh toàn diện, theo chiều dọc về sức khỏe của người bệnh.
Đến tháng 4/2014, NEHR cập nhật thêm danh mục thuốc của người bệnh để hỗ trợ những người bệnh điều trị bằng thuốc. Và đến tháng 10/2015, hệ thống cập nhật và triển khai thêm Cổng thông tin y tế và ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Kể từ tháng 12/2017, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe từ hơn 1.200 nhà cung cấp dịch vụ CSSK trên tất cả các cơ sở chăm sóc đã truy cập vào hệ thống NEHR với trung bình hơn 1,1 triệu lượt tìm kiếm hồ sơ bệnh nhân hàng tháng, báo hiệu sự hữu ích của hệ thống.
Bức tranh toàn cảnh về kiến trúc và triển khai HSSK điện tử quốc gia của Singapre được Peter Tan (IT Architecture and Standards) và Ong Leong Seng (Director) giới thiệu trong báo cáo về xây dựng kiến trúc HSSK điện tử quốc gia của Singapore như tại Hình 1.
Kiến trúc hệ thống HSSK điện tử Singapore bao gồm:
- Kiến trúc nghiệp vụ (với 13 nghiệp vụ được mô tả như quản lý thông tin bệnh nhân, xem lại bản ghi tóm tắt, kiểm tra việc dùng thuốc...);
- Kiến trúc ứng dụng (Bao gồm hơn 70 hệ thống sẵn có hoặc có kế hoạch xây dựng);
- Kiến trúc thông tin (hơn 700 luồng thông tin được xác định);
- Kiến trúc dịch vụ (gồm 18 dịch vụ cơ bản và 7 dịch vụ khác).
Triển khai HSSK điện tử tại Việt Nam
Ngày 12/11/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5349/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch triển khai HSSK điện tử, trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 80% người dân được lập HSSK điện tử, đến năm 2025 có 95% người dân trên toàn quốc được lập HSSK điện tử, được cập nhật thông tin và được kết nối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.
Căn cứ trên Quyết định số 5349/QĐ-BYT, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tiến hành xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai HSSK điện tử. Tới nay, nhiều tỉnh, thành phố đã lập được HSSK điện tử cho hơn 80% người dân trên địa bàn như Bình Dương, Phú Yên, Phú Thọ và nhiều nơi khác.
Mặc dù lựa chọn nhiều phần mềm khác nhau cũng như cách thức triển khai khác nhau, tuy nhiên về cơ bản các tỉnh, thành phố đều lựa chọn Mô hình thông tin HSSK điện tử dựa trên Quyết định 831/QĐ-BYT của Bộ Y tế, trong đó gồm có 04 nhóm thông tin cơ bản là:
- Thông tin hành chính (bao gồm Họ tên, ngày sinh, giới tính, Mã hộ gia đình, mã BHXH);
- Thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan sức khỏe (tình trạng lúc sinh, yếu tố nguy cơ với sức khỏe cá nhân như hút thuốc lá, uống rượu bia ..., tiền sử bệnh tật, dị ứng, khuyết tật, tiền sử phẫu thuật, tiền sử gia đình, sức khỏe sinh sản,...);
- Thông tin tiêm chủng;
- Thông tin khám, chữa bệnh (lâm sàng và cận lâm sàng). Việc thu thập thông tin hành chính thường được thực
hiện theo 02 cách. Đối với các tỉnh đã có cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, các thông tin hành chính từ hệ thống này có thể được cập nhật trực tiếp vào HSSK điện tử. Thông qua cách thức này, nhiều tỉnh, thành phố đã lập được hồ sơ của đa số người dân trên địa bàn. Đối với những trường hợp khác, như trong trường hợp không được tiếp nhận CSDL hộ gia đình tham gia BHYT, không nằm trong CSDL này hoặc các trường hợp không có BHYT, có thể được lập thông qua việc tổ chức khám sức khỏe tại các cơ sở y tế.
Nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan sức khỏe thường được thu thập thông qua việc khám sức khỏe hoặc việc tổ chức thu thập thông tin trực tiếp trên địa bàn. Nhóm thông tin quản lý tiêm chủng có thể được thu thập thông tin từ hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Phần thông tin quan trọng cần thu thập trong hệ thống HSSK điện tử là nhóm thông tin về khám, chữa bệnh (lâm sàng và cận lâm sàng). Do những thông tin này thường phát sinh trong quá trình người bệnh đi khám bệnh, nằm viện, do vậy việc thu thập thông tin từ các hệ thống thông tin KCB là rất cần thiết. Hệ thống HSSK điện tử cần được kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin KCB của các bệnh viện để có thể cập nhật kịp thời thông tin KCB của người dân.
Mô hình thu thập và khai thác thông tin tổng quát đối với hệ thống HSSK điện tử hiện tại tại các tỉnh, thành phố có thể được mô tả như tại Hình 2.
Vấn đề cần tháo gỡ trong quá trình triển khai HSSK điện tử hiện nay
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu trong triển khai HSSK điện tử thời gian vừa qua, tuy nhiên việc triển khai HSSK điện tử vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện, hoàn chỉnh:
Thứ nhất, chưa liên thông được HSSK điện tử giữa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Nói cách khác, nếu một bệnh nhân được khởi tạo HSSK tại một tỉnh, nhưng khi khám chữa bệnh tại một tỉnh khác thì thông tin HSSK đã có của người bệnh chưa liên thông được với hệ thống HSSK điện tử tại tỉnh đang khám.
Để giải quyết vấn đề này, bài toán đặt ra đối với Bộ Y tế là cần phải có một hệ thống kết nối HSSK điện tử tại trung ương để kết nối, liên thông các hệ thống HSSK điện tử tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thứ hai, việc kết nối với các hệ thống thông tin KCB tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với hệ thống HSSK điện tử của các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Việc chia sẻ thông tin từ các trạm y tế xã có vẻ dễ dàng hơn, tuy nhiên việc thu thập thông tin từ các trung tâm y tế huyện và các bệnh viện tuyến tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Các khó khăn này đến từ nhiều yếu tố như kỹ thuật (các hệ thống được triển khai bởi nhiều đơn vị phần mềm khác nhau nên gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối liên thông), từ vấn đề quy trình (chưa thống nhất được các quy trình cơ bản như quy trình cập nhật thông tin HSSK, quy trình tra cứu thông tin HSSK ...).
Thứ ba, dữ liệu HSSK tại một số tỉnh, thành phố đã hình thành cơ bản, tuy nhiên việc khai thác những dữ liệu này còn gặp nhiều khó khăn. Một số kế hoạch triển khai thường hướng tới quá trình thu thập dữ liệu, tuy nhiên chưa xác định được cách thức khai thác dữ liệu cho hiệu quả. Các câu hỏi đặt ra là: Người dân có quản lý hồ sơ của mình được không và quản lý ra sao? Cán bộ Y tế được quyền truy cập HSSK và theo dõi sức khỏe người dân như thế nào? Các chỉ tiêu thống kê báo cáo các tuyến xã, huyện, tỉnh được thống nhất là gì trên hệ thống HSSK điện tử?
Thứ tư, việc kết nối, liên thông với một số hệ thống quốc gia còn hạn chế, như kết nối với hệ thống thông tin tiêm chủng, hệ thống thanh toán giám định bảo hiểm y tế hay các hệ thống thông tin phòng bệnh khác.
Thứ năm, việc quản lý thông tin HSSK điện tử đã có nhiều yêu cầu mới, như việc quản lý sổ HSSK điện tử như một sổ y bạ điện tử đối với người dân, hay việc bổ sung việc quản lý các dịch vụ dự phòng, nâng cao sức khỏe. Nội dung này đòi hỏi việc chỉnh sửa, bổ sung các thông tin trong quyết định 831/QĐ-BYT để có thể quản lý được các thông tin phát sinh hiện nay.
Thứ sáu, cần tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin và tính riêng tư của HSSK điện tử.
Bàn luận và kiến nghị
HSSK điện tử có thể nói là một hệ thống thông tin cốt lõi của ngành y tế, là trung tâm chuyển đổi số ngành y tế. Việc triển khai HSSK điện tử nhanh chóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Để triển khai HSSK điện tử, đối với khía cạnh CNTT, đầu tiên, cần quan tâm chặt chẽ tới việc xây dựng và đưa ra kiến trúc tổng thể (enterprise architecture) của hệ thống HSSK điện tử, đây là là kiến trúc tham chiếu cho các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai HSSK điện tử. Thứ hai, cần phải có kế hoạch triển khai HSSK điện tử toàn diện, hiệu quả. Một trong những thực tiễn tốt về kiến trúc tổng thể HSSK điện tử có thể tham khảo là kiến trúc của Singapore như trình bày tại phần trên.
Kiến trúc tổng thể HSSK điện tử cần được xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều hệ thống HSSK điện tử các tỉnh, thành phố đã triển khai, cần có một hướng dẫn kiến trúc thống nhất cho các tỉnh triển khai HSSK điện tử cũng như một kiến trúc liên thông dữ liệu HSSK quốc gia. Căn cứ trên thực trạng và yêu cầu triển khai hệ thống HSSK điện tử tại Việt Nam, một mô hình đề xuất có thể như tại Hình 3.
Cùng với việc xây dựng Kiến trúc tổng thể HSSK điện tử, một Kế hoạch tổng thể để thúc đẩy và hướng dẫn triển khai HSSK điện tử cũng cần được Bộ Y tế xem xét ban hành và hướng dẫn các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện. Việc xây dựng kế hoạch này có thể tham khảo “Sổ tay triển khai HSSK điện tử” do WHO ban hành. Trong đó, kế hoạch cần xác định rõ các yếu tố quan trọng trong việc triển khai HSSK điện tử, cách thức xây dựng kế hoạch chiến lược, tài chính, nhân lực, tiêu chuẩn và liên thông HSSK điện tử.
Bộ Y tế cũng cần nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các nội dung thông tin trong quyết định 831/QĐ-BYT, trong đó đề xuất mẫu HSSK đầy đủ, làm cơ sở để hoàn hiện việc quản lý thông tin sức khỏe người dân trên HSSK điện tử hiện có.
Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn các quy trình tiêu chuẩn trong việc sử dụng, khai thác thông tin HSSK như: Quy trình lập, cập nhật HSSK người dân; Quy trình cho phép người dân tra cứu thông tin HSSK; Quy trình cho cán bộ y tế và các cơ sở y tế tra cứu thông tin HSSK; Các quy trình, các trường hợp sử dụng để các cơ quản quản lý khai thác thông tinCHSSK; Quy trình quản lý hệ thống, đảm bảo an toàn thông tin và tính riêng tư của thông tin sức khỏe người dân.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 5316/ QĐ-BYT ngày 22/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Chương trình CĐS y tế tới năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ CSSK ban đầu.
[2]. World Health Organization, Handbook for Electronic Health Records Implementation, 2017
[3]. HL7 Electronic Health Record System, Functional Model. Release 2.1, June 2020
[4]. Quyết định 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử
[5]. Quyết định 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2022)